Sau khi uống một loại bột được bào chế từ hạt cây để chữa viêm dạ dày, nữ bệnh nhân rơi vào tình trạng ngừng thở, ngừng tim và tổn thương não nghiêm trọng.
- Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin về loại virus đang lây lan tại Trung Quốc
- Suy gan thận nhập viện sau khi ăn lá lộc mại chữa táo bón
Nguy kịch vì uống bột thuốc nam chữa bệnh
Bệnh nhân nữ 67 tuổi (Thanh Hoá) nhập viện trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim ngoại viện, tổn thương não nghiêm trọng sau khi uống một loại bột được bào chế từ hạt cây để chữa viêm dạ dày.
Theo lời kể của con gái người bệnh, mẹ cô có tiền sử viêm dạ dày, nên tự xin thuốc bột từ một xưởng chế biến ở cùng thôn để chữa đau dạ dày. Loại thuốc bột này bào chế từ hạt sang, một trong những loại hạt có tác dụng điều trị các bệnh liên quan đến dạ dày và đại tràng (theo dân gian). Đáng chú ý, đây là một trong số các xưởng ở thôn nghiền bột sang để cung cấp nguyên liệu làm thuốc y học cổ truyền.
Trước đó, bệnh nhân có lấy 2 thìa bột hạt ra và uống hết. Sau đó khoảng 40 phút, khi đang ăn cơm thì bệnh nhân bắt đầu xuất hiện co giật, khởi đầu tay trái sau tăng dần co giật toàn thân. Trên đường từ nhà đi cấp cứu khoảng 5p (bệnh viện cách nhà 500m), bệnh nhân có dấu hiệu cứng toàn thân, ưỡn cong người, tím tái, ngừng thở, bất tỉnh.
Khi tới bệnh viện bác sỹ xác định tim đã ngừng đập. Sau khi được cấp cứu khẩn cấp có tuần hoàn trở lại, người phụ nữ vẫn còn xuất hiện nhiều cơn co giật toàn thân, kéo dài khoảng 2 - 3 phút. Sau đó bệnh nhân được chuyển tới bệnh viện tuyến tỉnh, rồi chuyển về Bệnh viện Bạch Mai.
Tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, sau khi tiếp nhận người bệnh ở tình trạng hôn mê, qua kết quả xét nghiệm nước tiểu, phát hiện chất độc Strychnin - một chất có trong hạt mã tiền. Chất độc này cũng được tìm thấy trong gói bột thuốc người bệnh sử dụng.
Tuy nhiên, điều đáng buồn, kết quả chụp MRI sọ, não bệnh nhân nữ này đã có những tổn thương nặng, tiên lượng khó cải thiện, di chứng do ngừng thở, ngừng tim. Ngoài ra bệnh nhân còn bị viêm phổi, tiêu cơ vân cấp.
Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc Strychnin do sử dụng nguyên liệu thuốc nam không đảm bảo. Ngay lập tức, Trung tâm Chống độc đã chia sẻ thông tin với Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa để cơ quan này vào cuộc thanh kiểm tra, tìm nguyên nhân và ngăn chặn.
Nguy hiểm từ sự nhầm lẫn "hạt sang" và hạt mã tiền
Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, sau thanh tra, lấy các mẫu bột nghiền, miếng thái được gọi từ “hạt sang” của tất cả các xưởng nghiền, chế biến hạt sang tại thôn, thậm chí các viên nang có nhồi bột trông giống như sản phẩm thuốc tân dược để bán. Kết quả xét nghiệm tất cả các mẫu này đều thấy có Strychnin.
Như vậy, các hạt được chế biến ở tất cả các xưởng của thôn này đều có hạt mã tiền. Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã có biện pháp ngăn chặn, gửi văn bản thông báo các cơ quan liên quan và chia sẻ với truyền thông để cảnh báo tới người dân.
Do hình thức hạt sang trông giống hạt mã tiền nên rất dễ nhầm lẫn, thậm chí có thể có hiện tượng cố tình dùng hạt mã tiền để thay thế do dễ kiếm và rẻ hơn hạt sang. Thực trạng còn đáng báo động hơn, khi không chỉ thôn của người bệnh mà có thể còn có nhiều các cơ sở khác nhau trên cả nước chế biến, sử dụng cái gọi là “hạt sang rởm” (hạt mã tiền), bán rộng rãi, bán trên mạng, nguy cơ gây ngộ độc cho nhiều người.
Strychnin là chất độc. Hạt mã tiền là cây độc. Ăn uống vào dễ gây ngộ độc dẫn đến tử vong. Cây sang, có tên khoa học là Sterculia lanceolata, khác hoàn toàn với cây mã tiền có tên khoa học là Strychnos nux - vomica L.
Nguy hiểm ở chỗ, người mua nghĩ hạt sang, không độc hoặc ít độc, nên dùng liều lượng thoải mái, nhưng không may lại dùng phải mã tiền nên dễ bị ngộ độc nặng và tử vong. Thậm chí bị ngộ độc nhưng không biết, nghĩ do vấn đề khác nên đến viện muộn. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế ít kinh nghiệm có thể chẩn đoán nhầm, điều trị không đúng, dẫn đến nguy cơ tử vong.
Với trường hợp bệnh nhân nữ nêu trên, có thể do sự nhầm lẫn của người bào chế giữa hạt sang và hạt mã tiền. Hai loại hạt có hình dáng hao hao nhau. Hạt sang hay còn gọi là hạt sành, có hình bầu dục hơi dẹt màu trắng. Hạt mã tiền có hình tròn bẹt, đường kính khoảng 1cm hoặc hơn chút với một mặt lồi và mặt kia lõm.
Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng ở các địa phương cần rà soát, thanh kiểm tra tất cả các cơ sở mua bán, chế biến, kinh doanh hạt sang, kể cả việc mua bán trên mạng và có biện pháp ngăn chặn, xử phạt kịp thời, thậm chí truy tố hình sự nếu cần.
Theo TS. BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, chỉ có các chuyên gia về thực vật, động vật, thậm chí chuyên gia chỉ chuyên sâu về một nhóm các loại cây, hoặc con vật nhất định, mới có thể nhận dạng đúng cây, con vật. Bản thân bác sỹ làm việc nhiều với các trường hợp ngộ độc do nhầm lẫn cây, con vật, cũng chỉ khẳng định được một vài cây độc, một số loài vật độc, nấm độc, còn lại rất dễ nhầm lẫn và đều phải nhờ đến các chuyên gia.
"Việc nhận dạng khẳng định đúng tên từng loại cây, con vật, khoáng vật tránh nhầm lẫn cũng là điểm rất hạn chế của ngành y học cổ truyền. Việc một người dân bình thường, kể cả lang y không có kiến thức chuyên sâu, không được đào tạo bài bản về thực vật, động vật lại tự đi tìm cây thuốc, vị thuốc trong tự nhiên, điều này quá rủi ro. Đã đến lúc ngành y học cổ truyền cần thay đổi, hiện đại hóa, khoa học hơn. Rất cần có hệ thống các chuyên gia nhận dạng, cần có vùng nuôi trồng đảm bảo đúng loại nguyên liệu cần dùng...", TS.BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo".