Sau khi sử dụng một thời gian, nồi cơm điện sẽ bị bẩn và xảy ra hiện tượng nấu cơm quá lâu so với thời gian đầu, khiến cơm không ngon. Điều này có thể xuất phát từ thói quen vệ sinh nồi cơm điện sai cách của nhiều người.
Khi sử dụng nồi cơm điện, nhiều người chỉ tập trung vào việc vệ sinh lòng nồi bên trong mà bỏ quan phần bên ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế thì cấu tạo của nồi cơm điện rất phức tạp và có nhiều vị trí bụi bẩn, hơi nước, vi khuẩn, côn trùng có thể ẩn náu. Nếu lâu ngày không vệ sinh có thể ảnh hưởng tới chất lượng cơm, sản sinh nấm mốc gây bệnh tật và thậm chí là ung thư, tăng nguy cơ cháy nổ khi sử dụng.
Vì vậy, ngoài lòng nồi bên trong, còn có 4 bộ phận trên nồi cơm điện cần kiểm tra mỗi ngày và làm sạch thường xuyên.
Lỗ thông hơi
Khi nấu cơm, hơi nước sẽ thoát ra qua các lỗ thông hơi của nồi cơm điện. Nếu bộ phận này không được làm sạch kịp thời sẽ sản sinh ra vi khuẩn Salmonella, Escherichia coli, Staphylococcus aureus và nấm mốc chứa chất gây ung thư cấp độ 1 Aspergillus aflatoxin. Những vi khuẩn này sẽ chảy ngược vào nồi cơm điện vào lần sử dụng tiếp theo, làm ô nhiễm> thực phẩm và gây nguy hiểm cho >sức khỏe của người dùng.
Ngoài ra, nhiều người còn sử dụng nồi cơm điện để hầm thịt và chế biến một số món ăn. Khi đó, nguy cơ nhiễm khuẩn, bít tắc lỗ thông hơi cũng cao hơn. Nếu là nồi cơm điện áp suất cao. việc lỗ thoát hơi bị bít tắc có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ nổ.
Để hạn chế tình trạng này, người dùng nên chú ý vệ sinh vị trí lỗ thoát hơi. Hiện nay, nhiều thương hiệu nồi cơm điện được thiết kế nắp lỗ thoát hơi có thể tháo rời để dễ dàng vệ sinh. Với cấu trúc có thể tháo rời này, tất cả các bộ phận có thể tháo rời (như nắp lỗ, vòng cao su lỗ thoát hơi) trong quá trình vệ sinh, rửa sạch và lau khô. Cần lưu ý rằng các chi tiết gần lỗ thông hơi thường có cấu trúc tinh tế và kết cấu nhựa mỏng hơn, vì vậy hãy cẩn thận để không làm hỏng chúng khi tháo rời.
Vòng cao su quanh nắp nồi
Trong quá trình nấu nướng, hơi nước cùng các thực phẩm trong nồi khó tránh khỏi tiếp xúc với vòng cao su trong nắp nồi, dẫn đến nguy cơ sản sinh ra một lượng lớn vi khuẩn và nấm mốc.
Với những nồi cơm lâu ngày không được vệ sinh, chúng ta có thể phát hiện nấm mốc hoặc một lớp chất nhầy màu nâu, vàng, đen ẩn bên trong sau khi mở vòng đệm cao su này của nồi cơm điện. Lần sau khi mở nắp, nước đọng ở nắp nồi chảy xuống vòng cao su sẽ chảy vào nồi và làm bẩn thực phẩm nấu trong nồi, gây hại cho sức khỏe.
Vì vậy, sau mỗi lần sử dụng nồi cơm điện, người dùng nên tháo cả vòng cao su và rửa sạch. Nếu là loại nồi không thể tháo được vòng cao su thì dùng tăm bông nhúng baking soda và giấm trắng lau lại để loại bỏ các vết bẩn cứng đầu.
Hộp chống tràn
Một số nồi cơm điện còn được trang bị hộp đựng nước để chống tràn. Tuy nhiên vị trí rất khuất, lấy ra không dễ dàng, kích thước nhỏ khiến nhiều người bỏ quên.
Nếu thường xuyên không đổ nước, không rửa sạch sẽ gây mùi hôi, phát sinh nấm mốc… gây hại. Thậm chí, các loại côn trùng như gián sẽ chui vào cấu trúc dọc theo hộp đựng nước.
Do đó, không nên đợi cho đến khi hộp chống tràn đầy nước rồi mới đổ đi. Tốt nhất là nên đổ hàng ngày và vệ sinh sạch sẽ, lau khô rồi lắp lại cho khớp mới sử dụng.
Mâm nhiệt trong nồi
Trong quá trình sử dụng nồi cơm điện, cặn thức ăn, nước nhỏ giọt và cơm vô tình rơi xuống đáy nồi, lâu dần sẽ khiến mâm điện chuyển sang màu vàng, đen, bám cặn theo thời gian. Điều này làm giảm hiệu suất hoạt động của nồi. Lâu ngày còn có thể gây chập điện và cháy nổ nguy hiểm.
Vì vậy, sau một thời gian dùng nồi cơm điện, người dùng có thể dùng bàn chải nhỏ nhúng vào baking soda hoặc chất tẩy rửa chuyên dụng để chải dọc theo đường của mâm tản nhiệt. Sau khi vệ sinh, lau sạch bằng vải mềm khô vừa phải và chờ khô hẳn mới dùng.
Cần lưu ý khi vệ sinh tấm sưởi điện phải tắt nguồn và không được ngâm vào nước, nếu không có thể gây đoản mạch, thậm chí có thể gây điện giật.