Mới đây, bệnh viện tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận trường hợp thai phụ trẻ tuổi sinh con non, thai chỉ 30 tuần, con yếu.
- Hà Nội: Bộ Y tế thu hồi thêm một loại serum trị thâm chứa chất cấm, đặc biệt khuyến cáo người sử dụng
- Hà Nội: Người phụ nữ U40 gặp bệnh lạ sau khi cai sữa 2 năm phải khoét một mảng ngực lớn
Theo Báo Sức khỏe và đời sống thông tin từ lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết, ngày 1/2/2023 khoa Sản của Bệnh viện tiếp nhận trường hợp sản phụ V.T.B (17 tuổi, Trấn Yên, Yên Bái). Bệnh nhân vào viện với chẩn đoán thai 30 tuần vỡ ối non.
Các bác sĩ khoa Sản và khoa Nhi của bệnh viện đã hội chẩn và quyết định tiếp tục giữ em bé trong bụng mẹ, theo dõi sát hàng ngày, kết hợp dùng thuốc, giảm co, tiêm trưởng thành phổi… để đến khi bé đạt được tuần thai cao hơn và cân nặng lớn hơn sẽ đưa em bé ra ngoài.
Sau điều trị giữ thai 2 tuần, thai đã đạt 32 tuần, cân nặng khoảng 1400g, nhận thấy việc tiếp tục giữ thai mang lại nhiều rủi ro, sản phụ đã được chỉ định phẫu thuật lấy thai khi thai 32 tuần.
Sau ca mổ bắt thai, bé gái được bác sĩ chuyên khoa Nhi đón và hồi sức ngay tại phòng mổ và điều trị tại phòng ICU: nằm lồng ấp, thở máy, kháng sinh chống nhiễm trùng, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch…. Sau 14 ngày trẻ tự thở, tự ăn sữa mẹ, phản xạ tốt, cân nặng đã lên 1600g, chuẩn bị được ra viện.
Theo BSCKII Đỗ Cường Vượng, Trưởng Khoa Sản – Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái, trẻ sơ sinh được sinh ra dưới 37 tuần gọi là sơ sinh non tháng. Sơ sinh non tháng được chia làm những loại sau: Sơ sinh vô cùng non tháng là sơ sinh dưới 28 tuần; Sơ sinh rất non tháng là sơ sinh từ 28 tuần đến 31 tuần 6 ngày; Sơ sinh non vừa là sơ sinh từ 32 tuần đến 33 tuần 6 ngày; Sơ sinh non tháng muộn là sơ sinh từ 34 tuần đến 36 tuần 6 ngày.
"Như vậy trường hợp sản phụ V.T.B nêu trên thuộc "Sơ sinh rất non tháng". Việc trẻ sơ sinh càng non tháng thì tỷ lệ tử vong càng cao, đặc biệt trẻ thuộc nhóm "rất non tháng ". Do đó với tình trạng thai 30 tuần, ối vỡ có nên đưa em bé ra ngay không? Đây là vấn đề cần cân nhắc, bởi ối là thành phần bảo vệ em bé tránh các tác nhân bên ngoài, nên khi ối đã vỡ càng lâu thì nguy cơ nhiễm trùng và thai chết lưu càng cao. Còn nếu lấy em bé ra ngay thì nguy cơ tử vong cho em bé là rất lớn do quá non tháng và cân nặng thấp (qua siêu âm chỉ có cân nặng khoảng 1100g – 1200g)", Trưởng Khoa Sản – Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái chia sẻ.
Như trước đó, theo thông tin từ VietNamNet, có rất nhiều nữ sinh mang thai khi chỉ mới bước vào giai đoạn dậy thì, điển hình như vụ việc nữ sinh lớp 7 ở Bắc Giang. Theo chia sẻ của gia đình, trong lúc đang ở nhà, nữ sinh C. đau bụng dữ dội. Sau khi vào phòng tắm, em đã sinh bé trai nặng khoảng 2,7kg.
Thông tin từ Dân Trí vào tháng 10/2022, dư luận cũng xôn xao khi hay tin một nữ sinh lớp 6 (sinh năm 2011) ở Phú Thọ mang thai. Đến tháng 11/2022, nữ sinh này hạ sinh con đầu lòng khi mới 11 tuổi.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, xu hướng trẻ vị thành niên có quan hệ tình dục sớm ngày càng tăng lên. Khi tới gặp bác sĩ, nhiều trẻ cho rằng việc quan hệ tình dục ở độ tuổi của mình rất bình thường. Một số trường hợp là nữ sinh lớp 9, lớp 10 không áp dụng các biện pháp thai.
Do bé gái đang tuổi vị thành niên, khung sàn chậu chưa hoàn thiện nên khi sinh nở, các em dễ đối diện với nguy hiểm. Phần lớn những trường hợp này phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật.
Đứa trẻ có mẹ “tuổi teen” cũng bị ảnh hưởng. Thai nhi không được theo dõi, đặc biệt trong 3 tháng đầu, nên không được sàng lọc các dị tật, bệnh lý di truyền. Cơ thể người mẹ chưa phát triển đầy đủ dẫn đến thiếu máu, thiếu chất khiến thai kém phát triển, dễ bị chết lưu hoặc trẻ sinh ra thiếu cân, suy dinh dưỡng, mắc nhiều bệnh tật...
Ngoài ra, theo bác sĩ Thành, người mẹ không dùng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục nên việc lây nhiễm một số căn bệnh nguy hiểm như viêm gan B, HIV, giang mai, lậu... hoàn toàn có thể xảy ra và ảnh hưởng sang con.