Cậu bảo mợ thật vô lý, dù cậu có đi đâu thì vẫn về với mợ, vợ chồng sống với nhau tới từng tuổi này rồi mà còn ghim gút giận hờn.
Cậu bóp cái chân đau sau đận tai nạn giao thông còn dư chấn. Khen chai thuốc rượu cháu cho sao mà tốt. Đỡ nhức hẳn và ấm lên rồi, nhưng có lẽ tật cà nhắc là suốt đời cháu ạ, bị rút gân mà. Đời cậu vậy là “tàn’ rồi cháu ơi! Chỉ tội cho những miếng cơm, bây giờ từng ngày nuốt mà cứ nghẹn đắng. Nghẹn đắng vì mợ bây chửi chồng như chửi con. Sáu lăm tuổi, đã làm bà nội bà ngoại rồi, mà mợ mày cứ vậy.
Tôi cúi đầu im lặng tiếp tục nắn chỗ đau giúp cậu. Cậu cháu lâu lâu mới có dịp gặp nhau mà toàn nói chuyện buồn nghe… không vui gì hết. Mái đầu người đàn ông chớm bảy mươi đã không còn chỗ tóc đen, nhưng khóe mắt vẫn tinh anh lóng lánh, giọng nói vẫn trầm trầm ấm áp khiến tôi thấy “số đào hoa” của cậu vẫn còn chưa hết khổ.
Hồi đó… cưới vợ rồi, mợ cấn bầu đứa con đầu lòng mà cậu vẫn tiếp tục quen người đàn bà khác. Mà kiểu “quen” của cậu nó tự nhiên như sáng rồi phải tới chiều vậy à. Cậu lái xe tải chở đá ong, đá mả thì quen bà lái đá. Quay qua lái xe đò thì quen những người đàn bà buôn chuyến. Trời đêm thăm thẳm, đường đêm lạnh lùng, vậy là họ sưởi ấm cho nhau. Cho tới khi mợ tôi biết được. Cái bụng bầu lặc lè mà bà vẫn ‘tầm nã” tới chỗ cậu. Chửi bằng ngôn ngữ và hành động của một người đàn bà ghen chồng. Bè bạn lái xe của cậu đang ăn nhậu hùng hục đó, mợ sẵn sàng cởi hết áo quần rồi la rằng: đàn bà có gì khác nhau, mấy anh nhìn coi tui và mấy con mẹ đó ai hơn ai mà ông nỡ nào bỏ tui mà theo mấy con mẻ?
Cậu tôi mắc cỡ trốn đường sau đi mất. Mợ tôi và mấy người đàn bà qua đường kia “tự xử” với nhau. Sau đó cậu trở về, vì có vài người bạn tốt khuyên rằng vợ đang bụng mang dạ chửa, có gì sẽ khổ con khổ cái. Cậu về, im lặng đi làm và mang tiền về cho vợ tới khi con thôi nôi thì mợ tôi "có thai trộm” đã bốn tháng, >sức khỏe kém phải đi bệnh viện. “Duyên số đẩy đưa” cậu quen người phụ nữ làm nghề cho tiền góp khi cậu đi mượn tiền lo viện phí cho vợ. Bà này nói chuyện tình cảm mà rành mạch như những con số, rằng bà sẵn sàng “làm bé”, hàng tháng sẽ đưa một khoản tiền không nhỏ cho mợ tôi nuôi con, nuôi cái bầu, chỉ là mỗi tháng mợ tôi đồng ý cho cậu sang nhà bà hai ngày cuối tuần.
Mợ bảo, bà ta “khôn động trời”. Tuần cậu mày đi làm hết sáu ngày, mà ngày cuối ở bên nhà bả, vậy tao cho mướn chồng à? Tao đâu có ngu!
Mợ không ngu, nhưng tiền vẫn phải cần, mà tiền của người ta đã cầm rồi thì không dễ gì trả được. Mà quan trọng là cậu tôi không muốn xa người phụ nữ ngọt ngào luôn cúc cung tận tụy mình. Vậy là hai ngày cuối tuần cậu có tạt về nhà, nhưng đi như “thăm bẫy”, còn tất cả thời gian đều ở bên nhà “bà bé”. Cho đến khi mợ tôi cứng cáp, huy động thêm nước mắt của mấy đứa con mới đủ sức lôi cậu ra khỏi “động nhền nhện” ấy.
Rồi bao nhiêu năm qua, mợ tôi một mình vất vả với bụng bầu rồi cứ vừa sinh con, nuôi con và đi “kéo” chồng về. Mỗi lần kéo thành công là… một đứa con ra đời. Tổng cộng cậu mợ có 7 đứa con thì cậu tôi mới chịu “dừng bước giang hồ” là không “phát sinh” thêm mối tình nào nữa. Ấy là năm ông chẵn năm lăm.
Bây giờ các con của cậu mợ tuy không thành danh nhưng cũng thành nhân. Mỗi người đều có công ăn việc làm ổn định. Căn nhà xưa giờ đã khang trang do mấy đứa con thương mẹ nên chịu khó làm ăn, tạo dựng.
Mười năm nay, cậu tôi không đi lái xe thì ở nhà làm “cò” cho ngành vật tư xây dựng. Thu nhập khá nhưng chẳng bao giờ đưa vợ đồng nào, chỉ bỏ túi riêng cà phê, thuốc lá đôi khi cùng vài anh em bạn trẻ đi nhậu “gác tay”.
Mợ kinh qua bao nhiêu việc, từ mua đầu chợ bán cuối chợ đến ve chai hạt gòn, hạt điều, dép đứt mủ bể… Rồi bán vải góp, bán nồi góp… thì giờ an nhàn với cháu nội ngoại. Cơm vẫn ăn chung cùng cậu nhưng sự khinh rẻ hằn lên mặt. Cho đến khi cách đây sáu tháng, xe tải của một cửa hàng vật liệu “kẹt tài", cậu lên lái giúp và tai nạn xảy ra bởi sức ông lão bảy mươi không như hồi trẻ.
Cậu ngồi một chỗ, cơm có vợ nấu, thuốc có con lo. Nhưng chẳng một lời an ủi, không một tiếng sẻ chia. Mợ vẫn lầm lũi ra vào như chiếc bóng, thời gian vui nhất là mỗi chiều các cháu đi học về. Cậu bảo mợ thật vô lý, dù cậu có đi đâu thì vẫn về với mợ, vợ chồng sống với nhau tới từng tuổi này rồi mà còn ghim gút giận hờn.
Mợ bảo, bây có nghe lời cậu bây thì nghe, chứ bây cũng là đàn bà, một ông chồng như vậy hỏi sao có thể yêu thương và kính trọng.
Tôi chỉ biết cúi đầu.