Khó thở khi mang thai là một trong những triệu chứng thường gặp ở các mẹ bầu. Thậm chí, triệu chứng này có thể theo mẹ trong suốt quá trình mang thai cho đến lúc sinh nở, và dĩ nhiên nó chẳng dễ chịu một chút nào. Vậy hiện tượng này có đáng lo ngại không và cần phải xử lý như thế nào?
- Uống rượu bia khi cho con bú làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh
- Bà bầu có nên cắt tóc không? Những kiểu tóc siêu đẹp cho bà bầu!
Mục Lục
Mang thai luôn là một hành trình đầy gian nan đối với phụ nữ, vì phải đối mặt với rất nhiều điều “bất thường” về sức khỏe, điều này khiến không ít người lo lắng. Khó thở khi mang thai cũng là triệu chứng khiến nhiều người hoang mang vì cho rằng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
1. Những điều bạn chưa biết
1.1. Nguyên nhân khiến bà bầu khó thở
Có rất nhiều lý do khiến cho các bà bầu khó thở trong suốt 9 tháng mang thai cho đến lúc sinh nở. Mang thai là giai đoạn cơ thể mẹ trở nên nhạy cảm hơn, đôi khi chỉ vì những thói quen đơn giản như mặc quần áo chật chội hoặc khi cố chống lại cơn buồn ngủ đang kéo đến cũng có thể khiến mẹ bầu có cảm giác khó thở.
Thông thường, khi mang thai người mẹ cần nhiều oxy hơn nên động thái thở nhanh là một trong những cách để lấy đủ oxy vào cơ thể. Khi hormone progesterone tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, kích thích trung tâm điều khiển hô hấp trên não, khiến nhịp thở trở nên khó khăn và gấp gáp hơn. Trạng thái này cũng tương tự với người vừa lao động nặng nhọc hoặc vừa chạy nhanh.
Thông thường, triệu chứng khó thở ở bà bầu thường xuất hiện từ tháng 5 trở đi, nhưng cũng có người thường xuyên gặp tình trạng này trong suốt quá trình mang thai. Cần chú ý nhất là vào cuối giai đoạn thai kỳ do thai nhi phát triển to, gây áp lực lên cơ hoành (cơ nằm phía dưới phổi) nên người mẹ có thể cảm thấy những nhịp thở khó khăn như đang trong quá trình chuyển dạ, đặc biệt là khi mang song thai hoặc đa thai.
1.2. Cảm giác khó thở khi mang thai kéo dài trong bao lâu?
Cảm giác bị khó thở khi mang thai tháng đầu sẽ tiếp tục xuất hiện và tiếp diễn ở những tháng tiếp theo, nhưng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu mang thai lần đầu tiên, em bé có thể chúc xuống khung xương chậu từ khoảng 36 tuần. Sau đó thì tình trạng bà bầu khó thở sẽ giảm bớt; nhưng ngược lại, nếu đã từng mang thai trước đây, thai nhi sẽ không chúc xuống đầu xuống ngay. Vì vậy tình trạng bà bầu khó thở 3 tháng cuối vẫn sẽ diễn ra, khiến mẹ bầu khó chịu và hoang mang.
Sau khi sinh, nồng độ hormone progesterone giảm, đồng thời áp lực lên cơ hoành và tử cung cũng biến mất, điều này giúp bạn có thể thở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng sức khỏe, triệu chứng khó thở có thể sẽ phải mất một vài tháng để biến mất hoàn toàn và trở lại bình thường như trước khi mang thai, vì hệ thống hô hấp cần thời gian để cân bằng trở lại. Vì thế tình trạng khó thở khi mang thai sẽ bị biến mất sau khi em bé được ít nhất 1 – 2 tháng tuổi.
2. Cách xử lý khi gặp hiện tượng khó thở khi mang thai
Hiện tượng bà bầu khó thở hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của em bé trong bụng mẹ. Tuy nhiên hiện tượng này ít nhiều sẽ gây ra những khó chịu nhất định cho mẹ bầu. Vậy làm thế nào để giải quyết và giúp mẹ dễ chịu hơn?
Nếu do những nguyên nhân đơn thuần đã được đề cập trước đó là quần áo chật, buồn ngủ, thấy mùi khó chịu thì rất cách giải quyết rất đơn giản. Chị em chỉ cần thay đổi thói quen là có thể cải thiện cảm giác này. Tuy nhiên, nếu gặp tình trạng đột nhiên khó thở thì thai phụ cần lập tức nghỉ ngơi ngay, ngồi thẳng lưng để phổi có khoảng không dễ dàng khi tiếp nhận oxy hoặc đứng tại chỗ cũng nên giữ vùng lưng được thẳng. Cong người lại sẽ khiến bạn khó thở hơn.
