Đi học sau khi nghỉ COVID-19 phát hiện tình trạng bé 2- 3 tuổi chậm nói

Nuôi dạy con 10/05/2022 15:47

Bác sĩ BV Nhi đồng 1 đánh giá, COVID-19 khiến tình trạng trẻ chậm nói gia tăng do tiếp xúc với thiết bị điện tử quá nhiều và ít tương tác với người thân.

Trẻ chậm nói gia tăng do tiếp xúc với thiết bị điện tử quá nhiều và ít tương tác với người thân

Theo UNICEF, COVID-19 đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ em trên toàn cầu. Tại Việt Nam, dịch khiến trẻ không được đến trường, hạn chế giao tiếp, vận động và phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tinh thần, tâm lý như stress, căng thẳng và trong đó có nguy cơ chậm nói.

Cũng cùng chung cách đánh giá này, Ths.Bs Đinh Thạc - Trưởng khoa Tâm lý BV Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho hay, thời gian gần đây tại khoa mỗi ngày tiếp nhận khá nhiều trẻ tới khám. Trong 10 trường hợp trẻ đến tư vấn tâm lý mỗi ngày tại bệnh viện Nhi đồng 1 thì có khoảng 2-3 trẻ có tình trạng chậm nói, chủ yếu ở độ tuổi 2 – 3 tuổi. May mắn, 95% trong số này là trẻ chậm nói đơn thuần, không kèm theo nguyên nhân vật lý hoặc tâm lý đi kèm.

Đi học sau khi nghỉ COVID-19 phát hiện tình trạng bé 2- 3 tuổi chậm nói - Ảnh 1
Ths.Bs Đinh Thạc - Trưởng khoa Tâm lý BV Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh).

“Chỉ một số nhỏ dưới 5% chậm nói liên quan đến bệnh lý do trẻ có bất thường hở môi hở hàm ếch, trẻ có biểu hiện bất thường về tâm thần, trẻ có thính lực kém, do biến chứng bệnh lý màng não, do rối loạn phổ tự kỷ…” – Ths Thạc cho biết.

Theo Ths.Bs Đinh Thạc, gia tăng trẻ chậm nói không chỉ ở Việt Nam mà là tình trạng chung trên Thế giới nhất là sau dịch COVID-19. Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Mỹ công bố, cứ 5 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị chậm nói. Kết quả nghiên cứu của nhóm TS. Birken Bệnh viện Nhi Toronto cho thấy: tỉ lệ chậm nói gia tăng gần 50% do trẻ xem, chơi các thiết bị điện tử như điện thoại, ipad, TV…

Đi học sau khi nghỉ COVID-19 phát hiện tình trạng bé 2- 3 tuổi chậm nói - Ảnh 2
Trẻ chậm nói gia tăng do tiếp xúc với thiết bị điện tử quá nhiều.

Trao đổi với PV, Ths.Bs Đinh Thạc cho rằng, từ 2-3 tuổi là khoảng thời gian vàng để trẻ phát triển ngôn ngữ. Đối với trẻ chậm nói đơn thuần, nguyên nhân chậm nói hơn 80% do yếu tố tâm lý xã hội. Thời gian nghỉ ở nhà do dịch COVID-19, cha mẹ do bận rộn nên ít tương tác, giao tiếp với trẻ đồng thời tâm lý sợ trẻ quậy phá nên để trẻ tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử.

Theo Ths.Bs Thạc: Tiếp xúc nhiều với màn hình điện tử là cách giao tiếp thụ động, là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm nói, không phát triển ngôn ngữ. Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến cáo, trẻ trên 2 tuổi mới được tiếp xúc với thiết bị điện tử, thời lượng tiếp xúc cũng ở mức hạn chế, không quá 2 giờ đồng hồ để không ảnh hưởng đến việc phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Dấu hiệu nhận biết và cách khắc phục tình trạng chậm nói ở trẻ

 Để trẻ chậm nói có thể phát triển ngôn ngữ, Ths.Bs Đinh Thạc cho hay, vai trò của các vị phụ huynh là quan trọng nhất, bởi phụ huynh là người tiếp xúc nhiều, gần gũi với con. Phụ huynh cần dành thời gian quan sát con mình xem trẻ có những sự phát triển bình thường như những trẻ khác hay không để sớm có biện pháp can thiệp kịp thời.

 Ths.Bs Đinh Thạc nhấn mạnh về vai trò quan trọng của các vị phụ huynh đối với việc thực hiện các biện pháp kết hợp tại gia đình làm tăng khả năng nói của trẻ. Cần hạn chế cho các con tiếp xúc với các thiết bị điện tử và tăng khả năng tương tác, giao tiếp với trẻ.

Đi học sau khi nghỉ COVID-19 phát hiện tình trạng bé 2- 3 tuổi chậm nói - Ảnh 3
Bố mẹ nên tăng tương tác với trẻ qua các trò chơi.

