Người ta lấy chồng để được nương tự, đỡ vất vả với đời. Còn tôi lấy chồng thật mệt mỏi, không chỉ nuôi con, gia đình nhà chồng mà còn phải gánh thêm “của nợ” mang tên “chồng”. Tôi chán vì chồng không làm ra tiền nên sinh ra tâm lý cáu gắt và coi thường anh.
- Chán chồng nghèo, cô vợ đã làm điều kinh ngạc này
- Chán chồng nhu nhược cư xử không khác gì đứa trẻ con
Chồng tôi cao ráo đẹp trai, hiền lành là con út trong gia đình. Mặc dù gia đình hoàn cảnh khó khăn nhưng ba mẹ rất chiều, vì thế anh luôn ỷ lại. Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh đi làm được vài nơi rồi nghỉ. Lúc lấy nhau, anh đang làm cho một công ty với mức lương cũng khá.
Tuy nhiên, sau vài tháng anh lại nghỉ việc vì cho rằng môi trường ở đó không hợp. Vậy là gánh nặng kinh tế lại đè lên vai tôi. Cả nhà chồng chỉ dựa vào dãy nhà trọ cho thuê để sống. Vì thấy chồng thất nghiệp, nên tôi có nói với bố mẹ, mở một gian bán hàng tạp hóa để chồng ở nhà bán cũng được, kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, anh quá lười, mở ra rồi người làm cũng là bố mẹ chồng. Chồng chỉ ở nhà xem tivi, lướt nét, cũng không chịu đi xin việc làm.
Rồi tôi có bầu, do sức khỏe yếu nên phải xin nghỉ sớm, kinh tế đã khó khăn, giờ lại khó khăn hơn. Toàn bộ chi tiêu trong gia đình tôi đều lo hết. Vừa mệt do mang bầu, tôi hay cáu gắt, cộng với việc chồng lười và không kiếm ra tiền nữa nên tôi càng chán nản. Hàng ngày cứ thấy anh ở nhà không làm gì là tôi thấy ngứa mắt lắm. Là đàn ông sức rộng vai dài mà chỉ ở nhà ăn bám bố mẹ và vợ, càng nghĩ càng thấy chồng mình vô dụng. Nhưng cũng may là chồng tôi không lăng nhăng, không rượu chè cờ bạc, gái gú gì hết.
Đến ngày sinh, trong người chỉ có 3 triệu, trong khi tôi sinh mổ còn bao nhiêu thứ phải lo. Lúc đó tôi thấy chán chồng không làm ra tiền, nghĩ sinh con xong tôi sẽ ôm con về ngoại nuôi rồi ly hôn cho nhẹ gánh. Nhưng rồi ra viện, cũng chẳng thể nào dứt được, cứ vậy ở nhà chăm con đến hết 6 tháng rồi tôi đi làm lại. Tôi lại bắt đầu nai lưng ra làm trụ cột gia đình, nuôi con lại nuôi cả chồng. Trong khi đó chồng vẫn vô tư, vui vẻ, tận hưởng cuộc sống anh đang có. Nhiều lần tôi đã cố gắng nói nhẹ, nói nặng để chồng tìm việc làm, nhưng anh cứ kệ mặc tôi quay quắt kiếm tiền, vất vả cơm nước phục vụ nhà chồng, chồng và con.
Tình hình cứ như vậy nên tôi chẳng còn muốn gần gũi chồng “bỏ đói” anh cả tháng nay. Dù anh có nải nỉ như thế nào cũng tôi không có cảm xúc vì bao nhiêu gánh nặng kinh tế đang đè nén lên đầu tôi. Tôi bắt đầu cũng khinh thường anh, không còn coi trọng những lời nói, đóng góp của anh. Bởi anh nói gì cũng không có ích, chẳng kiếm ra tiền chỉ làm tôi cảm thấy mệt mỏi và áp lực hơn. Thật sự tôi cảm thấy anh không phải là người không có năng lực mà bởi không năng động, thích ỷ lại.
Chuyện kiếm tiền rất quan trọng, bởi thời buổi này không có tiền làm sao mà sống, đâu có thể “cạp đất” mà ăn. Còn tương lai của đứa con nữa, lớn lên có bao nhiều thứ cần phải chi. Bố mẹ chồng đã già, hay đau ốm cần phải lo thuốc thang. Nhưng chồng cứ như thế thì tôi phải làm sao? Nếu anh quyết liệt, mạnh dạn hơn trong chuyện kiếm tiền thì tôi sẽ an tâm làm công việc nhà, để chăm lo tốt cho gia đình. Thời buổi này, kiếm tiền không phải quá khó, quan trọng là tôi cần chồng chịu khó kiếm tiền.