Mưa lớn kèm ngập úng dài ngày khiến nhiều diện tích trồng hoa vụ Tết Nguyên đán tại Thừa Thiên Huế có nguy cơ mất trắng. Những ngày này, các hộ trồng hoa tất bật ra đồng để tìm cách cứu chữa.
- Đau xé lòng người mẹ bỗng chốc mất cả chồng và con trai trong trận mưa lũ lịch sử ở Đà Nẵng
- Lâm cảnh màn trời chiếu đất sau đêm mưa lũ lịch sử ở Đà Nẵng
Từ giữa tháng 10/2022, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa rất lớn. Mưa lớn kèm ngập úng kéo dài trong nhiều ngày khiến nhiều diện tích trồng hoa vụ Tết Nguyên đán 2023 có nguy cơ mất trắng.
Nhiều diện tích trồng hoa bị thiệt hại
Tại phường Thủy Vân, TP Huế hiện có khoảng 70 hộ tham gia trồng hoa cúc phục vụ thị trường Tết với khoảng 35.000 chậu. Đợt mưa lũ vừa qua đã khiến hơn 80% số hoa này bị ngập. Do bị ngâm nước dài ngày nên các chậu hoa có hiện tượng thối rễ, vàng lá khiến người dân hết sức lo lắng.
Gia đình ông Lê Đình Hợi (TDP Dạ Lê, phường Thủy Vân) đầu tư gần 100 triệu đồng bắt đầu xuống giống trồng 2.000 chậu cúc chuẩn bị cho vụ Tết từ tháng 6 âm lịch. Trước lũ, số hoa này phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, đợt mưa lũ vừa rồi khiến 90% diện tích bị ngập, hư hại không thể cứu chữa. Mất trắng vụ hoa khi Tết Nguyên đán chỉ còn vài tháng khiến gia đình không khỏi xót xa.
Cùng chung cảnh ngộ với ông Hợi, gia đình ông Nguyễn Đình Phúc ở gần đó cũng bị ngập, hư hại hơn một nửa diện tích với 500 chậu hoa cúc Tết. Theo ông Phúc, dù các hộ trồng hoa đã có sự chuẩn bị bằng cách dùng lưới che chắn, kê các chậu hoa lên cao, nhưng lũ dâng cao và nhanh, nằm ngoài dự đoán của người dân nên không kịp trở tay.
Trong khi đó, ghi nhận tại xã Phú Mậu, nơi được xem là vựa hoa của TP Huế, nhiều cánh đồng hoa, rau màu của người dân ở các thôn Thanh Vinh, Mậu Tài, Thanh Viên, Tiên Nộn cũng xơ xác sau lũ. Ông Nguyễn Tri, một hộ dân có kinh nghiệm trồng hoa gần 30 năm tại thôn Thanh Vinh cho biết, đợt lũ vừa qua khiến khoảng 6.000 cây hoa cúc Tết bị hư hại. Ngoài ra, gia đình cũng mất trắng 5.000 cây cúc nghệ cho rằm tháng 11 sau bao đêm phải chong điện kích thích tăng trưởng.
Nguy cơ mất trắng sau lũ
Theo thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP Huế, địa phương có hơn 82ha rau màu các loại bị thiệt hại. Riêng cúc trồng chậu chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán có 40.300 chậu bị ngập hư hại trên 50%; ước tính thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng.
Những ngày này, sau khi nước lũ đã rút, để cứu những chậu cúc Tết, người dân tất bật ra vườn tiến hành tưới rửa sạch bùn và bơm kích rễ cho cây sống. Tuy nhiên, do số hoa đã ngập trong nước nhiều ngày nên dù còn sống sẽ bị mất sức. Nếu cứu chữa được cũng sẽ chậm phát triển. Chất lượng, sản lượng cũng có nguy cơ giảm sút.
Hiện tại, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền đến các hộ gia đình giữ chậu, tiến hành các biện pháp xử lý ban đầu. Đồng thời, tiến hành thống kê thiệt hại để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Người dân cũng được vận động lựa chọn các giống hoa ngắn ngày để bổ sung lứa mới cho kịp phục vụ Tết. Nhưng ở thời điểm này, vấn đề nguồn cây giống cũng đang là một bài toán khó.
Không chỉ riêng tại TP Huế, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn hàng ngàn hộ chuyên trồng hoa Tết thuộc các xã: Quảng Thọ, Quảng Phú (huyện Quảng Điền); Hương Hồ, Hương Toàn, Hương Vinh (TX. Hương Trà); Thủy Thanh (TX. Hương Thủy)... cũng bị thiệt hại nặng nề do đợt mưa lũ vừa qua.
Hàng chục ha trồng hoa vụ Tết vừa xuống giống và hàng vạn chậu hoa các loại của nông dân trên địa bàn tỉnh bị hư hại, chết do ngập lụt gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Nhiều nông dân trồng hoa Tết năm nay có nguy cơ mất trắng vụ sau khi lũ đi qua.