Chị rầu, vì nhà có hai đứa con mà đứa nào cũng ly hôn. Sau ly hôn, Trang - con gái chị nhìn như người sắp chết.
- Đàn ông nói yêu thì dễ, chứ mấy ai can đảm gánh cả quá khứ và tương lai của đàn bà ly hôn
- Ly hôn cho chồng... sáng mắt ra!
Suốt ngày Trang ôm con ru rú trong phòng, chẳng buồn điểm phấn tô son. Cái cảm giác mới hôm qua vợ chồng còn mặn nồng mà nay đã đường ai nấy đi, làm sao không sốc?
Trang từng yêu hết mình, nên hậu quả của sự đổ vỡ này khá thê thảm. Chị biết, con tôn thờ sự chung thủy, nên khi bị chồng phản bội, con đau lắm, nhưng phải mất ba năm dài đau khổ mới quên đi con người bội bạc ấy, thì con đã quá rẻ rúng thời gian. Trong khi con ngụp lặn quá lâu trong vật vã, thì ngoài kia, mọi chuyện đâu có vì con mà thay đổi. Chồng con vẫn tung tăng bên những người đàn bà của anh ta. Cửa hàng mỹ phẩm quen thuộc con thường lui tới, hàng hóa vẫn tấp nập.
Như con trai chị - Hải, anh ruột của Trang, vừa ly hôn xong đã tung tăng hết cô này đến cô kia. Mỗi sáng bước ra khỏi nhà, Hải vẫn huýt sáo, tươi cười khiến chị phải đặt câu hỏi: “Có phải ông trời cho đàn ông sự vô tâm? Hay đàn ông biết sử dụng sự vô tâm hiệu quả hơn đàn bà?”. Thấy em gái rầu rĩ, thấy mẹ mất ăn mất ngủ, Hải đã từng bực dọc quát: “Em có bị điên không Trang? Em buồn là để tôn thờ tình yêu à? Lấy xe chạy một vòng, để thấy đàn bà bị phản bội, người ta vẫn tìm cách, hoặc biết cách làm cho mình lộng lẫy. Còn trăng hoa, mèo mỡ là thói quen khó bỏ của đàn ông. Chỉ có điên mới buồn triền miên”.
Ba năm, Trang đau đủ rồi. Chẳng cần đợi anh trai hay mẹ động viên cô mới nguôi ngoai. Một chiều nọ, Trang gửi con cho mẹ, nói là đi mua sắm, làm đẹp. Cô mua một lọ nước hoa có mùi thơm lạ chưa từng dùng, như một cách đón nhận hiện tại. Trang thay đổi kiểu tóc, sắm quần áo đẹp. Người mừng nhất là mẹ. Chị để ý từng đổi thay của con gái.
Trang vốn xinh xắn, mới chạm mốc hai mươi bảy, bước ra khỏi nhà đã có đàn ông đeo đuổi. Ở công ty mới, Trang như thỏi nam châm đầy ma lực. Chẳng biết Trang có tiếc quãng thời gian ba năm tăm tối ấy không, nhưng một khi con chịu nhấc chân ra khỏi nhà, là con đã chấp nhận hiện tại rồi. Thấy con vui với công việc, bạn bè, đồng nghiệp và những đam mê, có thể công cuộc từ bỏ quá khứ đã thành công, chị mừng lắm.
Tới lượt con trai chị. Nếu trước đây Hải không tỏ ra bị sốc sau ly hôn, lại còn mắng em “chỉ có điên mới buồn triền miên”, thì nay chị lại thấy Hải khá thê thảm. Đàn ông không có vợ chăm sóc, chẳng khác gì đứa trẻ. Tiếng là ba mẹ con sống chung nhà, nhưng phòng ai nấy ở, chị chỉ lo lắng chuyện cơm nước, nhắc nhở con việc này việc kia. Mà Hải cũng không thích làm phiền mẹ. Quần áo tự giặt lấy, đi sớm về khuya cũng mang theo chìa khóa riêng.
Nhìn con thui thủi, chị chạnh lòng. Hải chẳng còn mặn mà hình thức, lại còn sinh tật rượu bia. Đôi khi chị tự hỏi, tại sao các con chị lụy tình đến thế? Đúng là có yêu mới cưới, nhưng khi hôn nhân không còn chung tiếng nói, thì phải học cách chấp nhận, kéo dài thời gian đau khổ, không cho bản thân cơ hội mở lòng, thì chỉ thiệt mà thôi.
Hải ăn chơi chán rồi cũng mỏi gối chồn chân, cũng cần một gia đình đúng nghĩa. Trang thì chưa hẳn. Trang coi con cái làm điểm tựa tinh thần, hoặc chỉ cần người tình bên cạnh là đủ. Hậu ly hôn, ai tỉnh táo thì đón nhận điều tốt đẹp. Cánh cửa này khép lại, cánh cửa kia mở ra, có khi lộng gió, xôn xao hơn nhiều.