Miếng bánh chưng ăn kèm với củ kiệu, dưa chua… là một trong những món ngon đặc trưng trong ngày Tết cổ truyền. Dẫu ngon, nhiều người bệnh tiểu đường vẫn đắn đo suy nghĩ khi cầm đũa bởi món ăn này được làm từ nếp với hàm lượng tinh bột cao cùng với mỡ heo chứa chất béo xấu.
- Bé trai ở TP.HCM mới 14 tuổi đã cao 1,95m, gia đình đưa đi khám mới phát hiện mắc hội chứng vô cùng nguy hiểm
- Nhập viện nguy kịch do tin lời thầy lang chữa viêm gan B bằng nước kiềm
Theo thông tin từ Znews, một chiếc bánh chưng trung bình có trọng lượng khoảng 1 kg, tương đương 1.810 calo. Một phần nhỏ (1/8 chiếc bánh chưng) sẽ cung cấp 226 calo.
Lượng calo trong một chiếc bánh chưng tương đương với 10 chén cơm trắng, 36 cái bánh dày nhân đậu xanh nhỏ, hoặc 5 tô phở. Đối với người bình thường, ăn nhiều bánh chưng có thể làm tăng cân và tăng nguy cơ tim mạch, do lượng thịt heo chứa mỡ làm tăng cholesterol máu. Ăn kèm với dưa hành, dưa kiệu chứa nhiều muối cũng làm tăng huyết áp.
Ở người đái tháo đường, ăn nhiều bánh chưng càng nguy hiểm hơn vì có thể làm đường huyết tăng cao, gây biến chứng nghiêm trọng.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, thưởng thức bánh chưng đúng cách giúp đường huyết không bị tăng vọt sau ăn. Người bệnh chỉ ăn mỗi bữa khoảng 1/4 cái bánh chưng tương đương với 1 chén cơm trắng. Nếu đã ăn bánh chưng, cần cắt giảm lượng cơm tương ứng. Đồng thời, nên ăn thêm rau, thịt trước khi ăn bánh chưng. Các chất xơ và chất đạm sẽ làm chậm quá trình hấp thụ tinh bột trong bánh chưng, ngừa tăng đường huyết. Nên đo đường huyết trước và sau khi ăn để xem đường huyết tăng nhiều hay ít. Nếu tăng nhiều, cần giảm bớt lượng bánh chưng trong lần ăn kế tiếp.
Đối với bệnh nhân tiểu đường, chế độ ăn cần kiểm soát lượng carbohydrate. Khi người bệnh đái tháo đường nạp carbohydrate vào cơ thể sẽ tạo ra đường sớm hơn so với đạm và chất béo. Carbohydrate được chia ra 2 loại: carbohydrate hấp thu nhanh, carbohydrate hấp thu chậm. Nhóm cơm, bánh chưng bánh tét nằm trong nhóm hấp thu chậm, có tên khoa học là polysaccarit chứa tinh bột glycogen và chất xơ.
Khẩu phần cơm bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường và Dinh dưỡng tiết chế thường khuyên bệnh nhân là 1 chén. Nếu bệnh nhân muốn ăn bánh chưng, bánh tét, thì chỉ nên ăn 1 phần tương đương 1 chén cơm – ¼ bánh chưng chỉ tính vỏ không tính thịt và đậu xanh. Với bánh tét, cũng chia 4 phần tương đương với 1 chén cơm.
Khi ăn bánh chưng, bánh tét vào ngày tết, cần chú ý ăn rau trước. Ăn rau trước 5 phút sau đó ăn bánh chưng, bánh tét, tỷ lệ đường máu tăng sau ăn sẽ chậm hơn. Giao động đường huyết chỉ 5 – 6 mmol/dL. Nếu ăn cơm, bánh chưng bánh tét trước mới ăn rau, lượng đường sẽ tăng từ 10 – 11 mmol/dL sau ăn.
Bệnh tiểu đường có ăn nên ăn bánh tẻ, bánh nếp không?
1. Bánh tẻ – bệnh tiểu đường có ăn được không?
Bánh tẻ phổ biến ở các tỉnh miền Bắc, được làm từ bột gạo tẻ, gói bằng lá dong và luộc chín. Nhân bánh tẻ gồm thịt heo, mộc nhĩ (nấm mèo), gia vị. Loại bánh này thường được dùng cúng rằm, cúng gia tiên dịp Tết nguyên Đán. Thành phần chính của bánh tẻ là bột gạo, do vậy, người bệnh tiểu đường nên ăn ở mức vừa phải – khoảng 1-2 cái. Nếu ăn quá nhiều, đường huyết sẽ tăng cao quá mức.
