Tình trạng thừa cân, béo phì tại Việt Nam và thế giới đang ở mức cảnh báo. Đặc biệt, trẻ ở độ tuổi học đường (5 - 19 tuổi). Hơn 1/2 dân số thế giới có thể thừa cân trong năm 2035.
- Tin COVID-19: Việt Nam có số ca bệnh nặng tăng, WHO ‘tô đỏ’ thêm nhiều quốc gia
- Hà Nội: Bộ Y tế thu hồi thêm một loại serum trị thâm chứa chất cấm, đặc biệt khuyến cáo người sử dụng
Theo Báo Sức khỏe và đời sống, theo BS.CKII Võ Đức Chiến, tỷ lệ béo phì đang tăng mạnh ở Việt Nam. Nghiên cứu được công bố vào năm 2018 về bệnh không lây nhiễm, ăn uống và dinh dưỡng ở Việt Nam cho thấy, tần suất thừa cân, béo phì trên người lớn ở Việt Nam là 2,3% vào năm 1993 đã tăng lên là 15% vào năm 2015. Trong đó, tỷ lệ ở thành thị gấp gần 2 lần so với nông thôn (22,1% so với 11,2%).
Nghiên cứu cũng ghi nhận lối sống của người Việt Nam thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây. Đó là người Việt ít vận động hơn, trong chế độ ăn có nhiều muối, ăn nhiều tinh bột, dầu mỡ, uống nhiều nước ngọt, ăn ít rau.
Thống kê tại Việt Nam năm 2021 cho kết quả tương tự, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TP. HCM chiếm 18% tổng số lượng người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.
Đáng lưu ý là tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em trong độ tuổi học đường (từ 5 - 19 tuổi) tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
"Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, phòng khám Nội tiết khám và điều trị cho khoảng gần 6.000 bệnh nhân đái tháo đường mỗi tháng, trong đó số người có bệnh đồng mắc như tăng huyết áp khoảng 70 - 80%, bệnh rối loạn mỡ máu khoảng 80% và khoảng 30% có tình trạng thừa cân béo phì", BS.CKII Võ Đức Chiến cho biết.
Bác sĩ Chiến nhấn mạnh, béo phì có tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm thời gian sống còn, gây ra nhiều bệnh lý mạn tính không lây như: Đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, tăng lipid máu, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, làm giảm chất lượng sống...
Cũng theo VnExpress, báo cáo công bố ngày 2/3 theo Louise Baur, Chủ tịch Liên đoàn Béo phì Thế giới, con số này là hồi chuông cảnh báo đối với các nước. Các nhà hoạch định chính sách cần có hành động cụ thể, nhanh chóng để ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Báo cáo cho thấy béo phì ở trẻ em có thể tăng gấp đôi so với năm 2020, lên 208 triệu bé trai và 175 triệu bé gái vào năm 2035. Chi phí xã hội sẽ cao hơn do tình trạng sức khỏe liên quan đến thừa cân. Thế giới dự kiến phải chi trả 4 nghìn tỷ USD hàng năm kể từ 2035 để giải quyết các hệ lụy, tương đương 3% GDP toàn cầu.
Tuy nhiên, tác giả của báo cáo cho biết không nên đổ lỗi cho từng cá nhân. Thay vào đó, các nước nên tập trung vào yếu tố xã hội, môi trường và sinh học liên quan đến điều kiện phát triển của mọi người.
Báo cáo sử dụng chỉ số khối cơ thể (BMI) để đánh giá tình trạng béo phì của con người. BMI được tính bằng cách lấy cân nặng chia cho bình phương chiều cao. Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ số BMI trên 25 là thừa cân, trên 30 là béo phì.
Năm 2020, 2,6 tỷ người rơi vào nhóm này, tương đương với 38% dân số thế giới.
Báo cáo cũng cho thấy hầu hết quốc gia ghi nhận tình trạng béo phì nghiêm trọng nhất trong những năm tới thuộc nhóm có thu nhập thấp hoặc trung bình ở châu Á và châu Phi.
Theo WHO, nguyên nhân cơ bản của béo phì và thừa cân là mất cân bằng năng lượng, giữa lượng calo tiêu thụ và tiêu hao. Tại nhiều quốc gia, người dân có thói quen ăn các loại thực phẩm giàu năng lượng, nhiều đường, lối sống ít vận động do tính chất công việc, thay đổi phương thức di chuyển và gia tăng đô thị hóa.
Bộ Y tế khuyến cáo, để giảm cân và mang lại lợi ích cho sức khỏe, có thể giảm cân 5-15% trong khoảng thời gian 6 tháng. Đối với những người có mức độ béo phì cao (BMI ≥ 35 kg/m2) có thể cân nhắc giảm cân nhiều hơn (20% trở lên).
Trước thực trạng đáng báo động trên, BS.CK II Thái Văn Hùng, Phòng khám Tư vấn và Điều trị Giảm cân, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, béo phì và đái tháo đường có liên quan với nhau như "hình với bóng". Hiện nay, đái tháo đường đã trở thành đại dịch trên toàn thế giới với tỉ lệ mới mắc và tần suất lưu hành ngày càng gia tăng. Việt Nam cũng không ngoại lệ, tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường ngày càng cao.
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân dẫn đến béo phì do tăng quá mức lượng năng lượng ăn vào; ăn một lượng thức ăn nhiều hơn nhu cầu của cơ thể; chế độ ăn giàu chất béo.
Trẻ em tiêu thụ quá nhiều chất ngọt làm tăng nguy cơ béo phì hoặc nuôi con bằng sữa mẹ ít hơn 3 tháng thường đi kèm với tăng nguy cơ béo phì ở trẻ em khi đến trường.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân do di truyền, hay do nội tiết như bệnh lý ác tính, viêm nhiễm, hội chứng béo phì, suy giáp, nguyên nhân mô bệnh học, nguyên nhân do dùng thuốc...
Cần can thiệp lối sống là nền tảng đảm bảo duy trì giảm cân bền vững, an toàn bao gồm các biện pháp can thiệp dinh dưỡng, tập luyện thể lực, thay đổi hành vi, hỗ trợ tâm lý.
Điều trị bằng thuốc khi can thiệp lối sống trong 3 tháng không giúp giảm được 5% cân nặng, nhất là với người bệnh có BMI ≥ 25 kg/m2.
Phối hợp chặt chẽ nhiều chuyên khoa để đạt được hiệu quả điều trị và duy trì giảm cân bền vững.