Vạch ra cái xấu, cái thiếu, cái yếu kém của nhau bằng cách nào tế nhị nhất, để người kia biết mình được yêu thương và được mong chờ thay đổi mới là cách xử sự khôn ngoan của vợ chồng...
- Viết cho ngày mình thôi không còn là vợ chồng…
- Cái giá phải trả cho bài học buông xuôi trước sự cám dỗ
Có một truyện cười được cả hai phe kể lại thế này: gia đình kia thường có cảnh cơm không lành, canh không ngọt. Đúng câu “vợ chồng đóng cửa bảo nhau”, mỗi lần nhà họ có việc là cửa nẻo đóng kín mít, chỉ vọng ra ngoài tiếng roi quất đen đét và tiếng người chồng hét lên: “Chết này, chết này, không biết nghe lời này…”. Thông qua tiếng kêu la, hàng xóm đoán là anh chồng đang “dạy vợ”.
Cánh đàn bà nghe thì lấy làm ấm ức thay cho cô vợ: làm gì mà phải nhịn nhục thế. Mình với “nó” bình đẳng. Sao lại để nó đánh mình như đánh con. Cánh đàn ông thì khâm phục: chồng thế mới là chồng chứ. Dạy vợ đâu ra đó. Vợ thế mới là vợ chứ. Có đâu như thời nay, vợ leo lên đầu chồng. Chồng nói một câu, vợ sa sả trăm câu. Chẳng biết giữ thể diện cho nhau…
Mấy ông quản lý chung cư, bà cán bộ Hội Phụ nữ nghe được chuyện này bực mình lắm. Bạo hành gia đình đây mà! Cần phải can thiệp thôi. Nhưng làm sao can thiệp? Vợ chồng nó giải quyết mọi việc với nhau toàn đóng kín cửa. Cô vợ có kêu ca gì đâu. Cứ sau một đêm, sáng dậy lại thấy vợ chồng nó hơn hớn chở nhau đi ăn sáng, đi làm. Mình lấy quyền gì mà nhảy bổ vào. Thôi thì đành len lén tìm cách lấy bằng chứng để đưa ra tổ dân phố mà giải quyết…
Ai dè nhờ sự quan tâm sâu sát ấy của hàng xóm mà bà con lối xóm được một phen bất ngờ: hóa ra đừng tưởng cái gì mình nghe thấy (thậm chí nhìn thấy) là đúng bản chất vấn đề. Chiều chiều chồng về, vợ ghé vào miệng chồng, nghe có chút hơi men thì lẳng lặng vào buồng lấy roi. Chồng biết tội, nằm dài ra giường. Vợ cứ thế mà quất đen đét vào mông chồng. Nhưng cứ roi nào vợ quất thì chồng đau quá, lại hét lên: “Chết này, chết này, không biết nghe lời này”.
Cụ già nhất khu dân cư cười tủm tỉm: “Vợ chồng này rõ khôn, biết giữ thể diện cho chồng. Vợ không hề bạo hành chồng, rất ngoan ngoãn nghe lời chồng nhé. Chồng dạy được vợ nhé. Nhà có trên có dưới tôn ti trật tự đàng hoàng. Vừa giải quyết được vấn đề gia đình, vừa chẳng ai mất mặt với lối xóm”.
Nghe cụ bàn xong, đám đông giải tán, ai về nhà nấy, lẳng lặng ngẫm chuyện nhà mình.
Đâu phải ai cũng biết giữ thể diện cho chồng, cho vợ mình trước họ hàng, bạn bè, lối xóm. Có cô Nhi làm ra tiền giỏi hơn chồng, lúc nào cũng ra vẻ ta đây, rằng mình là người nắm quyền trong nhà. Chồng biết vị trí của mình nên ra sức chu toàn nhà cửa thay cho vợ.
Thế mà có ngày lên Facebook của vợ, thấy vợ kể chuyện đi công tác xa, mệt mỏi rã rời. Bạn bè vào “còm”, vợ trả lời khiến chồng điếng hồn: “Là đàn bà, ai không muốn được bao bọc, chăm sóc, chỉ ở nhà nấu cơm đi chợ chơi với con. Ai mà muốn phải lăn lóc kiếm tiền cơ chứ. Nhưng khổ… Chồng tôi không giỏi kiếm tiền, chỉ biết nội trợ, tôi phải làm sao?”.
Lại có vợ chồng nhà anh Hùng, mới hôm qua, cô vợ còn chạy sang hàng xóm khóc tấm tức, chỉ vì chồng, ngay trước mặt đám thợ sửa nhà, mắng vợ: “Bảo mua có mấy món nhậu mà cũng không xong, ngu gì mà ngu thế, ngu hết phần thiên hạ. Con ngu tại gene mẹ. Hèn gì mà mấy đứa nhỏ nhà tao cứ lẹt đẹt cuối lớp hoài”.
Đừng tưởng rằng cái chuyện thể diện là không quan trọng trong quan hệ vợ chồng. Đừng giả tạo, che đậy chuyện xấu, vờ vĩnh khoe khoang chuyện tốt mà là thể hiện sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau. Vạch ra cái xấu, cái thiếu, cái yếu kém của nhau bằng cách nào tế nhị nhất, để người kia biết mình được yêu thương và được mong chờ thay đổi mới là cách xử sự khôn ngoan của vợ chồng. Đó chính là một phần trong lớp nền tảng hạnh phúc gia đình.
Mọi câu chuyện hài hước luôn bao hàm một ý nghĩa sâu xa nào đó. Ngẫm mà coi!