Dịp cận Tết Nguyên đán, số lượng người mắc đột quỵ gia tăng nhiều hơn.
- Bình Dương: Ca cấy ghép hi hữu cho người đàn ông bị đứt lìa cẳng chân sau 15h đồng hồ liên tục, thế giới chỉ có 2 ca
- Tình hình Covid-19 ngày 15.1: Báo động số ca tử vong ở Nhật, Trung Quốc ghi nhận gần 60.000 người mất trong một tháng
Có nhiều yếu tố gia tăng điều này. Theo thông tin từ VietNamNet, anh N.T.T (48 tuổi, trú tại quận 5, TP.HCM) được người thân đưa vào cấp cứu trong tình trạng yếu liệt nửa người, không nói được. Theo người nhà của bệnh nhân, tối 11/1, trước khi vào viện, bệnh nhân đi liên hoan tất niên. Khi đi nhậu về, sức khỏe anh T. vẫn bình thường, ngủ phòng riêng. Đến sáng, vợ anh dậy trước đưa các con đi học và đi làm.
Khi chị trở về nhà vào buổi trưa, anh T. đã mê man, liệt, tiểu tiện không kiểm soát. Gia đình vội vàng gọi xe cấp cứu đưa vào Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Vợ anh T. chia sẻ chồng bị tăng huyết áp. Gần đây, huyết áp của anh T. xuống dưới 140/90 mmhg nên tự ngưng uống thuốc.
Bác sĩ Đào Duy Khoa, khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết thời điểm này số ca đột quỵ nhập viện tăng rõ hơn so với các tháng trước.
Vị chuyên gia này đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là dịp Tết, thời tiết thường lạnh hơn các mùa khác trong năm. Nhiệt độ thấp làm co mạch và dễ tắc nghẽn mạch máu hơn so với mùa nóng.
Ngoài ra, giáp Tết và trong thời gian nghỉ, người dân thay đổi thói quen sinh hoạt. Nhiều người ngủ nghỉ không đúng giờ, quên uống thuốc… Điều này ảnh hướng xấu đến những người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp. Bởi đây là các yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến đột quỵ.
Các loại đồ uống có cồn được sử dụng nhiều trong dịp Tết cũng làm gia tăng nguy cơ mắc đột quỵ.
Bác sĩ Khoa cho biết đây là những nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu đúng cách và kịp thời, gây nhiều hậu quả đáng tiếc.
Từ kỳ nghỉ Tết Dương lịch tới nay, bác sĩ Khoa cũng tiếp nhận nhiều người bệnh có dấu hiệu liệt yếu tay chân nhưng không đi viện ngay mà thường cố chịu đựng trong 2-3 ngày. Vị chuyên gia này cho rằng hành động này khiến người bệnh mất thời gian vàng để can thiệp cấp cứu đột quỵ.
Nên làm gì để phòng chống đột quỵ?
Theo VnExpress, dự báo thời tiết, từ nay đến Tết Nguyên đán, khu vực Bắc bộ sẽ đón những đợt rét đậm, rét hại, trong khi khu vực Trung bộ và Nam bộ cũng có nền nhiệt trung bình thấp.
BS.CKI Phạm Mạnh Hoàn (Trưởng phòng Đào tạo, Nghiên cứu khoa học và Thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, vào mùa đông, nhất là những ngày nhiệt độ giảm sâu, hormone ở tuyến thượng thận tự động tiết ra nhiều hơn bình thường nhằm co các mạch máu ngoại vi, giảm lưu lượng máu đến các chi, giúp giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Tuy nhiên, khi co mạch, chỉ số trương lực mạch máu sẽ tăng lên, dẫn đến tăng huyết áp - yếu tố chính gây đột quỵ.
Để phòng tránh nguy cơ đột quỵ do thời tiết, Bác sĩ Hoàn khuyên mọi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình bằng các giải pháp khoa học.
Khi trời chuyển lạnh, mọi người cần chú ý giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ với áo khoác nhiều lớp, mũ và khăn len, găng tay, giày cổ cao... Những ngày nhiệt độ giảm sâu, rét đậm rét hại nên hạn chế ra ngoài khi không cần thiết và trang bị thêm quạt sưởi, lò sưởi để làm ấm không gian sống.
Thay vì ăn uống đồ lạnh như kem, sữa chua, trái cây tô..., mọi người nên ưu tiên tiêu thụ những thực phẩm mới chế biến, còn nóng hổi và uống nước ấm.
Vào mùa đông, tuyệt đối không tắm nước lạnh vào ban đêm, kể cả thanh niên. Điều này có thể khiến máu dễ vón cục, tạo thành các cục máu đông, gây tắc nghẽn mạch máu, gia tăng nguy cơ đột quỵ.
Nếu tập thể dục ngoài trời, bạn nên mặc đủ ấm. Khi cơ thể nóng lên sau một thời gian vận động, bạn có thể cởi bỏ bớt lớp áo khoác ngoài. Trường hợp cơ thể ra nhiều mồ hôi khi đang vận động ngoài trời lạnh, bạn nên dừng tập và trở về nhà. Vào những ngày buốt giá, mọi người có thể luyện tập trong nhà với các bộ môn như khiêu vũ, yoga, đạp xe cố định, chạy trên máy chạy bộ...
Ngoài việc ăn nóng, uống nóng để giữ ấm cơ thể, mọi người nên lựa chọn thực phẩm ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol và giàu chất xơ, vitamin. Cụ thể là trái cây tươi, rau xanh đậm, cá hồi, cá ngừ, thịt heo nạc lọc bỏ hết mỡ, thịt gia cầm đã bỏ da, dầu ôliu, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt...
Một người nên kiểm soát lượng muối mỗi ngày ở mức 5g. Người trưởng thành nên tránh căng thẳng quá mức, duy trì trọng lượng phù hợp, ngủ đủ giấc, hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá và quản lý sát sao các chỉ số như huyết áp, mỡ máu, đường huyết...