Một trong những tình trạng thường gặp ở mẹ bầu là phù chân khi mang thai. Vậy tình trạng này xuất hiện khi nào, nguyên nhân và cách khắc phục ra sao?
- Lý giải hiện tượng khó thở khi mang thai và cách xử lý
- Dấu hiệu trầm cảm khi mang thai và liệu pháp điều trị hiệu quả
Nội dung bài viết
Phụ nữ trong thời kỳ mang thai, cơ thể có nhiều thay đổi hoàn toàn so với bình thường. Một trong những thay đổi đó là về hệ thống tĩnh mạch, điển hình là tình trạng phù chân khi mang thai. Triệu chứng này khá phổ biến và tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà sẽ xuất hiện nhiều hay ít, nặng hay nhẹ.
Phù chân khi mang thai xuất hiện khi nào?
Đối với phụ nữ mang thai, phù chân là hiện tượng sinh lý hết sức bình thường và có thể xuất hiện ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Hiện tượng này phụ thuộc phần lớn vào cơ địa của mẹ bầu nhưng phổ biến nhất sẽ xuất hiện ở tháng cuối của thời kỳ mang thai.
Phụ nữ mang bầu bị phù chân khi mang thai biểu hiện rõ ràng nhất là ở khu vực từ cổ chân trở xuống bàn chân. Tình trạng này có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường: bàn chân bị sưng lên, phù nề, không gây đau đớn nhưng gây khó chịu và bất tiện trong sinh hoạt của mẹ bầu.
Ở nhiều phụ nữ mang thai, đặc biệt là nếu mới mang thai lần đầu, nhiều thai phụ bị suy tĩnh mạch dẫn tới bị phù chân mức độ nặng, sưng phù to. Vấn đề suy tĩnh mạch có mối liên hệ mật thiết với sự gia tăng nồng độ máu và hormon trong cơ thể.
Phù chân có phải là dấu hiệu sắp sinh con hay không?
Phù chân khi mang thai trong nhiều trường hợp cũng có thể coi là một trong các dấu hiệu mẹ bầu sắp sinh, nhất là khi triệu chứng này xuất hiện ở tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, mẹ bầu còn cần phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác như:
- Tình trạng vỡ ối hoặc có máu báo.
- Phù nề chân kèm theo cả vùng mắt cá chân và bàn tay.
- Có cảm giác các cơn gò bụng ngày càng rõ rệt và xuất hiện nhiều hơn.
- Mẹ bầu bị tiêu chảy nhiều hơn.
- Thai nhi ít đạp, im lặng hơn so với bình thường.
- Có cảm giác vùng xương chậu, xương hông mở rộng, bụng tụt hẳn xuống dưới.
Nguyên nhân phù chân khi mang thai
Theo các chuyên khoa sản, nguyên nhân phù chân ở mẹ bầu có thể do:
Những thay đổi trong máu của mẹ bầu
Trong quá trình mang thai, cơ thể mẹ bầu sẽ tự động tăng cường sản xuất máu để vừa cung cấp cho mẹ, vừa nuôi thai nhi. Lượng máu mà mẹ có thể tạo ra thông thường phải lớn hơn tới 50%. Vì lượng máu này tăng đột biến nên đây cũng chính là nguyên nhân gây phù chân ở mẹ bầu.
Thai to cản trở máu trở về tim
Thai càng to thì áp lực gây ra cho ổ bụng càng lớn. Thai nhi gây áp lực lên rất nhiều cơ quan, bộ phận trong đó có tĩnh mạch vùng xương chậu, vì vậy, máu sẽ khó khăn hơn trong quá trình trở về tim.
Mẹ bầu bị rối loạn nội tiết
Cơ thể phụ nữ khi mang thai chắc chắn sẽ có sự thay đổi và rối loạn nội tiết so với bình thường. Đồng thời, trọng lượng cơ thể của mẹ cũng tăng vọt, nhiều người tăng 20-30kg. Sự tăng cân đột biến này dẫn tới đôi chân phải chịu thêm áp lực về trọng lượng gấp nhiều lần, sức nặng của toàn bộ cơ thể, cả mẹ và bé đè lên đôi chân.
Mặt khác, khi mang thai, hàm lượng muối trong cơ thể mẹ tăng lên, kali giảm đi cũng khiến cho chân tay trở nên nặng nề hơn. Một số nguyên nhân khác có thể khiến cho chân mẹ bầu bị phù nề có thể là do chế độ ăn, do đứng lâu, nghỉ ngơi không đầy đủ, làm việc quá sức cũng khiến hiện tượng phù nề chân xảy ra.
Cách hạn chế tình trạng phù nề khi mang thai
Dù đây là hiện tượng phổ biến, nhưng mẹ bầu có thể áp dụng cách giảm phù chân dưới đây để hạn chế tình trạng:
- Hạn chế tối đa tình trạng đứng quá lâu một chỗ mà không di chuyển hay hoạt động đôi chân. Bạn nên đi lại nhẹ nhàng, khi ngồi cần duỗi thẳng chân, không vắt chéo, nên ngồi thoải mái để các mạch máu lưu thông dễ dàng hơn.
- Thường xuyên massage, vận động đôi chân, đặc biệt là phần bàn chân và cổ chân. Bạn có thể thực hiện xoay bàn chân, uốn cong, uốn lên duỗi xuống khoảng 30 lần nhằm kích thích sự lưu thông máu xuống bàn chân và các ngón chân.
- Khi ngủ, mẹ bầu nên nằm nghiêng về bên trái, đây là cách giúp mẹ bầu giảm áp lực tĩnh mạch tốt nhất, giúp máu dễ dàng trở về tim, hạn chế áp lực do thai nhi đè nặng lên các bộ phận.
- Sử dụng giày dép thoải mái, đế thấp và có độ rộng, chất liệu mềm, tránh xa giày cao gót hoặc những đôi giày quá chật chội.
- Tập một số môn thể thao vận động nhẹ nhàng và tốt cho sức khỏe như yoga, đi bộ, đạp xe,... để máu dễ lưu thông hơn.
- Uống nhiều nước, hạn chế ăn mặn, tăng cường các thực phẩm giàu kali trong chế độ ăn.
Trên đây là một số thông tin về tình trạng phù chân khi mang thai mà rất nhiều mẹ bầu gặp phải. Mẹ bầu nên tìm hiểu các thông tin này kỹ càng để biết được thời điểm, nguyên nhân, triệu chứng và cách để khắc phục tình trạng phù nề, giảm những triệu chứng khó chịu khi mang thai.