"Đã vậy, trong nhiều lần ngồi nhậu nhẹt với bạn bè, chồng em cũng nói về chuyện đó và cho rằng đàn ông mà phải vào bếp thì chẳng còn ra thể thống gì nữa", người vợ kể.
Trong >cuộc sống hôn nhân, có lẽ trừ đi những thiên chức như làm mẹ và nuôi con thì có lẽ đừng nên phân chia công việc nào là của ai. Người chồng hoàn toàn có thể chia sẻ việc nhà với vợ. Vợ san sẻ nhiệm vụ kinh tế với chồng. Có những sự sẻ chia và thấu hiểu qua lại như vậy hôn nhân mới hạnh phúc.
Tuy nhiên, cũng có những cô vợ chưa may mắn. Họ gặp phải ông chồng chỉ biết bỏ bê mọi chuyện, ỷ lại, coi như đó chẳng phải trách nhiệm của mình. Mới đây, một người phụ nữ đăng tải bài viết lên mạng xã hội về việc "dạy dỗ" chồng. Chuyện như sau:
"Trần đời có lẽ chẳng có ai như chồng em. Anh ấy mặc định tất cả những việc trong nhà là của em. Anh chỉ có nghĩa vụ làm những chuyện ngoài xã hội.
Suy nghĩ ấy cực đoan đến mức bọn em nhiều lần cãi vã chỉ vì sự vô tâm đến cùng cực của anh ấy. Ví dụ như cắm hộ em nồi cơm, tắm táp cho con anh ấy không bao giờ làm và quy đó là nghĩa vụ của đàn bà phụ nữ.
Đã vậy, trong nhiều lần ngồi nhậu nhẹt với bạn bè, chồng em cũng nói về chuyện đó và cho rằng đàn ông mà phải vào bếp thì chẳng còn ra thể thống gì nữa. Đàn ông con trai luẩn quẩn xó bếp thì chẳng được việc gì.
Các chị ơi, đây có lẽ do quan niệm và sự sĩ diện khiến anh ấy như thế chứ thật sự chồng em cũng chẳng phải giỏi giang xuất sắc gì. Chưa kể đến việc kiếm tiền ngoài xã hội anh ấy còn thua cả em. Mức lương công chức mấy triệu của anh chẳng đủ chi tiêu ăn uống chứ đừng nói đến bỉm sữa con trẻ.
Thế nhưng anh ấy bỏ qua tất cả những điều đó, vẫn giữ vững quan niệm đàn ông không vào bếp, không việc nhà, sống thong dong chẳng cần lo nghĩ. Tuy nhiên, một lần em ốm và quá bức xúc, em cũng 'nắn' được anh ấy.
Đó là đợt em bị dầm mưa, về nhà đến hôm sau là sốt. May mắn thời gian đó con bé đang cai sữa được gửi dưới ông bà nội nên em cũng đỡ vất vả. Hôm ấy là cuối tuần, hai vợ chồng đều ở nhà.
Đến trưa, vợ chồng em suýt 'choảng' nhau bởi em bức xúc quá, anh ấy không cơm nước gì dù đã 11 rưỡi rồi. Nhưng nghĩ anh ấy nấu em nuốt chắc gì đã trôi nên em tự mình đứng bếp làm mấy món đơn giản.
Xong xuôi hai vợ chồng cùng ăn với nhau. Em có nhờ anh ấy dọn dẹp rồi rửa hộ bát đũa. Em không thích nhà cửa không gọn gàng nên chưa bao giờ để tình trạng bát đũa không rửa, tồn ở chậu bát. Anh ấy tay đánh điện tử, miệng ậm ừ.
Đến chiều tối hôm đó em đỡ mệt nên định bụng sẽ tự nấu vài món mình thích cho đỡ nhạt miệng. Thế nhưng các chị biết gì không, nguyên một mâm bát đũa, xoong, nồi từ trưa còn nguyên ở bồn rửa.
Chồng em vẫn đang dán mắt vào máy tính chơi điện tử. Lúc này em điên quá mới lao thẳng lên nhà hỏi anh ấy chuyện bát đũa. Em bảo rõ ràng rằng em đã nhờ anh dù đây là chuyện anh nên làm khi vợ ốm thế nhưng mọi thứ còn nguyên xi. Chồng em cáu kỉnh cũng đáp trả lại: 'Đó là việc của đàn bà, đàn ông nhà này chẳng ai sờ tay vào bếp núc, bát đũa'.
Lúc này em điên lắm. Nói nhỏ thì chỉ là chuyện bát đũa nhưng nói lớn nó là trách nhiệm với gia đình. Đàn ông mà có suy nghĩ ích kỷ như vậy thì làm sao chịu đựng nổi đây. Khi ấy em cảm thấy rất tủi thân.
Lần đầu tiên sau 3 năm kết hôn, em thẳng thừng nói về vấn đề ấy: 'Được rồi, em chấp nhận tuân theo cái yêu cầu về phân chia công việc của anh. Mai em sẽ mua ngay máy rửa bát, máy lau nhà để đỡ phần nào công việc của em.
Từ bây giờ trở lên việc ngoài xã hội, chi tiêu trong ngoài em dựa vào anh cả. Giờ em vào lập bảng chi tiêu các khoản cơ bản phải chi trong tháng rồi đưa anh xem cho anh nắm rõ hơn. Hàng tháng nhận lương anh phải có nghĩa vụ đưa cho em chừng đó để chi tiêu, đừng than vãn gì cả.
Nhưng nói trước là anh phải làm gấp đôi, gấp ba như cũ đấy bởi lương anh hiện tại không đủ đâu. Gia đình mình cứ thế mà làm'.
Em biết vợ chồng nói về vấn đề tiền nong rất dễ dàng gây tổn thương nhưng các chị đâu biết vì bản thân em kiếm ra tiền nên chưa bao giờ chồng có ý thức đưa tiền cho vợ. Thi thoảng anh ấy mua cho con bịch bỉm, hộp sữa thì than vãn nuôi con nít tốn kém.
Lúc này em cay đắng quá nên mới nói thẳng toẹt ra như thế. Chồng em có vẻ cũng suy nghĩ lắm, em tưởng anh ấy phải cáu nhưng không, chồng em quay sang xin lỗi rồi hứa hẹn sẽ sửa đổi. Có lẽ trước kia em quá dễ tính mới khiến anh ấy hình thành nên tư tưởng việc cô, việc tôi. Bây giờ thấy em cáu kỉnh đến mức đó anh lại biết đường xuống nước.
Hiện tại thì khá hơn rồi các chị ạ, anh ấy cũng giúp em cơm nước, rửa bát hay phơi đồ. Nhưng hằng ngày em vẫn ghi hết các chi tiêu rồi cuối tháng ấy đưa cho anh ấy nhìn con số tổng kết để anh hiểu hơn. Đừng bao giờ nghĩ rằng trong nhà có cái gì hoàn toàn là việc của vợ để rồi có những suy nghĩ, phát ngôn gây bức xúc".
Câu chuyện này cũng là một dẫn chứng dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống hôn nhân. Nhiều người chồng chẳng biết thế nào là giúp đỡ vợ và cho rằng bản thân mình đàn ông phải làm việc lớn. Thế nhưng chẳng phải với đàn ông thì việc lớn, việc bé cũng chỉ để giúp vợ con có một cuộc sống sung túc, hạnh phúc hơn hay sao.
Trong gia đình, vợ chồng nên giúp đỡ nhau trong tất cả mọi việc. Xã hội hiện đại, đàn ông cần thể hiện tinh thần trách nhiệm chứ đừng chống chế để trốn tránh nó.