Việc có sự chuẩn bị trong nhà để đối phó với một cơn bão sắp tới là vô cùng cần thiết và có thể giảm thiểu thiệt hại cho gia đình.
- Đà Nẵng "gõ cửa" từng nhà vận động người dân sơ tán trước bão Noru
- Học sinh Quảng Nam, Quảng Ngãi nghỉ học từ ngày 27/9 để tránh bão Noru
Sắp tới đây, nước ta sẽ đón cơn bão số 4, cơn bão Noru. Cơn bão này được đánh giá là hết sức nguy hiểm và có sức phá hoại cực lớn.
Theo thông tin trên VTV, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Dự báo bão Noru là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Cường độ của bão khi ảnh hưởng ở vùng ven biển miền Trung có thể ở cấp 12 - 13, giật cấp 15 - 17.
Tờ The Guardian (Anh) cũng đưa tin, vào sáng nay (26/9), bão Noru đã bắt đầu đổ bộ vào Philippines, tấn công hòn đảo chính Luzon đông dân cư với gió cực mạnh và mưa xối xả khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.
Bão Noru đổ bộ Philippines vào hồi sáng nay 26/9.
Dự báo, bão Noru sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực miền Trung nước ta, dự kiến từ khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi, từ đêm 27/9 sang ngày 28/9.
Khi một cơn bão sắp tới, việc chúng ta cần làm là chuẩn bị thật kỹ để ứng phó với những hậu quả có thể xảy ra. Một cơn bão có thể gây mưa lũ diện rộng, giông gió, lốc xoáy đôi khi dẫn tới ngập lụt hay sạt lở nghiêm trọng.
Việc có sự chuẩn bị trong nhà là vô cùng cần thiết và có thể giảm thiểu thiệt hại cho gia đình. Bên cạnh các phương án sơ tán hay cấm người ra đường từ khi bão chuẩn bị vào đất liền tại các địa phương bị ảnh hưởng, dưới đây là một số lời khuyên về các cách đơn giản người dân có thể thực hiện với ngôi nhà của mình.
1. Với các phần của ngôi nhà
Điều đầu tiên trong việc chuẩn bị ứng phó với một cơn bão đó là kiểm tra điều kiện của các phần trong kết cấu nhà ở của bạn. Đó là cửa ra vào, cửa sổ, mái nhà, các hàng rào hay máng xả, ống thoát nước.
Với cửa sổ và cửa ra vào chính, kiểm tra xem chúng có đảm bảo hoạt động tốt hay không. Nếu các cánh cửa yếu, có dùng ván ép (có độ dày ít nhất 1,5m) đóng bít lại. Việc này để ngừa sức gió, phá vỡ các cánh cửa sổ và luồn vào nhà. Khi có bão, đảm bảo đóng tất các cửa trong nhà lại.
Bão thường gây mưa lớn và gió giật mạnh nên các loại cửa trong nhà cần đảm bảo được chắc chắn. (Ảnh minh họa)
Các máng xối, ống thoát nước có tác dụng tránh nước mưa tích tụ trên mái nhà, từ đó tránh áp lực có thể làm sụt múi, tràn nước vào nhà. Vì vậy, các máng xối, ống thoát nước cần được làm sạch để đảm bảo không bị nghẽn, tắc. Các cống thoát nước xung quanh khu vực nhà cũng nên thực hiện hoạt động tương tự để việc thoát nước được diễn ra nhanh chóng, hạn chế khả năng ngập úng.
Mái nhà và máng xối, ống thoát nước cũng nên được kiểm tra và có các biện pháp ứng phó khi gặp bão. (Ảnh minh họa)
Những gia đình sở hữu vườn cây hay có nhiều cây ban công, nên tiến hành cắt tỉa lá, cành, nhánh cây. Việc này giúp giảm nguy cơ gió quật ngã gây đổ cây, gây nguy hiểm cho các thành viên trong gia đình. Với những chậu cây nhỏ, có thể di chuyển chúng vào khu vực trong nhà.
Vườn cây hay cây ban công nên được cắt tỉa cành, nhánh tránh gió quật, cây nhỏ nên được di chuyển vào trong nhà. (Ảnh minh họa)
2. Với nội thất và các thiết bị điện tử
Những món đồ nội thất và các thiết bị điện tử nên được di chuyển khỏi khu vực gần cửa để đảm bảo an toàn, đặc biệt là các thiết bị điện tử. Với những thiết bị dễ bị hư hỏng khi gặp nước, tốt hơn hết nên lưu trữ trong những căn phòng kín không có cửa sổ hoặc kê cao hơn so với bình thường.
Nếu có những vật bắt buộc phải để ở vị trí cũ gần cửa hoặc ngoài sân, hãy neo chằng kỹ lưỡng bằng dây thừng hoặc các loại dây thép.
Vào những thời gian cao điểm khi bão đổ bộ, có mưa lớn kèm theo sấm sét hay giông lốc mạnh, tốt hơn hết hãy hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử, đặc biệt là điện thoại di động hay các thiết bị kết nối mạng.
Khi xảy ra bão kèm mưa lớn và sấm sét, tốt hơn hết nên hạn chế sử dụng thiết bị kết nối mạng. (Ảnh minh họa)
Điện cũng có thể bị cắt bất ngờ nên điện thoại di động nên được sạc đầy pin để sử dụng trong trường hợp thực sự cần thiết. Bạn cũng có thể trang bị thêm các loại đèn pin hoặc pin dự phòng.
3. Với giấy tờ và các đồ vật dễ thấm nước
Bão lớn gây mưa lớn có thể các vật dụng trong nhà dễ dàng gặp phải tình trạng thấm nước, đặc biệt là giấy tờ hay các loại quần áo, chăn mền...
Chính vì vậy, để đảm bảo cho các loại vật dụng này an toàn, cần gói, bọc chúng một cách kỹ lưỡng. Với các giấy tờ quan trọng như hợp đồng, hồ sơ, hóa đơn... nên để trong túi nhựa hoặc túi nilon, có khóa zip càng tốt. Quần áo, chăn mền dự phòng cũng nên được để vào các vali chống nước.
Bảo quản giấy tờ quan trọng trong túi nilon zip để chống thấm nước. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, Trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cũng đưa ra thêm một số cách ứng phó trong và sau khi xảy ra bão để người dân giảm thiểu rủi ro và thiệt hại. Cụ thể, người dân nên dự trữ một lượng lương thực, thực phẩm, đồ uống nhất định, thuốc men, dụng cụ y tế nhất định để sử dụng trong trường hợp cần thiết.
Trong thời gian bão xảy ra, nên hạn chế ra khỏi nhà, trú ẩn trong phòng không có cửa sổ là phương pháp tốt nhất. Nếu gia đình bạn nhận được lệnh sơ tán, hãy mang theo các đồ dùng thiết yếu và di chuyển ngay đến một nơi trú ẩn được chính quyền địa phương sắp xếp.
Theo thông tin trên VTV, hiện nay có 4 địa phương sẽ ở cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (gần cấp cao nhất). Đó là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Các tỉnh từ Quảng Bình - Bình Thuận đã rà soát phương án sơ tán 868.230 người khỏi khu vực.
Sau khi bão xảy ra, người dân cũng không được chủ quan, lơ là mà vẫn nên tiếp tục theo dõi và cập nhật tin tức, tình hình thời tiết. Nếu có công việc cần ra đường, cần chú ý đến các yếu tố dễ gây nguy hiểm như đường dây điện bị đứt, cây đổ hay nước nhiễm điện.