Hà Nội có hơn 80% bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà. Vậy F0 điều trị tại nhà cần làm gì khi dịch ngày càng gia tăng, khó liên hệ y tế?
- Ngày 16/1, Việt Nam ghi nhận 15.684 ca mắc COVID-19, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu với 2.982 ca bệnh
- Khi nào cần đi khám 'hậu COVID-19"?
Theo khuyến cáo của ThS.BS.Nguyễn Quốc Thái - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai, trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 leo thang, số lượng người mắc nhiều khiến cho hệ thống y tế quá tải, nhiều người F0 có thể sẽ không liên hệ được thầy thuốc cũng như cơ sở y tế.
Khi đó, người bệnh cần bình tĩnh bảo đảm nghỉ ngơi thoải mái, không bỏ bữa, uống đủ nước và tự theo dõi sức khỏe bản thân. Hàng ngày, người bệnh cần tập thở và vận động tại chỗ nhẹ nhàng khoảng 15 phút.
Mỗi buổi sáng và buổi chiều hoặc bất cứ lúc nào có thể, người bệnh cần tự theo dõi bản thân, tự đếm nhịp thở, tự đếm mạch và đo độ bão hòa oxy SpO2, tự đo huyết áp. Đây là các thao tác cần thiết để biết tình trạng cơ thể có diễn biến nặng hay không.
Nếu người bệnh thấy mệt lả, thở nhanh trên 25 lần/phút, độ bão hòa oxy SpO2 dưới 96%, mạch nhanh trên 120 nhịp/phút, huyết áp tụt dưới 90/60 mmHg hoặc có bất kỳ tình trạng nào cảm thấy nguy hiểm thì cần ngay lập tức liên hệ vận chuyển cấp cứu 115 để đến cơ sở y tế gần nhất.
Trong thời gian chưa xuất hiện tình trạng nặng hoặc cấp cứu, người bệnh cần tích cực gọi điện thoại hoặc liên lạc qua internet với các Trạm y tế lưu động quanh nhà, với tổ CoVID-19 cộng đồng, với các nhóm Zalo chống dịch tại tổ dân phố... để có được sự hỗ trợ kịp thời khi cần.