Nồi chiên không dầu là thiết bị quen thuộc trong căn bếp nhiều gia đình hiện đại. Tuy nhiên, thiết bị này cũng gây không ít bất tiện, thậm chí là nguy hiểm cho người dùng.
Với khả năng làm chín thức ăn nhờ luồng khí nóng mà không cần sử dụng nhiều dầu mỡ, >nồi chiên không dầu đã dần trở thành sự lựa chọn hàng đầu của hầu hết gia đình. Tuy nhiên, thiết bị tưởng chừng quen thuộc này nếu không sử dụng đúng cách lại có thể dẫn đến các sự cố, thậm chí gây chập, cháy nguy hiểm cho người dùng.
Mới đây nhất, vụ cháy xảy ra tại tầng 6 của một khu chung cư trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội là một ví dụ. Theo đó, khoảng 20h30 tối 1/10, người dân phát hiện lửa ngùn ngụt tại ban công căn hộ. Ngọn lửa nhanh chóng bùng to khiến nhiều người hoảng hốt.
Theo lời chủ căn hộ, đám cháy xuất phát từ nồi chiên không dầu đang nướng cá để ngoài ban công, sau đó cháy lan ra cục nóng điều hòa gây cháy ban công. May mắn đám cháy đã được dập tắt nhanh chóng và không có thiệt hại về người.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên người dùng nồi chiên không dầu gặp sự cố chập, cháy. Tháng 6/2021, tại Jacksonville, Florida (Mỹ), từng suýt xảy ra một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng khi chiếc nồi chiên không dầu bị chập mạch điện bốc cháy.
Theo chia sẻ của gia đình anh Daniel Jermyn, khi anh phát hiện ra sự việc thì cả căn nhà đã ngập khói. Sau vài phút lúng túng, anh quyết định rút phích cắm và mang chiếc nồi chiên không dầu đang cháy bùng chạy vội ra ném xuống bể bơi. Đám cháy sau đó đã được xử lý kịp thời và Jermyn cũng chỉ bị vài vết bỏng nhẹ.
Theo các chuyên gia, không chỉ nồi chiên không dầu, tất cả các thiết bị điện đều có nguy cơ bắt lửa hoặc chập, cháy trong quá trình sử dụng. Một trong những nguyên nhân gây ra cháy nổ đối với nồi chiên không dầu là do thiết bị xảy ra hỏng hóc một hoặc nhiều bộ phận bên trong. Các vấn đề thường gặp có thể kể đến như chập mạch điện, bộ phận quạt tản nhiệt không hoạt động tốt dẫn đến nồi chiên bị quá nhiệt, bốc khói hay thậm chí dẫn đến cháy nổ.
Ngoài ra, nguồn điện không ổn định cũng khiến nguy cơ cháy nổ cao hơn. Trong trường hợp, nguồn điện lưới gia đình chập chờn hoặc cắm nhiều thiết bị công suất lớn cùng một lúc có thể gây quá tải mạch điện dẫn đến cháy nổ.
Thói quen sử dụng nồi chiên không dầu cũng tác động lớn đến độ bền của thiết bị. Nhiều gia đình có thói quen không rút phích cắm điện của nồi chiên không dầu khi không sử dụng, đặt nồi ở nơi chật hẹp hoặc ở gần các vật liệu dễ cháy.
Đặc biệt, việc không vệ sinh, bảo trì nồi chiên thường xuyên cũng dẫn đến những rắc rối. Khi mỡ hay các nguyên liệu nhỏ như vụn bánh mì, lát khoai tây hay rau bị văng ra khỏi giỏ chiên và vướng vào thanh đốt trong nồi chiên không dầu cũng có thể gây ra hiện tượng nồi chiên không dầu bị cháy. Sự tích tụ chất thải thực phẩm có thể trở thành một mối nguy hiểm, đặc biệt nếu nó tiếp xúc với nhiệt độ cao.
Theo chuyên gia Nicholas Auckland, các gia đình nên đặt nồi chiên không dầu trên mặt bàn bếp chịu nhiệt, cách tường và các thiết bị/ vật dụng khác ít nhất 13cm. Điều này do nồi chiên không dầu có thể đạt tới nhiệt độ 200 độ C bên trong, vì vậy chính tỏa ra rất nhiều nhiệt và cần tránh xa các vật liệu không chịu nhiệt để tránh bị cháy.
Các gia đình nên vệ sinh nồi chiên không dầu sau mỗi lần sử dụng. Điều này rất quan trọng vì một lượng lớn dầu mỡ và cặn thức ăn có thể tích tụ theo thời gian và có nguy cơ tiềm ẩn gây ra hỏa hoạn.
Hiện nay, hầu hết nồi chiên không dầu đều có bộ hẹn giờ tự động tắt sau một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, các gia đình vẫn cần lưu ý tuyệt đối không được ra khỏi nhà khi nồi chiên không dầu đang hoạt động để tránh các tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Nếu định rời khỏi nhà hoàn toàn trong vòng 30 phút tới, hãy tắt nồi chiên không dầu trước khi rời đi làm việc riêng.
Sau khi sử dụng nồi chiên không dầu, người dùng nên ngắt kết nối hoàn toàn thiết bị. Việc này không chỉ tránh các sự cố chập cháy có thể xảy ra khi nguồn điện bị quá tải, mà còn giúp gia chủ tiết kiệm điện năng.