Thông thường, mọi người gom quần áo bẩn bỏ vào máy, giặt rồi lấy ra phơi nhưng có những hành động sai trong quá trình này khiến đồ vẫn bẩn sau khi giặt.
- Cách sử dụng máy giặt tiết kiệm điện lại sạch sẽ: Mùa hè nắng nóng không lo hóa đơn tăng vọt
- Đóng hay mở nắp sau khi giặt máy giặt, nhiều người làm thế này bảo sao vài bữa đã hư
Từ khi có máy giặt, việc giặt quần áo trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều. Bạn chỉ cần cho đống quần áo bẩn vào máy rồi bấm nút, sau đó đợi máy giặt xong và đem phơi. Máy giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều thời gian cho việc giặt giũ. Tuy nhiên, sau một thời gian dài sử dụng máy giặt, bạn phát hiện quần áo giặt xong vẫn còn loang lổ các cặn bẩn.
5 thói quen khi quần áo giặt rồi vẫn bẩn
Bỏ trực tiếp quần áo bẩn vào máy giặt
Máy giặt có khả năng giặt quần áo theo chu trình được nhà sản xuất quy định gồm ngâm, giặt, xả và vắt quần áo. Theo nguyên lý này, máy giặt không xác định được độ bẩn của quần áo. Do đó, các loại quần áo nhiều vết bẩn cứng đầu sẽ không được đảm bảo giặt sạch hoàn toàn khi cho vào máy.
Trước khi bỏ quần áo vào máy giặt cần xử lý sơ qua các vết bẩn cứng đầu. Việc làm này sẽ ngăn chặn tối đa tình trạng các vết bẩn dính vào quần áo khác. Quần áo bẩn tốt nhất sau khi cởi ra nên giặt ngay, mùa hè giặt hằng ngày, mùa đông tùy theo tần suất tắm để giặt quần áo ngay sau đó.
Túi lọc xơ vải bị hỏng hoặc quá bẩn
Mỗi máy giặt đều có một túi vải dùng để lọc các sợi bông hoặc xơ vải từ quần áo để chúng không đi theo nguồn nước lọt vào các ống dẫn gây tắc nghẽn, đồng thời tách các cặn bẩn khỏi quần áo, không để chúng bám lại vào những món đồ đã được giặt sạch.
Nó chính là chiếc túi lọc rác cho máy giặt, nếu bị hư hoặc bẩn, các loại cặn và xơ vải sẽ không được lọc sạch và bám vào quần áo đã giặt xong.
Bỏ trực tiếp đồ lót vào máy giặt
Trong mỗi quá trình giặt, sẽ có xơ vải và vết bẩn còn sót lại trên quần áo bám vào thành trong của máy giặt hoặc các góc khác. Do đó, nếu bạn giặt đồ lót bằng máy giặt, nó có thể trở thành ô nhiễm thứ cấp. Chưa kể, quần lót đã dùng có thể chứa đến 100 triệu con vi khuẩn E. coli và có thể tồn tại trong máy giặt nhiều tuần. Đồ lót cũng dễ bị biến dạng sau khi giặt trong máy, giảm tuổi thọ của trang phục.
Không phơi quần áo ngay sau khi giặt
Nhiều người quen với việc bỏ quần áo bẩn vào máy giặt để giặt tự động nhưng không biết khi nào nên phơi khô, thậm chí có thể buổi sáng giặt quần áo nhưng buổi tối mới đem ra phơi. Thực tế, thói quen này không tốt. Nếu không lấy quần áo ngay sau khi giặt sẽ đẩy nhanh quá trình sinh sản của vi khuẩn trong thùng máy giặt, gây bất lợi cho da. Sau khi giặt xong, nên lấy quần áo ra phơi hoặc sấy khô kịp thời, thời gian để quần áo trong máy không quá bốn giờ.
Ngâm quần áo quá lâu trước khi giặt
Nhiều người cho rằng vết bẩn trên quần áo bẩn sẽ dễ làm sạch hơn nếu ngâm qua đêm, nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Nếu ngâm quá lâu, các hóa chất trong bột giặt và các vết bẩn trên quần áo sẽ dễ bị phân hủy, gây mùi hôi. Vi khuẩn cũng có thể sinh sôi khiến quần áo bị ẩm mốc, bạc màu, cũ kỹ.
Chỉ nên ngâm quần áo bẩn trong 15 phút, kể cả quần áo dày thì thời gian ngâm cũng không quá 30 phút. Đối với quần áo đặc biệt bẩn, bạn có thể thoa một ít xà phòng lên vùng bị bẩn rồi dùng bàn chải chà qua trước khi cho vào máy giặt.