Bánh chưng là một nét văn hóa, ẩm thực truyền thống trong dịp Tết Nguyên Đán của người Việt. Tuy nhiên, nó lại cung cấp rất nhiều calo, dễ gây tăng cân, khó tiêu nếu bạn không chú ý khi ăn.
- 4 món ăn quen thuộc ngày Tết có thể làm đường huyết tăng vọt, chị em nhớ lưu thực đơn 5 món ăn dinh dưỡng hơn sau đây
- Người bệnh đái tháo đường có nên ăn bánh chưng không, cần lưu ý gì?
Từ lâu, bánh chưng đã trở thành thứ không thể thiếu trong dịp Tết của các gia đình Việt. Bất kể là ở đâu, dù đang sinh sống trên đất nước hình chữ S hay ở những phương trời khác, chỉ cần thấy bánh chưng là chúng ta sẽ thấy ngay được không khí của ngày Tết truyền thống. Sẽ thật thiếu sót nếu ngày Tết mà không được thưởng thức một miếng bánh chưng cùng đôi ba miếng hành muối, chỉ có vậy mà ngon và bắt miệng đến lạ.
Bánh chưng thường được làm từ gạo nếp trắng, đậu xanh, thịt lợn rồi cuộn trong tàu lá rong, đem luộc chín. Tất cả nguyên liệu được hòa quyện lại với nhau đem đến hương vị vô cùng hấp dẫn, đặc trưng cho ngày Tết cổ truyền của nước ta.
Tuy nhiên, nhiều người lại lo sợ rằng ăn bánh chưng có thể gây tăng cân. Thực tế, theo ThS. BS Nguyễn Phương Anh, giảng viên bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, "ăn bánh chưng được nấu bằng nếp trắng sẽ dễ gây tăng cân, tuy nhiên, tăng cân ở đây là do chúng ta ăn bánh chưng là một loại thực phẩm chứa nhiều năng lượng. Bất kỳ thực phẩm nào cũng vậy, khi nó chứa nhiều chất sinh năng lượng như tinh bột, chất đạm, chất béo… thì đều dễ gây tăng cân, không phải đơn thuần do thực phẩm chứa nhiều tinh bột thì dễ gây tăng cân".
TS. BS. Hoàng Minh Đức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: "Trong 100g bánh chưng có 181kcal, 4.3g chất đạm, 4.2g chất béo, 31.6g chất bột đường, 0.6g chất xơ, 26g canxi, 0.94g sắt và 1.4g kẽm. Nếu ăn khoảng 1/4 chiếc bánh chưng cỡ vừa thì cơ thể bạn đang hấp thụ khoảng 500kcal, tương đương 2 bát cơm cỡ vừa".
Do đó, muốn ăn bánh chưng mà không sợ tăng cân thì nhất định phải có "bí quyết".
4 lưu ý khi ăn bánh chưng để không sợ tăng cân
1. Chỉ nên ăn 1/8 chiếc bánh chưng
"Muốn ăn bánh chưng mà không gây tăng cân thì chúng ta cần kiểm soát được năng lượng nạp vào", ThS. Phương Anh nhận định. "1/8 chiếc bánh chưng cỡ vừa có khoảng 300kcal, tương đương 1 bát (chén) cơm với một lượng thức ăn vừa đủ. Do đó, nếu chúng ta lỡ ăn 1 góc 8 bánh chưng thì nên giảm bớt 1 bát cơm".
Đồng quan điểm, TS. Đức nói thêm: "Để ăn bánh chưng không gây tăng cân, mỗi bữa ở 1 người trưởng thành, chúng ta chỉ nên ăn 1/8 chiếc bánh chưng, nhiều nhất là 1/4 chiếc bánh chưng sau đó dừng lại, không ăn thêm thịt, các thức ăn nhiều tinh bột khác nữa".
2. Chọn thời điểm ăn bánh chưng
Theo TS. Đức, cũng phải lưu ý thời điểm ăn, cách ăn: bánh chưng nhiều năng lượng nên ăn vào buổi sáng, buổi trưa, không nên ăn vào buổi tối.
3. Hạn chế ăn bánh chưng rán
"Bánh chưng bản thân là 1 thực phẩm rất giàu năng lượng nên chúng ta không nên “tạo thêm” năng lượng cho nó. Một số người ăn bánh chưng được vài đầu cảm thấy ngán và bắt đầu thay đổi cách ăn bằng cách chiên (rán) bánh chưng. Việc làm này vô tình đã thêm “một lượng kha khá” chất béo vào bánh chưng", ThS. Phương Anh nhắc nhở.
4. Chọn thực phẩm khi ăn kèm bánh chưng
ThS. Phương Anh cũng lưu ý rằng: "Khi ăn bánh chưng chúng ta không nên kết hợp thêm những món vốn dĩ đã giàu năng lượng nữa, chẳng hạn như giò xào, chân giò heo…".
Thay vào đó, "nên ăn bánh chưng kèm các món ăn giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất như dưa hành, trái cây, rau xanh để cân đối tỉ lệ dinh dưỡng, giúp chuyển hóa tinh bột nhanh hơn, giảm tích lũy mỡ", TS. Đức chia sẻ. "Những người bị thừa cân, béo phì thì nên hạn chế ăn bánh chưng, người có tiền sử gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ hoặc có tiền sử dễ tăng cân, bệnh lý về tim mạch cũng nên cân nhắc vấn đề ăn nhiều bánh chưng trong ngày Tết".