Mùa sấu đang vào chính vụ, thế nhưng nếu biết cách chọn và bảo quản, bạn có thể dự trữ sấu để ăn quanh năm.
Công dụng của quả sấu
Nhiều người yêu thích loại quả này nhưng ít ai biết về công dụng của nó. Quả sấu chín có chứa vitamin C, axit hữu cơ, protid, glucid, cellulose, canxi, phốt pho và sắt. Sấu không chỉ để nấu ăn, làm mứt, nước uống mà còn có tác dụng làm thuốc, ngay cả hoa, lá và vỏ sấu. Cùng điểm những công dụng chữa bệnh diệu kỳ của quả sấu:
Chữa nôn nghén ở phụ nữ: lấy quả sấu nấu canh với cá diếc hay thịt vịt ăn cũng chóng lành.
Chữa chứng ho: dùng 400 g cùi sấu ngâm với ít muối hoặc sắc lấy nước cho chút đường đủ ngọt, uống 2 - 3 lần trong ngày. Hoặc lấy hoa, quả sấu sắc với 300 ml nước còn lại 100 ml, chia ra 2-3 lần uống trong ngày.
Chữa ho cho trẻ em: lấy hoa sấu hấp cùng mật ong cho trẻ uống ngày vài lần sẽ hiệu nghiệm.
Làm tăng cường tiêu hóa: lấy sấu hấp với đường làm nước giải khát uống trong ngày. Hoặc sử dụng quả sấu tươi nấu canh chua ăn.
Chữa say rượu: dùng 4-6 g cùi quả sấu sắc lấy nước uống hoặc hãm với nước sôi để uống.
Chứng nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng: lấy từ 4 đến 6 g cùi quả sấu khô đem sắc với 2 bát nước còn nửa bát, uống sau bữa ăn sáng. Hoặc 8 g cùi quả sấu hãm với nước sôi uống trong ngày. Dùng trong một tuần liền. Có thể lấy quả sấu chín đem dầm với muối hay đường ăn trong ngày.
Chữa lở ngứa: lá sấu rửa sạch, sắc lấy nước để chữa mụn loét, hoại tử, vết thương lâu lành.
Cách chọn sấu ngon
Khi chọn mua sấu để dự trữ các bạn cần lưu ý:
Để chọn mua sấu xanh tươi ngon, nên chọn kỹ từng quả một.
Không nhặt những quả có vỏ thâm, dập. Sấu ngon là quả có lớp vỏ hơi sần. Chọn quả sấu xanh có cùi dày để được nhiều thịt chua.
Những quả sấu láng bóng sẽ không ngon vì chúng còn quá non, để lâu sẽ bị ủng.
Không nên lựa chọn quả sấu quá già vì chúng sẽ có rất nhiều hạt to, ít chua.
Cách bảo quản sấu tươi ngon, lâu hỏng
Nên cạo sạch vỏ sấu (không nên gọt), rửa sạch, để thật ráo nước cho se mặt quả sấu lại.
Nhiều người thường chỉ cắt cuống sấu cho hết nhựa chảy ra ngoài, để ráo nước rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh. Cách này cũng được, tuy nhiên, nếu sấu không cạo vỏ thì khi cho thẳng vào nấu canh sẽ có vị chát của vỏ.
Hơn nữa, sấu còn tươi, cạo (hoặc gọt) vỏ rất dễ. Nếu để trong ngăn đá rồi sau đem rã đông mới cạo vỏ thì sấu nhũn ra, rất khó làm.
Lưu ý: Không nên cho tất cả sấu vào chung một túi rồi để vào tủ lạnh, vì nếu để cả túi to, thì mỗi lần mở túi lấy sấu ăn, khiến một lượng hơi ẩm lớn sẽ vào túi, cả khối sấu sẽ dính chặt vào với nhau, khó lấy ra từng quả để nấu.
Vì vậy, bạn hãy chia sấu ra làm nhiều túi nhỏ, với cách này, bạn sẽ lấy sấu dễ hơn rất nhiều.
Cẩn thận hơn nữa, bạn có thể hút túi chân không để bảo quản sấu, với cách làm này khi lấy sấu ăn, bạn không phải khổ sở gỡ từng quả vì dính chặt vào nhau.
Với sấu chín, quả sẽ không còn nhựa, nên bạn không cần cắt cuống hay cạo vỏ mà chỉ việc rửa sạch để ráo nước rồi đem bảo quản giống sấu xanh.