2. Người bệnh tiểu đường có nên ăn bánh nếp không?
Bánh nếp – miền Nam gọi là bánh ít, được làm từ nếp, nhân thịt mỡ, tôm. Có loại bánh nếp chay làm từ nhân đậu xanh mặn, đậu xanh ngọt. Người bệnh tiểu đường có thể ăn bánh nếp nhưng cần ăn ít – khoảng 1-2 cái để không làm tăng đường huyết. Khi ăn, cũng nên ăn kèm các loại rau, thịt… để làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu.
Ngoài ra, ngày Tết còn nhiều món ăn truyền thống mà người bệnh tiểu đường cần chú ý hạn chế:
Món ăn nhiều mỡ: giò thủ, thịt đông, thịt kho hột vịt, lạp xưởng… Người bệnh tiểu đường chỉ nên ăn 1-2 miếng giò thủ, thịt đông, thịt kho hột vịt và không quá ½ cây lạp xưởng khoảng 1 gang tay.
Món chả lụa: người bệnh tiểu đường chỉ nên ăn 50 – 100 gam/1 bữa.
Món canh hầm: các món hầm thường không có lợi cho người tiểu đường. Người bệnh không nên ăn các loại nước dùng có váng mỡ.
Củ kiệu, dưa hành: các món này chứa nhiều đường và muối, người bệnh cần hạn chế. Nếu quá thèm hoặc thưởng thức hương vị Tết, chỉ nên ăn 1-2 miếng nhỏ.
Thay vào đó, người bệnh cần đảm bảo ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, số lượng thức ăn không thay đổi nhiều so với ngày thường với đầy đủ các chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa, đậu… Mỗi bữa ăn, nên dùng nhiều rau xanh, khoảng 300g/ngày. Với trái cây nên ăn khoảng 200 gam/ngày, hạn chế trái cây sấy khô và loại có nhiều đường (mít, nhãn, nho…). Người bệnh không nên uống nước ép trái cây, bởi thức uống này dù là ép từ trái cây tự nhiên nhưng vẫn chứa nhiều đường, ít chất xơ, hấp thụ vào máu nhanh chóng dẫn đến tăng đường huyết.
Người bệnh tiểu đường thưởng thức các món ăn ngon, phong vị đặc trưng của ngày Tết mà vẫn đảm bảo sức khỏe, không tăng đường huyết cần sự quyết tâm, kiên trì. Để có Tết lành mạnh, vui khỏe, người bệnh tiểu đường nên lắng nghe tư vấn của bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường và Dinh dưỡng tiết chế. Theo đó, mỗi người bệnh cần có lượng thức ăn khác nhau. Đồng thời, bệnh tiểu đường đi kèm với các bệnh nền khác bác sĩ sẽ giúp người bệnh cân đối dinh dưỡng, lựa chọn món ăn, kiểm soát lượng thức ăn nạp vào, điều chỉnh thuốc và chế độ luyện tập phù hợp.
Vào dịp Tết, không chỉ chế độ ăn uống dễ thay đổi mà việc luyện tập, vận động, giờ giấc sinh hoạt cũng bị xáo trộn. Ngoài ra cũng có nhiều người bệnh lo đường huyết tăng cao nên kiêng khem quá mức, không dám ăn uống, cộng thêm tâm lý căng thẳng gây hạ đường huyết nghiêm trọng, nguy kịch tính mạng. Nhiều người bệnh suy dưỡng, kiệt sức sau mùa Tết vì thức khuya, lịch trình đi lại liên tục. Những điều này khiến sức khỏe người bệnh giảm sút, không chỉ dễ tăng đường huyết mà còn dễ mắc các bệnh cảm cúm, cảm lạnh trong thời tiết giao mùa.
Nhiều người bệnh còn có tâm lý kiêng uống thuốc vào những ngày đầu năm hoặc quá bận nên quên uống thuốc hay tiêm insulin. Cũng nhiều người bệnh vì quá bận rộn nên quên dự trữ thuốc hết kỳ nghỉ Tết. Các trường hợp này đều có thể khiến đường huyết tăng cao, nguy hiểm tính mạng.
Để tránh nguy hiểm, người đái tháo đường nên chuẩn bị thuốc và dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, luyện tập và ăn uống phù hợp. Thực hiện đúng, người bệnh sẽ có Tết trọn niềm vui cùng người thân, bạn bè.