Hãy thử những công thức nấu các món ăn với loại nguyên liệu bổ thận này để thêm ngon miệng và có đầy đủ năng lượng nuôi dưỡng thận nhé!
Thận là nền tảng quan trọng của >sức khỏe con người. Đặc biệt đối với người trung niên và cao tuổi, khi tuổi tác càng cao, chức năng thận càng suy giảm, có thể gây ra hàng loạt vấn đề về sức khỏe như tóc mỏng, chất lượng giấc ngủ kém, thị lực giảm. Y học cổ truyền tin rằng thận khí đầy đủ có thể cải thiện năng lượng, tăng cường khả năng miễn dịch và trì hoãn lão hóa. Vì vậy, điều đặc biệt quan trọng là phải chú ý nuôi >dưỡng thận trong cuộc sống hàng ngày, chế độ ăn uống là cách trực tiếp và hiệu quả nhất.
Trong số tất cả các loại thực phẩm bổ thận, đậu đen được mệnh danh là "người hùng bổ thận". Đậu đen có vỏ sẫm màu, vị ngọt, có tác dụng bổ thận âm, tăng cường cơ bắp và xương. Nghiên cứu >dinh dưỡng hiện đại cũng đã xác nhận rằng đậu đen rất giàu protein, vitamin E, anthocyanin, lecithin và các nguyên tố vi lượng khác nhau, có nhiều chức năng như chống oxy hóa, bổ sung năng lượng, bảo vệ gan, thận. Ngoài ra, đậu đen rất giàu sắt và kẽm, giúp cải thiện sức khỏe tóc, móng và thúc đẩy quá trình trao đổi chất.
Dưới đây là gợi ý 3 công thức nấu ăn ngon từ đậu đen, dễ làm và đầy đủ dinh dưỡng.
1. Bánh gạo nếp, đậu đen và táo đỏ
Nguyên liệu: 50g đậu đen, 10 quả táo đỏ, 200g gạo nếp, một chút bột gạo nếp, lượng đường vừa phải, lượng nước vừa phải.
Cách làm món bánh gạo nếp, đậu đen và táo đỏ
Bước 1: Đậu đen rửa sạch, ngâm trong nước khoảng 6 tiếng rồi rửa sạch, để ráo. Hoặc bạn có thể rửa sạch đậu đen rồi cho vào nồi áp suất ninh chín để tiết kiệm thời gian hấp. Táo đỏ rửa sạch, bỏ hạt rồi cắt thành các miếng nhỏ. Gạo nếp vo sạch, để ráo nước.
Bước 2: Trộn đậu đen đã ngâm, gạo nếp, bột nếp và táo đỏ cắt nhỏ. Sau đó thêm một lượng đường vừa phải vào, trộn đều. Sau đó bạn đổ hỗn hợp nguyên liệu vào khuôn (có phết một lớp dầu ăn để chống dính) rồi hấp chín. Thời gian hấp có thể từ 35-45 phút. Sau khi hấp chín bánh, bạn lấy ra khỏi khuôn và cắt thành từng miếng.
Thành phẩm món bánh gạo nếp, đậu đen và táo đỏ
Món bánh gạo nếp đậu đen và táo đỏ có vị mềm, dẻo, ngọt, thơm bùi. Món bánh này có thể dùng làm bữa sáng hoặc điểm tâm hàng ngày và đặc biệt hợp với người trung niên, người già.
2. Canh gà hầm đậu đen, hà thủ ô và kỷ tử
Nguyên liệu: 100g đậu đen, nửa con gà, 15g hà thủ ô đỏ, 10g kỷ tử, 3 lát gừng và lượng muối thích hợp.
Cách làm món canh gà hầm đậu đen, hà thủ ô và kỷ tử
Bước 1: Đậu đen rửa sạch và ngâm trước khi nấu khoảng 6 tiếng, sau đó rửa sạch, để ráo nước. Thịt già sơ chế sạch sau đó chặt thành các miếng vừa ăn. Sau đó bạn cho thịt gà vào nồi nước sôi, chần qua cho hết mùi tanh rồi vớt ra để riêng. Hà thủ ô, rửa sạch rồi để ráo. Kỷ tử rửa sạch, để ráo nước.
Bước 2: Cho thịt gà, đậu đen, hà thủ ô và gừng lát vào nồi hầm. Tiếp theo bạn thêm lượng nước vừa đủ, nấu sôi ở lửa lớn, sau đó giảm lửa nhỏ và đun liu riu trong 1 giờ. Khi các nguyên liệu chín mềm, bạn cho kỷ tử vào khoảng 5 phút cuối cùng, nêm chút muối tùy khẩu vị. Tắt bếp, lấy ra tô là có thể thưởng thức.
Thành phẩm món canh gà hầm đậu đen, hà thủ ô và kỷ tử
Món canh gà hầm đậu đen, hà thủ ô và kỷ tử này có tác dụng bồi bổ tuyệt vời. Đậu đen và hà thủ ô phối hợp với nhau để bổ thận,> bổ huyết. Kỷ tử nuôi dưỡng gan và thận. Món canh ngon ngọt, thơm lừng này đủ dinh dưỡng, thơm ngon, ấm bụng và ăn rất hợp với cơm.
3. Cháo đậu đen bát bảo
Nguyên liệu: 50g đậu đen, 100g gạo nếp, 30g lúa mạch, 30g đậu đỏ, 20g hạt sen, 20g đậu phộng, 5 quả táo đỏ và lượng đường phèn thích hợp.
Cách làm món cháo đậu đen bát bảo
Bước 1: Đậu đen, đậu đỏ, lúa mạch, hạt sen, đậu phộng ngâm trong nước khoảng 6 tiếng trước khi nấu. Sau đó rửa sạch, để ráo nước. Táo đỏ rửa sạch và bỏ hạt.
Bước 2: Cho tất cả nguyên liệu (trừ đường phèn) vào nồi, thêm lượng nước vừa đủ vào rồi đun sôi trên lửa lớn. Sau đó chỉnh về lửa nhỏ và đun liu riu trong khoảng 1 giờ. Khi cháo chín mềm thì thêm đường phèn vào khuấy đều, nấu thêm 5 phút nữa thì tắt bếp. Đổ cháo ra, để nguội một chút rồi thưởng thức.
Thành phẩm món cháo đậu đen bát bảo
Cháo đậu đen bát bảo có thành phần nguyên liệu phong phú, mùi vị đặc trưng, không chỉ bổ thận, bổ tỳ mà còn có tác dụng nhuận tràng, thích hợp dùng làm bữa sáng hoặc bữa xế.
Là "thần dược bổ thận", đậu đen không chỉ có tác dụng bổ thận khí mà còn có tác dụng tốt cho tóc, giấc ngủ và mắt của người trung niên cũng như người cao tuổi. Dù dùng làm nguyên liệu chính hay nguyên liệu phụ thì chúng đều có thể bổ sung thêm dinh dưỡng và tăng độ ngon cho bữa ăn hàng ngày. Hãy thử những công thức nấu các món ăn với đậu đen này để thêm ngon miệng và có đầy đủ năng lượng cho thận nhé!