“Nhiều bậc phụ huynh ban ngày rất bận, nhưng buổi tối có thể dành thời gian chơi với trẻ bằng các trò chơi tương tác như trốn tìm, nói chuyện, đá bóng, chơi vòng… sẽ khiến trẻ thích thú và có thể bật được âm nói. Đặc biệt, nên dạy trẻ tiếp xúc bằng mắt càng nhiều càng tốt. Việc này sẽ giúp trẻ dần dần hiểu được người lớn nói gì, thêm vào đó, trẻ muốn gì thì cha mẹ nên dạy bé chỉ những vật cần, dạy bé nói các đồ vật đó, điều này cải thiện tình trạng giao tiếp phi ngôn ngữ, tình trạng rối loạn ngôn ngữ, chậm nói ở trẻ rất hiệu quả.

Theo ThS.BS. Thạc, cha mẹ cũng cần quan tâm tới chế độ dinh dưỡng giúp phát triển thể chất, trí não của trẻ. Phát triển trí não là một quá trình phát triển liên tục từ trong bào thai cho tới khi trẻ được 2 tuổi và trong suốt giai đoạn học đường. Bên cạnh việc cung cấp đầy đủ 4 nhóm thành phần thực phẩm cơ bản như: nhóm bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin khoáng chất…, trẻ cần được bổ sung nhóm omega bởi cơ thể của trẻ không thể tự tổng hợp được chất này.

Đi học sau khi nghỉ COVID-19 phát hiện tình trạng bé 2- 3 tuổi chậm nói - Ảnh 4
Ths.Bs Lê Thị Hải - Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, Chủ tịch Chi Hội Dinh dưỡng Nhi khoa.

Dưới góc nhìn về dinh dưỡng ảnh hưởng như thế nào đến việc phát triển ngôn ngữ của trẻ, Ths.Bs Lê Thị Hải - Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, Chủ tịch Chi Hội Dinh dưỡng Nhi khoa cho biết, nhóm axit béo omega 3 – axit béo chưa no đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với não bộ.

“Việc bổ sung axit béo omega 3 ngay từ khi còn trong bụng mẹ và khi chào đời góp phần rất quan trọng trong phát triển trí não. Tôi thấy, ưu điểm nổi bật nhất của omega thực vật đó là không có mùi, không tanh, không gây kích ứng nôn trớ, dễ uống cho trẻ. Đồng thời omega thực vật rất dễ hấp thu, dễ dung nạp và đặc biệt rất an toàn với trẻ bởi không có nguy cơ nhiễm kim loại nặng, chì, thủy ngân như loại omega khác”, BS. Hải nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, chậm nói ở trẻ cần được phát hiện và can thiệp sớm bởi chậm nói sẽ dẫn tới một số kĩ năng khác cũng bị hạn chế theo như trẻ nhút nhát, không tự tin và có thể ảnh hưởng cả tới chỉ số IQ, chỉ số cảm xúc. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ phải đối mặt với nguy cơ tăng động, giảm chú ý, tư duy logic ngôn ngữ của trẻ bị hạn chế, thậm chí tự kỷ.

Box: Một số mốc phát triển ngôn ngữ ở trẻ

Từ 0-3 tháng: Độ tuổi này trẻ tự bật âm rất tự nhiên, đa số là những âm thanh vô nghĩa:  a, u, ơ…

 6 tháng tuổi: bật những âm như ba ba, bà bà…là những âm cơ bản, trẻ 6 tháng biết nhìn theo sự vật xung quanh có thể nghe và nhắc lại lời người lớn rất đơn sơ, biểu lộ cảm xúc rõ như buồn, vui, giận…

 12 tháng tuổi: Bé nói được những từ đơn giản “ba ba, bà bà, bi, bo”. Lúc này, bé có sự giao lưu với môi trường bên ngoài thông qua cử chỉ… Bé có thể nói những từ cơ bản thông qua nhu cầu của mình.

18 tháng tuổi: Vốn ngôn ngữ của trẻ tăng dần, có thể có khoảng 20 từ đơn để giao lưu với người xung quanh như: ba, bà, măm, ị, sữa… liên quan đến nhu cầu gắn bó gần của bé.

 Qua 2 tuổi thì khả năng nói của bé tốt hơn, bé có thể nói được 200 từ, 2/3 là danh từ, chưa nói được câu hoàn chỉnh, như từ đôi, ăn cơm, bà ơi, bố ơi… bé bắt đầu có khả năng tự chủ, biết gọi tên mình.

 Khi đến 3 tuổi: Cột mốc phát triển rất tự nhiên, vốn từ của bé 200 từ, bé có thể nói được những câu đơn giản như “bà ơi đi chơi”, “bố đi ngủ”, bé có thể hát, đọc lại những bài thơ có vần điệu đơn giản mà bé nghe được, đây là khoảng thời gian tốt bé giao tiếp, tiếp xúc với môi trường xung quanh.

Chuyện đi đẻ cười ra nước mắt của bà mẹ trẻ: Nhìn cái đèn nhấp nháy của điều hòa thôi mà cũng vã mồ hôi hột

Cơn đau bắt đầu dồn dập, chỉ có ngước nhìn lên trần nhà xem quạt trần quay, nhìn cái đèn nhấp nháy của điều hòa thôi mà cũng vã mồ hôi hột.

TIN MỚI NHẤT