Chè bưởi là món ăn vặt rất ngon và phổ biến rất dễ làm tại nhà. Để nấu chè bưởi cần chú ý tới bước làm cùi bưởi sao cho không bị đắng, có độ giòn ngon, kết hợp đậu xanh bùi hấp dẫn.
Chè bưởi rất phổ biến ở miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là Cần Thơ và An Giang. Món chè này được người Việt yêu thích, thường ăn lạnh vào mùa hè và ăn nóng vào mùa đông. Món chè này có vị ngậy và giòn giòn của cùi bưởi lăn qua bột năng, đỗ xanh bùi, bở và độ ngọt dịu.
Khi nấu chè bưởi tại nhà, các bạn cần chú ý tới cách làm cùi bưởi để không bị đắng, có được độ giòn giòn, thơm thơm, vị béo vừa phải. Bếp Eva hướng dẫn cách nấu chè bưởi ngon đơn giản nhất ai cũng có thể làm được.
Nguyên liệu và dụng cụ làm chè bưởi
- Bưởi 1 quả từ 1 - 1,2kg
- 200g đậu xanh (đỗ xanh) không vỏ
- 100g bột năng
- Đường tùy khẩu vị, muối, phèn chua
- Tinh dầu bưởi hoặc vani, nước cốt dừa
- Dụng cụ: Nồi nấu, bát tô to, rây hấp hoặc hấp bằng nồi cơm điện.
Lưu ý: Để chè bưởi thơm hơn, nên dùng đường thốt nốt. Bưởi nên chọn quả còn non một chút, tươi, da sáng, nhẹ tay để có cơm bưởi dày.
Cách nấu chè bưởi đậu xanh đơn giản nhất
Bước 1: Làm đậu xanh
- Ngâm 200g đậu xanh vào nước lạnh, cho thêm 1 thìa cafe muối ngâm khoảng 3 tiếng đồng hồ, vớt ra để ráo 30 phút rồi hấp từ 13 - 15 phút dưới lửa to.
- Các bạn có thể không hấp đậu xanh mà chờ khi nấu chè thì cho thẳng vào đun cho tới khi chín đỗ. Nhưng làm như vậy đỗ bị ngấm nước, không được bở và dễ bị sượng.
Lưu ý: Đậu xanh hấp vừa chín, không nở bung. Nên dùng rây hấp để điều chỉnh được nhiệt độ và đậu không bị nát.
Đậu xanh nên hấp chín để có được độ bở, không bị ngấm nước, ăn ngon hơn
Bước 2: Làm cùi bưởi
- Gọt bỏ hết vỏ xanh bên ngoài, chỉ lấy lại phần trắng bên trong. Lọc bỏ phần gần sát với múi vì phần này rất dai và nhiều xơ. Cắt cùi bưởi thành từng viên hạt lựu.
Cùi bưởi gọt bỏ hết phần xanh, thái hạt lựu
- Làm cùi bưởi hết đắng: Cho cùi bưởi đã cắt hạt lựu vào tô, cho khoảng 3 thìa muối vào bóp. Dùng lực bóp mạnh từ 5 - 10 phút cho cùi bưởi ngấm muối rồi xả sạch với nước, làm cho tới khi hết mặn. Cho tiếp 2 thìa cafe phèn chua bóp thêm 10 phút nữa, xả lại với nước sạch nhiều lần cho tới khi nếm thấy cùi bưởi hết the đắng.
Bóp cùi bưởi với muối và phèn chua, xả sạch cho tới khi bưởi hết đắng
- Đặc biệt lưu ý: Lần vắt cùi bưởi cuối cùng không nên vắt sạch nước khiến cùi bị khô, vắt còn ⅓ nước. Nếm thử khi nào cùi không đắng nữa mới dừng sơ chế. Nếu không dùng phèn chua để làm hết đắng thì bóp muối thêm 2 - 3 lần nữa và bắt buộc phải luộc lại cùi bưởi qua nước sôi, nhúng vào bát nước đá rồi vớt ra vắt bớt nước, để ráo nước mới mang đi ướp.
- Ướp cùi bưởi: Cho 100g đường ướp khoảng 1 tiếng sau đó mang xào cho keo hết đường, đường bám dính vào cùi bưởi thì dừng. Thêm chút tinh dầu bưởi hoặc vani để cùi bưởi dậy mùi thơm.
