Những ổ bánh 10 ngàn của cô Thu là ký ức tuổi thơ của biết bao người Hội An, dù đi xa đến đâu cũng muốn tìm về thưởng thức.
- Cần chuẩn bị gì với ngôi nhà để giảm thiểu thiệt hại khi bão Noru đổ bộ?
- Đà Nẵng cho học sinh nghỉ học, dừng họp chợ, công nhân nghỉ làm để chống bão Noru
Từ ngày được chàng trai ngoại quốc sơn sửa lớp áo mới, chiếc tủ của cô Thu bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội. Nhờ đôi bàn tay tài hoa, tủ bánh nay được họa thêm lớp sơn hoa văn bắt mắt, nổi bật giữa con phố Hội An nhộn nhịp. Hơn 1 tuần trôi qua, tiệm bánh của cô Đoàn Thị Kim Thu (66 tuổi) có phần đông đúc, tấp nập hơn mọi khi.
Nhiều vị khách ghé ngang, khen cô Thu có chiếc tủ mới đẹp, sáng sủa. Người phụ nữ 66 tuổi gật đầu cảm ơn, chỉ vào một góc trên mái che có ghi tên của anh Tây - Adam Palmeter rồi vui vẻ kể lại buổi gặp tình cờ với chàng trai ngoại quốc hôm đó: "Anh Tây tới ngồi ăn bánh mì rồi tự dưng viết gì đó qua điện thoại, đưa cho cô đọc. Trên đó ghi: Cô có đồng ý để tôi sơn lại cái tủ bánh mì không? Tôi làm miễn phí.
Cô mới gật đầu đồng ý. Anh nói tiếp, vậy mấy giờ thì làm được? Cô bảo để tầm 11 giờ, lúc đó vãn khách rồi. Sau đó ảnh đi bộ về khách sạn gần đó lấy đồ nghề ra, ngồi sơn lại hết".
Tủ bánh của cô Thu nằm ở 83 đường Hùng Vương, Hội An
Sơn sửa xong đã hơn 12 giờ trưa, cô Thu xúc động, mời anh Adam ăn chiếc bánh mì, xem như món quà thể hiện tấm lòng. Nhưng chàng Tây từ chối, hẹn bà chủ tiệm bánh ngày mai sẽ quay lại.
"Ngày đầu tiên anh đi tới ăn bánh mì. Ăn xong anh trả tiền luôn. Rồi anh đi về, 12h sơn sửa tủ xong cô mời ăn bánh mì nữa. Anh nói anh no rồi. Cô mời nước thì anh nói có chai nước rồi, anh hẹn ngày mai trở lại sẽ dùng. Đúng hôm sau thanh niên đó quay lại ăn bánh như lời hứa", cô Thu vui vẻ kể.
Chàng trai ngoại quốc ghi tên vào góc tủ bánh
"Tủ bánh 37 năm" nuôi chồng tai biến
Tiệm bánh của cô Thu bán các loại bánh mì thịt, bánh chả pate,... Bánh trứng ốp la 10 ngàn/ổ, giá tiền bao năm vẫn không thay đổi. Nếu khách muốn ăn thêm miếng chả, sẽ phải trả thêm 4 ngàn, vị chi 14 ngàn/ổ bánh. Song, món đặc biệt nhất phải kể đến "bánh mì bánh chưng". Tên gọi thì lạ, nhưng ở Hội An có rất nhiều tiệm bánh bán loại này. Trong đó "bánh mì bánh chưng" ở tiệm cô Thu được nhiều khách khen vì hương vị thơm dẻo, ăn không ngấy.
"Bánh mì bánh chưng 10 ngàn/ổ thôi. Bánh chưng cô đặt trước, sáng họ đem ra cho mình, bánh để ở ngoài rồi kẹp vào chứ không rán giòn.
