Sao không im lặng để đời nhẹ nhàng như những màn hài kịch? Nói thì dễ, nhưng mà, chỉ người trong cuộc mới hiểu có những nỗi đau không bao giờ, không cách nào, có thể kín miệng.
- Mới cưới một tháng, tôi có nên ly hôn người chồng ngoại tình, chê vợ lùn?
- Chồng ngoại tình nhưng không chịu ly hôn để giữ osin không công, vợ liền tung chiêu 'hiểm'
Ai cũng nghĩ rằng, sao đã im lặng bao năm, nay chị nghệ sĩ ấy mới khơi lại những câu chuyện đau thương ngày ấy để làm gì. Sao không im lặng luôn để đời nhẹ nhàng như những màn hài kịch chị hay diễn? Nhưng mà, chỉ người trong cuộc còn đau, đau lắm mới có thể nín nhịn bao năm rồi giờ bung ra như không còn gì để giữ.
Tôi vừa bước qua cuộc hôn nhân 10 năm, nên có thể hiểu được phần nào cảm xúc của chị. Hạnh phúc có thể giống nhau, nhưng bất hạnh lại muôn hình vạn trạng. Thật đấy! Tôi từng được rất nhiều người khuyên bảo nên thế này, nên thế kia, nhưng ai ở vào hoàn cảnh của mình mà hiểu. Ai hiểu nỗi đau của tim mình.
Nên, trước hết, tôi hiểu một phần nào đấy của chị nghệ sĩ. Chị muốn nói, chị cứ nói. Chị hãy nói thật nhiều rồi quên đi. Khép lại, tôi nghĩ đó cũng là điều mà chị muốn, của bất kể những ai vừa bước qua một cuộc hôn nhân, nhất là buồn nhiều hơn vui.
Bởi khép thực sự, không dễ. Chúng ta không thể quên đi vì chúng ta không mất trí. Huống chi đó là người ta đã yêu, đã cùng ta quyết định đi với nhau phần đời còn lại, ít nhất đã từng như vậy. Rồi thì, cũng nhau đón đứa con đầu lòng. Bao vui buồn, bao hạnh phúc. Dễ gì quên.
Mà khó quên nhất, là những niềm đau. Là những gì anh đã làm, đã lừa dối, đã đối xử tệ hơn người lạ với cả mẹ và con. Tôi nghĩ điều này, khó quên. Dù rằng, tôi đã mất một thời gian rất dài, để đi đến quyết định ly hôn. Ngày nộp đơn tại tòa, tôi đã nghĩ mình phải nhẹ nhõm lắm, bình an lắm. Ừ, thì cũng có, mà lớn hơn là khoảng trống vô nghĩa trong lòng.
Để thoát khỏi những hụt hẫng đó, để được bình an nuôi nấng hai con, tôi phải đến những nơi uy tín xin, tư vấn tâm lý. Không hề dễ dàng để hiểu: ly hôn không phải là việc mà cứ tòa tuyên án, là xong. Cũng như cưới xin, không phải là kết của tình yêu. Mọi thứ chỉ bắt đầu. Ly hôn là bắt đầu cuộc đời mới, như khi kết hôn, chỉ khác là không chỉ có niềm vui, mà còn có cả những nỗi buồn.
Hai con tôi đủ lớn, để hiểu cảm giác vắng cha. Tôi thì vừa phải chăm sóc các con, vừa phải gánh vác gánh nặng tài chính. Đủ để mệt mỏi. Vậy mà, tối vẫn thấy cô đơn, thấy tủi thân, thấy buồn khổ. Những đêm dài mất ngủ, trằn trọc lại đến. Tóc bắt đầu bạc, mắt bắt đầu trũng sâu. Đó là cái giá phải trả cho hai chữ “Tự do”.
Cho nên, tôi rất thương với ai còn hằn học với chồng cũ. Bởi hơn cả, là họ còn đau. Tôi không hằn học, nhưng cảm thấy không muốn liên đới gì với người ấy, không muốn nhắc lại, không muốn khơi gợi. Cũng có thể là còn đau. Bởi nỗi đau đang liền sẹo đang lên da non. Lắm khi, cũng còn ngứa ngáy! Mà thậm chí, khi đã liền da, thì vết sẹo đó, cũng khiến mình, cảm thấy khó chịu mỗi khi vô tình nhìn thấy vết sẹo xấu xí kia.
Bài học đầu tiên là tôi học cách chấp nhận. Chấp nhận mình từng có một cuộc hôn nhân, có vui, có buồn. Từng có một anh chồng cũ, vừa xấu vừa đẹp. Chấp nhận mình từng có khoảng thời gian ngây thơ lẫn ngu ngốc. Chấp nhận hết những gì của quá khứ. Cứ chấp nhận như mặt trái, mặt phải của bàn tay.
Tôi cho rằng, chấp nhận là một điều rất khó. Bởi nói về người đàn ông cũ tệ đến thế nào, một phần nào đó, mình có mặc cảm là mình cũng tệ. Bởi đã gắn liền cuộc sống với người ấy, bao năm, có luôn cả mấy đứa con mà không sao xóa một nửa di truyền từ người ấy. Chấp nhận mà không đi kèm thái độ, điều mà tôi học được từ một thiền sư, và cố thực hành mỗi ngày, mỗi lúc hoặc bất cứ khi nào tôi chợt nhớ về những ngày cũ.
Và nghĩ về hiện tại, về tương lai. Tôi đã có điều mình muốn. Một cuộc sống tự do, đi kèm với lo toan và hạnh phúc. Đó là cuộc sống tôi chọn, là do tôi chọn chứ không ai bắt mình chọn nên mình có trách nhiệm phải làm cuộc sống mới này trổ hoa.
Rồi hai con nữa, chúng không chọn mà buộc phải đi con đường mình chọn, nên mình càng phải giúp con hiểu đó là con đường tốt nhất mà mẹ có thể dẫn con đi. Trẻ con ấy, dễ thích nghi hơn người lớn. Con tôi không quên ngày cũ, mà dễ chấp nhận mình ở cùng mẹ, ở nhà này thay vì ở cùng ba, nhà kia như trước.
Vậy nên, cuộc sống mới đã bắt đầu, dù vui hay buồn, cũng cần khép lại quá khứ và bước đi.