Duy trì xương khớp chắc khỏe luôn là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ sức khỏe tổng thể.
Rất nhiều người quan tâm tới >sức khỏe tim mạch, đường ruột và não bộ trong khi lại không dành nhiều thời gian chú ý tới vấn đề về xương khớp. Theo thống kê, khoảng 1,2 triệu người Úc hiện nay đang phải sống chung với bệnh loãng xương, một tình trạng sức khỏe khiến xương trở nên yếu, giòn, gãy và dễ gãy.
Theo Rivkeh Haryono, tiến sĩ, nhà khoa học kiêm chuyên gia >dinh dưỡng tại Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ: “Chúng ta có xu hướng không quan tâm tới vấn đề xương khớp cho đến khi bị ngã hoặc gãy xương”. Yếu xương làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Không chỉ duy trì sức khỏe, sự cơ động và tính linh hoạt cho cơ thể, bộ phận này còn hỗ trợ tim và các cơ quan quan trọng khác.
Trên thực tế, ngăn ngừa gãy xương và bảo vệ sức khỏe xương là việc tương đối dễ dàng. Tất cả những gì bạn cần làm là tránh các thói quen và áp dụng lối sống kém lành mạnh dưới đây:
1. Ăn nhiều muối
Thường xuyên tiêu thụ thực phẩm mặn, chứa nhiều gia vị như khoai tây chiên, pizza, đồ ăn chế biến sẵn sẽ gây hại cho sức khỏe xương.
Karen Inge, chuyên gia dinh dưỡng tại Viện Dinh dưỡng và Thực phẩm Hoa Kỳ cảnh báo: “Chế độ ăn chứa nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh loãng xương trong tương lai”. Khi bạn tiêu thụ quá nhiều gia vị này, thận sẽ tăng cường bài tiết natri dư thừa và canxi qua nước tiểu, từ đó làm cạn kiệt nguồn dự trữ canxi trong cơ thể và dẫn tới hiện tượng khử khoáng xương.
Vì canxi giúp duy trì xương chắc khỏe, bất kỳ thói quen nào làm giảm chất này cũng có khả năng gây yếu xương và tăng nguy cơ gãy xương. Do đó, mọi người hãy hạn chế dùng đồ ăn mặn và chọn các thực phẩm chứa dưới 120mg natri trong mỗi 100g. Tích cực sử dụng thảo mộc và gia vị để tạo hương vị cho món ăn cũng là một trong những cách hiệu quả nhằm giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày.
2. Dùng đồ uống có cồn
Hội đồng Nghiên cứu về Sức khỏe và Y tế Úc lưu ý, không sử dụng đồ uống có cồn và tuân theo lời khuyên của bác sĩ là việc làm quan trọng nhất để bảo vệ xương chắc khỏe.
Sandra Iuliano, tiến sĩ kiêm thành viên tại Trung tâm nghiên cứu sức khỏe Austin cho biết, uống nhiều rượu có liên quan đến việc giảm khả năng phát triển xương, ảnh hưởng tới quá trình hấp thụ canxi và sản xuất vitamin D.
Theo chuyên gia Inge, đồ uống có cồn tác động không nhỏ tới hormone trong cơ thể. Đối với nam giới, rượu làm giảm testosterone, một loại hormone thúc đẩy hình thành xương. Trong khi đó, loại đồ uống này ức chế hormone estrogen ở phụ nữ và gia tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương.
3. Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm
Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu từ Viện Sức khỏe thế giới Barcelona đã phát hiện ra, những người thường xuyên tiếp xúc với không khí ô nhiễm có nhiều khả năng bị loãng xương và giảm mật độ xương.
Natalie Sims, giáo sư kiêm người đứng đầu của nghiên cứu cho biết: “Tuy chưa có nhiều dữ liệu cho thấy tác động của môi trường tới sức khỏe xương, những người sinh sống tại các khu vực ô nhiễm bị yếu xương và dễ mắc các vấn đề liên quan tới xương khớp hơn so với người khác”.
Để ngăn ngừa tình trạng này, mọi người nên đeo khẩu trang ở những nơi có nhiều khói bụi và cố gắng tránh tập thể dục gần khu vực đông đúc, xe cộ qua lại.
Ít vận động
Hoạt động thể chất là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi nhắc đến việc duy trì sức khỏe xương.
Giáo sư Sims giải thích, tập thể dục có tác dụng như một tín hiệu truyền tới các tế bào. Nếu không nhận được tín hiệu, tế bào sẽ không tái tạo và xây dựng xương.
Đi bộ và chạy rất tốt cho sức khỏe của xương. Nếu không có thời gian tập thể dục, bạn hãy tận dụng các hoạt động hàng ngày như dùng thang bộ thay vì đi thang máy để rèn luyện cơ thể.
4. Thiếu ngủ
Thường xuyên thiếu ngủ sẽ làm chậm quá trình tái tạo xương và dẫn đến hiện tượng mất xương. Trên thực tế, một nghiên cứu ở Anh đã cho thấy, những phụ nữ tiền mãn kinh ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm có nguy cơ cao phải đối mặt với bệnh loãng xương.
Không ít nghiên cứu đã chỉ ra tầm quan trọng của thời gian và chất lượng giấc ngủ đối với sức khỏe của xương. Quá trình chợp mắt tác động tới đồng hồ sinh học trong cơ thể, từ đó gián tiếp điều chỉnh sự hình thành xương.
Nếu bạn gặp khó khăn để đi vào giấc ngủ hoặc không thể chợp mắt được trong thời gian dài, hãy thử tìm đến các chuyên gia để được tư vấn.
5. Lạm dụng kem chống nắng
Ánh nắng mặt trời giúp cơ thể sản sinh ra vitamin D, hợp chất rất cần thiết để bảo vệ xương chắc khỏe.
Dùng kem chống nắng để bảo vệ làn da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời là việc làm cần thiết. Dù vậy, mọi người cũng không nên lạm dụng sản phẩm này. Trên thực tế, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời giúp duy trì xương chắc khỏe. Giáo sư Sims giải thích, điều này rất quan trọng vì tia cực tím UVB từ mặt trời giúp cơ thể tạo ra vitamin D, hợp chất rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe xương.