Khác với nồi niêu, xoong chảo, thớt là dụng cụ nhà bếp không thể rửa sạch hoàn toàn bằng nước rửa bát thông thường.
Hằng ngày, chúng ta vẫn dùng thớt để sơ chế rất nhiều loại thực phẩm khác nhau – rau củ quả, thịt, cá tươi sống – điều này khiến cho thớt trở thành vật dụng không thể thiếu trong căn bếp của mọi nhà. Chính vì lí do đó, cũng dễ hiểu tại sao việc giữ vệ sinh cho thớt lại rất quan trọng và được nghiên cứu một cách kĩ càng.
Theo một số báo cáo, người ta tìm thấy số lượng vi khuẩn có nguồn gốc từ phân cư trú ở thớt nhiều gấp đôi so với số lượng vi khuẩn đó ở bồn cầu nhà vệ sinh. Do đó, bạn phải đảm bảo chắc chắn là mình đã rửa thớt thật sạch sẽ.
Hầu hết chúng ta đều rửa thớt theo cùng cách với những vật dụng nhà bếp khác: bằng xà phòng rửa bát và nước. Tuy nhiên, đây là sai lầm lớn, bởi lẽ dù đúng là nước rửa bát có thể hiệu quả với hầu như tất cả các bề mặt khác, nó không có tác dụng cho lắm đối với việc làm sạch mặt thớt.
Nếu bạn dùng thớt thái đồ sống, việc khử trùng cho thớt lại càng quan trọng.
Stephanie C, chủ trang web Expert Home Tips giải thích rằng nước rửa bát không đủ độ tẩy rửa để có thể xuyên qua bề mặt của thớt và làm sạch kĩ càng. Điều đó có nghĩa là những vi khuẩn có hại vẫn có thể tồn tại sâu trong các vết dao để lại trên mặt thớt và khiến bạn mắc bệnh.
Thay vào đó, bạn nên dùng một thứ có độ tẩy rửa mạnh hơn. Stephanie đưa ra lời khuyên rằng: “Hãy ngâm thớt bằng nước tẩy sau mỗi lần sử dụng để đảm bảo chúng được khử trùng cẩn thận, từ đó ngăn chặn mối nguy hại từ việc lây nhiễm vi khuẩn".
Nếu bạn không có thuốc tẩy, trang web Food Network cũng khuyên dùng việc khử trùng thớt gỗ với chất oxy già 3%, bằng cách đổ lên bề mặt thớt dung dịch trên và để đó trong vài phút trước khi dùng miếng giẻ rửa bát cọ sạch. Cũng cần lưu ý rằng một nguyên tắc cơ bản là không nên dùng thớt gỗ để thái thịt sống, mà thay vào đó là dùng thớt nhựa vì chúng không dễ bị nứt như thớt gỗ. Bên cạnh đó, bạn cần thường xuyên dùng chanh kết hợp với muối để khử mùi hôi ở thớt.