Niêm mạc tử cung dày thường ảnh hưởng xấu đến việc thụ thai, thậm chí còn có thể bị hiếm muộn. Cùng tham khảo cách chữa niêm mạc tử cung dày trong bài viết sau!
Độ dày của lớp niêm mạc tử cung khác nhau tùy theo độ tuổi sinh sản và phụ thuộc theo chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Những ai có lớp niêm mạc tử cung dày thường là do rối loạn nội tiết.
Điều trị tình trạng này không chỉ cần thuốc mà còn là sự kết hợp với chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh. Trong bài viết sau, sẽ là những >cách chữa niêm mạc tử cung dày an toàn và hiệu quả.
Niêm mạc tử cung hay còn được gọi là nội mạc tử cung, là một lớp mô bao phủ toàn bộ bề mặt bên trong của tử cung. Lớp niêm mạc này có vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình thụ thai và bảo vệ phụ nữ khi mang thai.
Hormone estrogen tác động đến lớp niêm mạc tử cung và khiến nó dày lên, tùy thời điểm khác nhau trong tháng. Hiện tượng niêm mạc tử cung bị dày lên là dấu hiệu của việc chuẩn bị cho trứng đã được thụ tinh đi vào làm tổ trong tử cung.
Nếu quá trình thụ tinh không diễn ra, lớp niêm mạc sẽ bị bong tróc rồi được đẩy ra khỏi cơ thể. Đây chính là lý do dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt ở phụ nữ. Trong trường hợp quá trình thụ thai được diễn ra, nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ sẽ tác động đến lớp niêm mạc tử cung làm cho dày lên. Điều này báo hiệu tử cung đã sẵn sàng cho trứng vào làm tổ.
Niêm mạc tử cung gồm 2 lớp là lớp đáy và lớp nông. Trong đó, lớp đáy không bị tác động bởi chu kỳ kinh nguyệt. Còn lớp nông thì ngược lại, khi chu kỳ kinh nguyệt thay đổi sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến lớp này. Nếu khi bạn đi siêu âm, kết quả cho thấy lớp niêm mạc tử cung có bề dày lớn hơn 20mm thì chứng tỏ bạn đã bị tăng sinh niêm mạc tử cung hay còn gọi là niêm mạc tử cung dày.
Niêm mạc tử cung dày thường do lượng estrogen quá nhiều. Niêm mạc tử cung dày sẽ gây nên tình trạng khó thụ thai hoặc hiếm muộn. Bên cạnh đó, những người có niêm mạc tử cung dày rất có thể đã bị đa nang buồng trứng hoặc rối loạn phóng noãn,... ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
Như có đề cập ở trên, tình trạng niêm mạc tử cung dày thường do sự rối loạn nội tiết tố, cụ thể là thiếu hụt progesterone. Lớp niêm mạc tử cung dày không đủ hormone để cầm máu, khiến máu chảy kéo dài, hay còn gọi là hiện tượng rong kinh. Bên cạnh đó, điều này còn có thể khiến bạn bị vô kinh kéo dài.
Nhiều người bị niêm mạc tử cung dày thường tìm kiếm phương pháp chữa bệnh hay còn gọi là cách làm mỏng niêm mạc tử cung.
Khi bị nội mạc tử cung dày, trước tiên bạn cần phải đi khám phụ khoa để xem có phải do thực thế gây ra hay không như: tổn thương tử cung, nhân xơ tử cung, do bác sĩ (sử dụng sai thuốc an thần, dụng cụ tử cung, thuốc chích ngừa thai,...), bệnh lý nội tiết, xơ gan,... Nếu không mắc trường hợp nào vừa nêu, thì bạn đã bị chảy máu tử cung do chức năng.
Tùy theo nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng thuốc để điều trị như thuốc chống viêm, thuốc ngừa thai,... hoặc áp dụng các thủ thuật nạo sinh thiết hay đốt nội mạc tử cung,... Vậy nội mạc tử cung dày có nên nạo không? Câu trả lời là thông thường với những chị em ở độ tuổi trên 35 và gặp tình trạng rong kinh trên 7 ngày, bạn nên nạo sinh thiết. Điều này sẽ giúp cầm máu và xem có điều gì bất thường hay không.
Thông thường, những người phụ nữ có niêm mạc tử cung dày thường gặp phải hiện tượng rong kinh. Các thầy thuốc Đông y thường dựa trên nguyên tắc điều trị tình trạng này bằng phương pháp hoạt huyết và hóa ứ để giúp kinh nguyệt được điều hòa. Từ đó, nội tiết tố nữ được cân bằng và điều hòa âm dương.
Khi chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, cơ thể phụ nữ cũng sẽ khỏe hơn nhiều. Bên cạnh đó, một số loại hormone sinh sản cũng nhờ thế mà tiến đến trạng thái cân bằng, lớp niêm mạc tử cung dần dần điều chỉnh lại độ dày vừa phải đúng mức an toàn. Lúc đó, cơ hội thụ thai cũng sẽ tăng lên. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải hạn chế ăn các loại thực phẩm từ đậu nành vì sẽ làm tăng hàm lượng estrogen.
Hy vọng qua những thông tin được chia sẻ trên đây, bạn đã nắm được khái niệm, sự ảnh hưởng, nguyên nhân cũng như cách chữa niêm mạc tử cung dày an toàn để đạt hiệu quả. Chúc các chị em luôn khỏe mạnh.