Cô bán cho nhưng người khách quen thuộc, họ ăn đã 37 năm rồi, biết bao thế hệ. Có nhà đông con cháu, 4 thế hệ đều thích ăn. Họ nói bánh mì ăn no chứ không ngán, ăn được mà không bị ớn", cô Thu tự hào.
"Bánh mì bánh chưng" là món được nhiều thực khách yêu thích
Thường tiệm bánh bán từ 5 giờ sáng tới 22 giờ khuya và chỉ đông khách vào buổi sáng, trước khi nhiều người đi làm, đi học. Còn trong ngày cô Thu bán lai rai. Một ngày trung bình tiệm bán 150 ổ bánh. Cô tâm sự, làm nghề này phải chịu khó thức khuya dậy sớm để chuẩn bị hàng. Nếu ngày nào dọn sớm lúc 22 giờ, rồi chuẩn bị cho hôm sau nữa, cỡ 1 giờ sáng cô mới yên tâm đi ngủ.
"Một mình cô bán, nhưng thời gian dài lắm vì cô làm một mình, không có người phụ nên hơi lâu. Từ ngày mở tới giờ cũng không tuyển nhân viên, chỉ có xe đẩy để cố định ở trước cửa hàng nhà họ. Cô cũng không thuê mặt bằng, chừng đó thì thuê người tốn kém lắm!", cô Thu phân tích.
Khoảng chục năm trước, con trai cô Thu vừa đi học, vừa phụ mẹ bán bánh mì. Thời gian đó cô đỡ cực hơn, làm được nhiều bánh hơn. Nhưng giờ con đã lớn, đi làm và có gia đình riêng, chỉ có mình cô với tủ bánh.
Năm 2011, chồng cô Thu bị tai biến, nằm liệt giường. Số tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, trị bệnh cho chồng đều phụ thuộc vào tiền bán bánh. Dù có cực hơn nhưng người phụ nữ vẫn vui vẻ, gắn bó với nghề.
Tiệm bánh đơn sơ giúp cô Thu nuôi chồng bị tai biến
Cô Thu nói, ở Hội An có nhiều thương hiệu bánh nổi tiếng, xây chuỗi, dựng tiệm hoành tráng. Còn tủ bánh của cô đơn sơ, không có gì đặc biệt. 37 năm qua, chỉ có 3 lần cô đổi tủ. Chiếc tủ vừa được "thay áo" đã dùng được 4 năm.
"Con trai lập gia đình có thể tự lo cho cuộc sống riêng, còn thu nhập của cô ổn định thì lo cho chú. Cô bán bánh ổn định do khách ăn quen rồi, đúng khẩu vị là họ tới ăn. Còn khách lạ tới ít khi ấn tượng, vì cái tủ bánh nhìn đơn sơ lắm, lại có ít đồ vì mình chỉ chuẩn bị bán trong ngày, ngày nào hết ngày đó. Nhiều khách đi qua có khi họ ghé lại đấy nhưng rồi cũng không ăn", cô Thu trầm mặc.
Dẫu vậy, cô Thu vẫn vui vì nhiều vị khách đi xa, khi quay trở lại vẫn ghé về tiệm bánh. Bà chủ tiệm nhớ mãi những lớp học trò năm nào. Có những người đã tốt nghiệp, đi làm xa, ngày quay vẫn tới và chào cô Thu bằng tiếng gọi yêu thương.
Chị Trần Lâm Duyên, (31 tuổi, ở Hội An), trước đây từng học THPT Trần Quý Cáp. Chị vẫn bồi hồi khi nhớ về ký ức với tủ bánh cô Thu: "Lúc nhỏ mình ăn ngon lắm, đặc biệt bánh mì bánh chưng, mà giờ lớn lên rồi, rời đi không còn ở đó nữa nên lâu rồi chưa ăn lại.
Bánh của cô nhìn thì đơn sơ, nhưng không vì thế mà vị nó không ngon. Chiếc bánh có vị mộc mạc, kiểu gia vị truyền thống".