Theo thông tin từ Viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia Hoa Kỳ (NIMH), 16,2 triệu người Mỹ trưởng thành đã từng trải qua ít nhất một giai đoạn trầm cảm trong đời.
- Nước tiểu vào buổi sáng tiết lộ thận tốt có hay không: Hãy đi kiểm tra thận ngay nếu nước tiểu của bạn có 3 đặc điểm bất thường này
- Nhảy dây 1.000 cái/ngày, lợi ích chưa thấy đâu, người phụ nữ 30 tuổi đã gãy xương vì kiệt sức: Những sai lầm khi tập thể dục biến MỒ HÔI trở thành NƯỚC MẮT
Nhiều người cho rằng cảm thấy buồn bã hoặc xa lánh với người xung quanh là dấu hiệu của trầm cảm. Tuy nhiên, tình trạng này còn có thể được biểu hiện theo nhiều cách khác nhau và thường kéo theo những vấn đề tâm lý khác như rối loạn lo âu.
Cory Newman, tiến sĩ kiêm giám đốc Trung tâm Trị liệu bằng liệu pháp Nhận thức trực thuộc Đại học Pennsylvania cho biết, thay vì cảm thấy buồn bã khi gặp phải vấn đề nào đó, người mắc trầm cảm lại trở nên dễ cáu kỉnh hoặc lo lắng. Trên thực tế, người trưởng thành có xu hướng không muốn bộc lộ sự yếu đuối hoặc dễ bị tổn thương ra ngoài. Do đó, họ thường che giấu cảm xúc bằng sự cáu gắt và đây được coi là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
Dưới đây là tổng hợp một số lầm tưởng không ít người mắc phải về tình trạng sức khỏe này và lời giải đáp đến từ chuyên gia:
Trầm cảm có thể dễ dàng được phát hiện
Jocelyn Smith Carter, tiến sĩ chuyên khoa tâm lý tại Đại học DePaul cho biết, thay vì xuống tinh thần, người mắc trầm cảm có thể gặp khó khăn trong việc tập trung hoặc nói, di chuyển chậm chạp. Nguyên nhân là do vấn đề sức khỏe này tác động lên não, từ đó ảnh hưởng tới một số chức năng vận động.
Tiến sĩ Cory giải thích, để biết một người có mắc trầm cảm hay không, bạn cần tìm ra những thay đổi đáng kể ở người đó. Họ có thể trở nên nóng tính hơn, dễ thất vọng hoặc ít giao tiếp với mọi người. Ăn nhiều hoặc chán ăn cũng là dấu hiệu đáng lưu ý. Nếu bạn phát hiện ra những thay đổi này, hãy lắng nghe và khuyên họ đến gặp chuyên gia tâm lý.
Chán nản là dấu hiệu duy nhất của trầm cảm
Nếu bạn cảm thấy buồn bã bất thường trong hai tuần trở lên, hãy nói chuyện với chuyên gia tâm lý.
Nhiều người lầm tưởng bản thân đang phải đối mặt với trầm cảm sau khi cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Trên thực tế, họ không mắc phải vấn đề khỏe này. Theo tiến sĩ Cory, buồn bã là cảm xúc có xu hướng đến và đi, trong khi đó, trầm cảm thường xuất hiện liên tục và kéo dài, khoảng một tháng hoặc hơn.
Tình trạng này gây ra một số triệu chứng bạn có thể gặp phải hầu như mỗi ngày, trong ít nhất 2 tuần. Ngoài dễ cáu gắt, các dấu hiệu khác bao gồm cảm thấy vô cùng có lỗi, vô dụng, mất hứng thú với các hoạt động từng ưa thích, tự ti, tuyệt vọng và có ý định tự tử.
Trầm cảm chỉ ảnh hưởng tới tâm trạng
75% những người mắc trầm cảm thường gặp phải khó khăn khi đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.
Không chỉ tác động tới tâm trạng, trầm cảm còn làm tiêu hao năng lượng, tăng cảm giác thèm ăn và làm gián đoạn giấc ngủ. Tình trạng này cũng liên quan đến một loạt các triệu chứng về thể chất từ phát ban, đau nửa đầu đến các vấn đề về hô hấp, tim mạch và tiêu hóa. Tiến sĩ Cory cho biết, trạng thái tinh thần và cảm xúc có thể gây ra các phản ứng trong cơ thể và ngược lại.
Một nghiên cứu tại Đan mạch đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa chứng viêm, bệnh tự miễn với trầm cảm. Những người mắc bệnh tự miễn có nguy cơ mắc rối loạn tâm lý cao hơn 45% so với người bình thường. Do đó, tiến sĩ Cory khuyên, mọi người nên quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe tinh thần.
Chỉ cần có sức mạnh để vượt qua trầm cảm
Trầm cảm không phải là vấn đề chỉ bắt nguồn từ tâm lý. Tiến sĩ Jocelyn giải thích, tình trạng này xảy ra do những thay đổi về thể chất và não bộ như sự thiếu hụt những chất giúp điều chỉnh tâm trạng.
Với sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý, người mắc trầm cảm có thể học được các kỹ năng để ngăn chặn hoặc kiểm soát triệu chứng mỗi khi bệnh bùng phát. Theo tiến sĩ Cory, mục tiêu của quá trình điều trị là giúp người bệnh nhìn nhận mọi thứ một cách tích cực hơn, chống lại những suy nghĩ tiêu cực, khiến họ cảm thấy tốt hơn và tránh bỏ cuộc. Một số người có thể cần tới thuốc để cân bằng tâm trạng và hỗ trợ giấc ngủ.
Bệnh trầm cảm thực sự rất khó điều trị
Các phương pháp điều trị như dùng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc có thể cải thiện tâm trạng ở những người mắc trầm cảm.
Theo tiến sĩ Cory, trầm cảm là một chứng rối loạn tâm lý có thể điều trị được. Việc khó khăn nhất là tìm ra phương pháp điều trị phù hợp và giải quyết các vấn đề như lo lắng, hậu chấn tâm lý, lạm dụng chất gây nghiện đi kèm với tình trạng này. Trên thực tế, sau khi dùng thuốc và điều trị, 70% những người mắc trầm cảm nặng nhận thấy sự cải thiện rõ rệt về tâm lý.
Theo Viện Sức khỏe Tâm lý Hoa Kỳ, điều quan trọng nhất là mọi người không nên trì hoãn việc đi khám. Bạn càng điều trị sớm thì càng có khả năng chữa khỏi tình trạng này.