Đàn ông vô tâm có thể vì nhiều lẽ: suy nghĩ đơn giản, ích kỷ, ỷ lại... hoặc vì gia trưởng, độc đoán, không quan tâm đến người bạn đời hay cũng có thể bản thân quen được nuông chiều.
Mọi người vẫn nói là chị H. số sướng. Chồng chị cao lớn, mạnh mẽ, công việc ổn định. Lấy nhau 9 năm, hai >vợ chồng dành dụm mua đất xây ngôi nhà khá thoáng mát, rộng rãi và mỗi người cũng đã có một xe tay ga. Anh chị có hai cậu con trai khỏe mạnh ngộ nghĩnh đáng yêu. Nói tóm lại mọi thứ đều khá ổn. Chỉ có điều…
“Anh ơi cắm giúp em nồi cơm nhé, em lau nhà cho xong rồi còn tắm cho con”.
“Em cắm đi, anh không biết canh nước đâu” – vừa cắm cúi vào chiếc điện thoại bấm phím chơi game, anh vừa đáp.
“Vậy anh tắm cho con được không?”
“Em làm luôn đi, anh tắm con nó cứ đòi nghịch nước không chịu lên” – anh đáp, vẫn không ngẩng đầu.
Chị ngán ngẩm. Thôi làm luôn đi cho xong. Chồng chị vốn vô tâm. Anh hầu như không làm việc nhà, không chia sẻ việc nhà với chị. Cứ đi làm về, thay bộ đồ ở nhà xong là anh nằm dài trên ghế salon xem tivi hoặc cắm cúi vào điện thoại chơi game, đọc báo. Không phải là anh gia trưởng, đơn giản là anh không quen làm, vì ở nhà anh là con út, mẹ và hai người chị gái không bao giờ để anh nhúng tay vào bất cứ việc gì.
Anh cũng không biết chơi với con. Hai cậu con trai nghịch ngợm thường bị anh đuổi vào trong phòng ngồi chơi khi bố về nhà: "Hai ông tướng, vào trong kia chơi cho bố xem tivi nào”. Thành ra việc dạy con, kèm con học cũng "vào" tay vợ. Anh không nói rằng đó là việc của phụ nữ, nhưng lúc nào chị nói chuyện về cách dạy con, anh cũng gạt đi. Đi làm cả ngày vất vả, tối về vừa làm việc nhà, chị vừa phải kèm cậu con trai đang học lớp hai học bài, vừa trông chừng cậu con trai thứ hai chỉ mới ba tuổi. Nhìn chồng nhàn nhã, cứ như người ngoài cuộc, chị thở dài "số mình vất vả, biết làm sao".
Mọi công việc chung của gia đình hai bên anh đều phó mặc cho chị đảm đang gánh vác. Mỗi khi nhà có khách, gia đình có việc, cưới xin giỗ chạp, sinh nhật bố mẹ hay người thân ốm đau, chị đều tự lo liệu một mình sao cho chu toàn, vì cho dù có bàn bạc với anh, anh cũng phó thác hết cho vợ. Nhiều lúc chị mỏi mệt tưởng muốn gục ngã, muốn nằm xuống mà nghỉ ngơi mãi mãi, thoát khỏi vòng xoay vô tận những lo toan của cuộc sống gia đình, cuộc sống có đôi lứa mà như kẻ độc hành lẻ bước đường xa.
Chồng chị L. thì lại vô tâm kiểu khác. Vốn là người sống đơn giản, anh ít khi hỏi han, trò chuyện, tâm sự với vợ. Anh cũng không bao giờ mua hoa, mua quà tặng vợ, dù đó là ngày lễ, kỷ niệm ngày cưới hay sinh nhật chị. Anh cho rằng những thứ đó chỉ là hình thức, phù phiếm, không thiết thực, không quan trọng. Đôi khi sắp đến ngày lễ, chị cười cười hỏi anh – thực ra là nhắc khéo: “Bố có tiền mua hoa mua quà tặng mẹ chưa nè?” thì anh nói: “Chà, hoa với quà, vớ vẩn”. Trong khi cuộc sống vật chất đã tương đối đầy đủ như hiện nay, thì những món quà tinh thần đem đến một sinh khí mới, niềm hứng khởi mới, làm thức dậy, gắn kết cảm xúc yêu đương lãng mạn của cuộc sống chung đôi lứa. Tiếc là chồng chị không hiểu điều này.
Sự vô tâm mang nhiều dáng vẻ. Có người độc đoán gia trưởng, chỉ quen ra mệnh lệnh, không cần biết vợ nghĩ gì. Những người đàn ông như vậy coi mình là thượng tôn trong gia đình, coi những người khác phải có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu, mong muốn của mình một cách tuyệt đối. Họ luôn đòi hỏi mà không nghĩ mình cũng có trách nhiệm phải đáp đền. Họ quen áp đặt ý muốn của mình lên những người sống chung, và chỉ muốn sự phục tùng vô điều kiện, họ cũng không buồn quan tâm đến sự phản hồi. Sống bên những ông >chồng vô tâm dạng này, người vợ trở nên nhỏ bé một cách tội nghiệp, những mong muốn, nhu cầu tinh thần đều bị bóp bẹp một cách phũ phàng.
Có người sống chung, nhưng không hiểu tâm tình của vợ, không hề biết vợ vui hay buồn, nói gì đến quan tâm, chia sẻ. Thành ra trong lòng người phụ nữ vốn nhạy cảm, tinh tế, giàu cảm xúc, dễ vui dễ buồn và luôn khát khao một nỗi thấu hiểu, một sự đồng cảm sẻ chia, lúc nào cũng có một khoảng trống mênh mông mà những bận rộn của cuộc sống >hôn nhân không thể nào lấp đầy. Bên những người chồng vô tâm, người vợ có những lúc cảm thấy mình bơ vơ, trơ trọi, không chỗ dựa tinh thần, sống chung mà thở dài vì cảnh đồng sàng dị mộng. Có thể đây là kẽ hở của cuộc sống hôn nhân để cho những kẻ thứ ba gặp dịp là có thể dễ dàng chen vào.
Khi bước chân vào đời sống hôn nhân, bước vào cuộc sống chung là chấp nhận sẻ chia, nhường nhịn, hy sinh và cho đi. Nhưng cho đi yêu thương cũng là để nhận lại thương yêu, sẻ chia, đền đáp. Để cuộc sống hôn nhân được hạnh phúc, chỉ một tay thì không vỗ nên kêu, chỉ một bên vun đắp thì hạnh phúc không thể tròn đầy. Mong là chồng hiểu rõ điều ấy để yêu thương nhiều hơn, chia sẻ và quan tâm nhiều hơn, để tắt đi những tiếng thở dài, những giọt nước mắt tủi thân thầm lén. Vô tâm không phải là một cố tật không thể sửa. Chỉ cần chồng học được cách yêu thương, thì yêu thương sẽ trở về…