Không ai có thể phủ nhận được sự tiện dụng và những lợi ích mà nồi áp suất mang lại, tuy nhiên, thời gian gần đây, có nhiều vụ nổ nồi áp suất do sử dụng không đúng cách đã khiến nhiều người e ngại.
- Không phải toilet, đây mới là nơi chứa vi khuẩn nhiều nhất trong nhà, chuyên gia khuyên cần vệ sinh thường xuyên để tránh 'rước' thêm bệnh vào thân
- Nồi chiên không dầu bốc cháy trên ban công và lời cảnh báo cho các gia đình
Nồi áp suất là một trong những thiết bị nấu ăn quen thuộc trong nhiều căn bếp Việt hiện nay. Đặc biệt, đối với những gia đình bận rộn, có trẻ nhỏ thì đây là một thiết bị không thể thiếu vì khả năng nấu nhanh, tiết kiệm thời gian đến mức tối đa, giữ trọn chất dinh dưỡng có trong thực phẩm.
Hiện có 2 loại nồi áp suất được sử dụng phổ biến là nồi áp suất cơ và nồi áp suất điện. Đối với nồi áp suất điện, người dùng chỉ cần thực hiện các thao tác điều chỉnh chế độ và thời gian nấu trên màn hình hoặc nút bấm. Trong khi đó, những chiếc nồi áp suất cơ cũ, thường chỉ có 1 núm xoay bằng tay để cài đặt thời gian nấu, núm xoay này có thể vặn ngược lại khi cần. Tuy nhiên hướng dẫn cài đặt thời gian này chỉ mang tính tham khảo, còn khi nấu đa phần dựa vào kinh nghiệm nấu ăn của người đứng bếp.
Với thiết kế kín giúp hơi nước không thoát ra ngoài khi đun nấu, nhiệt độ trong nồi áp suất cơ có thể lên đến 150 độ C nếu không cẩn thận sẽ rất dễ gây ra cháy nổ và bỏng hơi.
Tháng 7 vừa qua Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một người đàn ông sinh năm 1968 vào cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng, gãy xương do bị nổ nồi áp suất khi đun nấu.
Đây không phải lần đầu xảy ra các vụ tai nạn do nổ nồi áp suất cơ. Nhiều trường hợp bỏng áp suất gây chấn thương ngực, chấn thương chi thể khiến việc sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân khó khăn, thậm chí gây thương tật suốt đời.
Nồi áp suất có thể bị nổ hơi trong trường hợp như người dùng vội mở, cố cạy vung ra khi nồi chưa được xì hết hơi; các bộ phận như gioăng, ốc trong nồi sau thời gian dài sử dụng bị nhờn, bung ra; van an toàn kém chất lượng, bị kẹt, hỏng do đã dùng lâu ngày, không được vệ sinh thường xuyên nên không kiểm soát được áp suất trong nồi…
Lưu ý khi dùng nồi áp suất
Để tránh tai nạn khi sử dụng nồi áp suất cơ, các gia đình cần chú ý những quy tắc an toàn khi sử dụng thiết bị này.
Kiểm tra nồi trước khi nấu
Nhiều bà nội trợ cho đồ ăn vào là vội đóng nắp, đặt nồi lên bếp. Tuy nhiên, nếu không kiểm tra kỹ, để nắp nồi cong, vênh hoặc lượng thức ăn trong nồi không phù hợp cũng có thể dẫn tới nồi phát nổ khi sử dụng.
Không mở nắp nồi đột ngột
Sau khi nồi báo hết thời gian nấu, để an toàn, nên để áp suất trong nồi giảm tự nhiên. Tránh mở nắp nồi đột ngột, dễ xảy ra tai nạn gây bỏng hoặc nổ nồi.
Trường hợp cần tiếp thêm thức ăn vào nồi, người nội trợ nên xả van đến khi hơi hết hoàn toàn mới mở nắp. Khi mở, nên nghiêng người sang một bên để hơi nóng không ảnh hưởng đến mặt.
Chú ý lượng nước
Lượng nước trong nồi áp suất cũng ảnh hưởng đến chất lượng món ăn và tuổi thọ của sản phẩm. Lượng thức ăn không nên để quá 2/3 nồi. Với những thức ăn có nước, có thể tạo nhiều bọt khi sôi thì không nên để quá 1/2 nồi. Khi nấu, trong nồi cần có không gian để hơi nước bốc lên, không làm hư nồi. Với một số món ăn khô, người dùng cũng nên cho vào nồi nửa cốc nước để lòng nồi không bị cháy khét khi nhiệt độ lên cao.
Vệ sinh nồi áp suất thường xuyên
Cũng như các đồ dùng nhà bếp khác, nồi áp suất cần được kiểm tra chất lượng định kỳ và vệ sinh thường xuyên. Dùng khăn mềm lau các khớp nối của nồi để tránh gỉ sét. Kiểm tra van an toàn, vệ sinh nắp, gioăng để tránh xảy ra sự cố khi sử dụng.
Chú ý những loại thực phẩm không được nấu bằng nồi áp suất
Theo The Times of India, một số loại thực phẩm không bao giờ được nấu trong nồi áp suất, vì nó có thể làm hỏng hương vị và kết cấu của thức ăn, đồng thời gây hại cho nồi áp suất và có thể gây nguy hiểm trong một số trường hợp nhất định.
Các thực phẩm bà nội trợ cần chú ý không nấu trong nồi áp suất gồm các sản phẩm từ sữa, thực phẩm chiên, mì ống và mì, các loại rau, bánh và bánh nướng, trứng còn nguyên vỏ.