- Rắc bột năng lên cùi bưởi còn đang ấm cho tới khi bám đều. Rây lại cùi bưởi để bỏ những lớp bột còn thừa dính bên ngoài. Bạn làm như trong hình dưới đây.
Dùng bịch nilon để lắc bột năng cho đều, bám dính tốt
- Luộc cùi bưởi: Đun nước sôi sùng sục, cho cùi bưởi vào luộc. Vừa đun vừa đảo đều để cùi bưởi không bị dính. Cùi bưởi nổi lên mặt nước thì vớt ngay ra, cho vào bát nước đá lạnh, cho càng nhiều đá thì cùi bưởi càng giòn.
Ngâm 15 phút vớt ra để cùi bưởi ráo nước. Lớp áo ngoài trong, nhìn thấy cả cùi bưởi bên trong.
Cùi bưởi luộc xong, ngâm trong bát đá lạnh, vớt ra để ráo nước.
Bước 3: Nấu chè bưởi đậu xanh
- Dùng 1 lít nước cho vào nồi, cho 150g đường thốt nốt, thêm ½ thìa cafe muối đun cho tan đường.
- Hòa bột năng với 200ml nước lạnh. Đổ từ từ vào nồi nước đường đang sôi. Vừa đổ vừa khuấy để bột năng tan đều và quánh.
- Xong thì cho đậu xanh vào khuấy, đổ từ từ, vừa đổ vừa khuấy.
- Cuối cùng thì cho cùi bưởi vào, khuấy đều lên rồi chờ sôi trở lại, tắt bếp.
Lưu ý: Bột năng phải hòa tan với nước trước nếu không bột sẽ bị vón cục khi cho vào nồi nước nóng, mất thẩm mỹ và ăn không ngon. Nên dùng đường thốt nốt đề chè bưởi thơm hơn, vị ngọt dịu hơn. Dùng đường kính trắng cũng được nhưng không được thơm và ngọt sắc.
Dùng đường thốt nốt nấu chè bưởi sẽ thơm hơn và ngọt mát hơn
Bước 4: Hoàn thành
- Chờ cho nồi chè nguội bớt, múc ra từng bát, cho thêm vài giọt tinh dầu bưởi hoặc vani và thêm đá để thưởng thức.
- Nếu các bạn không thích ăn cùng đá, thì có thể ăn nóng cũng rất ngon.
- Chè bưởi sẽ ngon hơn khi cho thêm một chút nước cốt dừa ăn cùng.
Thẩm phẩm cốc chè bưởi vàng ươm của đỗ xanh, cùi bưởi giòn, trong, vị ngọt mát
Bí quyết nấu chè bưởi giòn ngon, không bị đắng
- Để nấu chè bưởi có độ giòn sựt sựt và không bị đắng, các bạn nên sơ chế với phèn chua như cách làm ở trên. Nếu không dùng phèn chua cũng được nhưng cùi bưởi sẽ không giòn mà khá mềm.
- Bưởi nên chọn loại còn non một chút thì cơm bưởi sẽ rất dày, nấu chè giòn hơn.
- Nếu không có bột năng các bạn có thể sử dụng bột sắn dây thay thế đều được.
- Đỗ xanh nên hấp chín trước khi nấu, hạt đỗ bở, không bị sượng như cách nấu cho trực tiếp vào nồi nước đường đun chín.
Cách xử lý khi chè bưởi quá loãng hoặc quá đặc
- Trong quá trình nấu chè bưởi, rất có thể các bạn sẽ gặp phải trường hợp chè bị quá loãng hoặc quá đặc do làm chưa đúng theo công thức. Cách xử lý như sau:
- Nếu chè quá loãng, hòa thêm một chút bột năng với nước lạnh, sau đó thêm một chút nước sôi để hỗn hợp bột năng ở dạng ấm ấm, đổ từ từ vào nồi chè và khuấy cho tới khi bột năng tan đều, đặc trở lại.
- Nếu chè quá đặc, các bạn dùng thêm một chút nước ấm cho vào nồi chè, chờ sôi trở lại là được.
Chúc các bạn nấu chè bưởi thành công!