Nếu mẹ bầu khó thở khi nằm ngủ thì có thể kê vài chiếc gối nhỏ ở phần thân trên để tránh áp lực của em bé chèn lên phổi. Ngoài ra, hãy thử một số bài tập nhẹ nhàng để kiểm soát nhịp thở của mình tốt hơn như yoga cho bà bầu, đi bộ... Tuy nhiên, không nên quá gắng sức hoặc vận động quá mạnh vì sẽ phản tác dụng, khiến bạn cảm thấy khó thở nhiều hơn, thậm chí gây nguy hiểm.
Không có cách nào giúp mẹ bầu điều trị tận gốc cảm giác khó thở khi mang. Tuy nhiên vì đây cũng không phải dấu hiệu cho bệnh lý nguy hiểm nào nên mẹ bầu không cần quá lo lắng. Để khắc phục và giảm đi phần nào sự khó chịu, điều duy nhất mẹ có thể làm là học cách sống chung với nó. Thời gian đầu bao giờ cũng khó khăn, sau đó mẹ bầu sẽ dần quen và hiện tượng này không còn gây khó chịu nhiều đến thế nữa.
Khi mẹ bầu khó thở khi nằm, nên thay đổi tư thế nằm. Khi ngủ, bà bầu cũng có thể chèn thêm gối ở phía trên để giảm bớt áp lực của tử cung lên cơ hoành. Nếu đang ngồi, bạn nên ngồi thẳng lưng, vai đẩy ra phía sau.
Nếu thời gian không cho phép, mẹ cũng có thể bỏ ra 10 phút mỗi ngày để thử các bài tập hít thở, giúp mở rộng phổi:
- Đứng thẳng người, hai tay buông hai bên
- Hít sâu và từ từ đưa hai tay cao qua đầu. Nhớ nâng đầu cao khi thở
- Thở ra và hạ tay xuống
3. Khi nào cần khám bác sĩ?
Như đã nói ở trên, tình trạng triệu chứng khó thở ở bà bầu không gây hại cho cả mẹ và thai nhi nếu chỉ diễn ra tức thời và nhanh chóng biến mất sau khi điều hòa được nhịp thở. Tuy nhiên nếu tình trạng khó thở khi mang thai kèm theo các triệu chứng khác như: mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt… thì rất có thể là cảnh báo nguy cơ huyết áp thấp ở mẹ bầu. Hoặc đối với những người có tiền sử mắc các bệnh như: hen suyễn, tăng huyết áp,… thì khó thở có thể là cảnh báo bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng.
Như vậy nếu mẹ bầu cảm thấy khó thở khi mang thai và kèm theo một vài triệu chứng đã nói ở trên thì nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và kiểm tra.
3.1. Bị khó thở khi mang thai tháng đầu
Tỉ lệ bà bầu gặp phải triệu chứng khó thở ở tháng đầu thai kỳ lên tới 75%. Như đã nói ở trên, triệu chứng này hoàn toàn vô hại, bình thường và phổ biến. Nó xảy ra do những thay đổi tự nhiên mà cơ thể phải trải qua để thích nghi với việc mang thai. Tình trạng này còn được gọi là Dyspnea hoặc Dyspnoea.
3.2. Mẹ bầu khó thở khi nằm
Tư thế nằm của bà bầu ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Nằm ngửa khi ngủ chính là nguyên nhân khiến mẹ bầu khó thở. Lúc này toàn bộ trọng lượng của tử cung sẽ đè lên cột sống và mạch máu chính về đường ruột, gây ra áp lực ảnh hưởng trực tiếp đến dòng máu chảy tới thai nhi và khiến mẹ khó thở. Ngoài ra, điều này còn ảnh hưởng đến việc tiêu hóa và gia tăng nguy cơ bị bệnh trĩ.
3.3. Bà bầu khó thở về đêm
Để hạn chế tình trạng này, khi ngủ bà bầu nên nên nâng cao đầu để mở đường thông thoáng cho đường hô hấp, đồng thời giúp bầu thở nhẹ nhàng hơn. Cũng nên kê cao chân để máu lưu thông tốt. Làm như vậy bạn sẽ tránh được việc khó thở khi mang thai.
3.4. Bà bầu khó thở 3 tháng cuối
Ở những tháng cuối thai kỳ, khi tử cung lớn dần có thể ép ngược lại phía dưới cơ hoành, khả năng mở rộng của cơ hoành sẽ bị hạn chế, gây nên khó thở. Có những trường hợp thai nhi khỏe, đạp mạnh, khiến cho tử cung ép chặt lấy cơ hoành làm cho mẹ có thể bị ngất vì không khí không vào phổi kịp.
Vì vậy, nếu cảm thấy khó thở đột ngột hay thoáng qua trong vòng vài phút thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị sớm.
Mang thai là một quá trình dài, đòi hỏi người mẹ cần kiên nhẫn cũng như nắm được những kiến thức cơ bản về sinh sản. Khi ấy, mẹ bầu sẽ không còn phải lo về những tình trạng như khó thở khi mang thai nữa.