Theo BS Trương Hữu Khanh, vấn đề thường gặp nhất của F0 sau khi khỏi bệnh là lo lắng về hậu COVID-19 gây ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân một cách gián tiếp.
- Hết sức cẩn thận với căn bệnh cực kỳ nguy hiểm trong đại dịch, có thể gây 'suy hô hấp' nhanh chóng và 'ngừng thở'
- Tiêm vắc xin mũi 3 bao lâu thì được mang thai?
Khi khỏi bệnh COVID-19, người bệnh có nguy cơ gặp phải những di chứng nặng nề, trường hợp nặng phải cần sự can thiệp của các chuyên gia phục hồi chức năng về hô hấp hoặc tâm lý trị liệu.
Theo BS Trương Hữu Khanh, virus SARS-CoV-2 có thể gây tổn thương đa cơ quan. Vì vậy, bệnh nhân mắc COVID-19, nhất là bệnh nhân có triệu chứng, khi đã qua giai đoạn cấp tính (khỏi bệnh) vẫn có thể có những triệu chứng tồn tại dai dẳng.
BS Khanh nhận định, các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 nặng nằm trong hồi sức, sau khi hết hết bệnh không về được, phải chuyển sang phục hồi chức năng, đó gọi là hậu nhiễm trùng nặng do nằm lâu cơ teo, cứng, phụ thuộc vào máy thở một khoảng thời gian dài làm cho phổi xơ nên phải đi tập thở hoàn toàn không phải là hậu COVID-19.
Khi nào cần đi khám hậu covid-19?
Bệnh nhân đã hết bệnh và sau 14 ngày theo dõi tại nhà nếu gặp phải các triệu chứng như:
- Suy giảm thể chất, rối loạn chú ý giảm khả năng tập trung, các chức năng sinh hoạt hằng ngày.
- Các triệu chứng khác như mệt mỏi, đau cơ, nhiều nhất là khó thở. Tình trạng khó thở có thể kéo dài từ một đến hai tháng sau khi khỏi bệnh thì nên đi khám.
- Nhiều trường hợp trong quá trình điều trị gặp một số rối loạn nuốt sau khi đặt ống nội khí quản, rối loạn tâm lý, người mắc COVID-19 có thể bị tổn thương phổi, yếu cơ toàn thân dẫn đến sau khi hết COVID-19 lại tăng khả năng mắc các bệnh lý khác như nguy cơ đột quỵ, nguy cơ tim mạch, tâm thần…
- Chỉ đi khám hậu COVID-19 khi có triệu chứng kéo dài.
Các triệu chứng hậu Covid-19 có thể chấm dứt sau một thời gian. Tuy nhiên, thời gian tồn tại chính xác của các triệu chứng này còn cần được nghiên cứu và theo dõi thêm. "Một số người cảm thấy mệt mỏi, đôi khi khó thở. Tuy nhiên, khi chụp chiếu và thăm khám lại không phát hiện bất thường ở phổi. Lúc này, vấn đề có thể nằm ở tâm lý người bệnh”, BS Khanh chia sẻ.
Do đó, những người từng mắc Covid-19 trong thời gian tới cần được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc tâm lý cũng như bác sĩ về rối loạn tâm thần. "Từ đây, các bác sĩ có thể đánh giá và kết luận bệnh nhân có gặp phải tổn thương thực thể hay không, qua đó có phương án điều trị phù hợp”.
BS Khanh chia sẻ thêm: "chúng ta nên tiêm ngừa đủ 3 mũi để tạo miễn dịch tốt cho cơ thể và không có cách nào để phòng ngừa hậu COVID-19".
Khi mắc COVID-19, bệnh nhân có thể bị sốt, căng thẳng. Đây cũng là nguyên nhân khiến lông, tóc rơi vào giai đoạn rụng hơn. Cơ chế bệnh sinh là do giai đoạn anagen rút ngắn. Dưới tác động của một số yếu tố như thuốc điều trị (thuốc chống co giật), sốt, các nang tóc đang ở giai đoạn anagen nhanh chóng chuyển sang giai đoạn telogen, gây biểu hiện rụng tóc sau 2 - 3 tháng.
BS Khanh cho biết trường hợp này chỉ cần hêm các yếu tố vi lượng, chất chống ô-xy hóa, kháng viêm tốt cho nang tóc, để nang tóc đủ dinh dưỡng phát triển trở lại. Các hoạt chất cần thiết như sắt, kẽm, vitamin nhóm 3B, Biotin (vitamin H), vitamin B5… có thể bổ sung theo đường tại chỗ (như dầu gội, tinh chất bôi thoa...) hoặc đường uống, giữ tinh thần lạc quan, hạn chế gây áp lực cho bản thân về hậu COVID-19.
Người dân cần giải tỏa căng thẳng, áp lực tâm lý hậu COVID-19, thường xuyên tập thể dục, giữ tinh thần khỏe mạnh, vững vàng và lạc quan, ăn uống đầy đủ, đúng giờ, không lo lắng, nếu khó thở nhẹ thì tập thở. BS Khanh khuyên tất cả bệnh nhân không nên quá lo lắng về hậu COVID-19, dẫn đến tâm lý hoang mang và suy nhược cơ thể. Chỉ đi khám hậu COVID-19 khi có triệu chứng, không nên tập trung vào các triệu chứng của hậu COVID-19 mà hãy tỉnh táo tìm hiểu bản thân có đang mắc các bệnh lý khác hay không.
Tại TP.HCM, nhiều bệnh viện đã mở các phòng khám hậu Covid-19 để tư vấn, khám và đưa ra hướng dẫn điều trị phù hợp. Một số bệnh viện lớn cũng thành lập khoa điều trị hậu Covid-19 như Bệnh viện Nhi đồng 1, Viện Y Dược học Dân tộc, Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Ngành y tế TP.HCM cũng lên kế hoạch xây dựng hướng dẫn điều trị hậu Covid-19 theo các phân tuyến điều trị (trong thời gian chờ ban hành chính thức từ Bộ Y tế).
Ảnh minh họa: Internet