Thông thường cúm A ở trẻ xảy ra ở thể nhẹ, có thể được chữa khỏi thông qua các biện pháp điều trị phù hợp tại nhà. Tuy nhiên, có khoảng 10% bệnh có diễn tiến nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Hàng chục học sinh nhập viện cấp cứu sau khi ăn thạch "lạ" của người phụ nữ cho ở cổng trường
- Bé hai tuổi tử vong vì nhiễm virus bồ câu sau 27 ngày nhập viện
Theo thông tin từ Sức khoẻ Đời sống, trẻ mắc cúm A nhập viện với các triệu chứng như sốt cao, ho nhiều, uống thuốc không hạ sốt, chảy dịch mũi nhiều, mệt mỏi, ăn uống kém, một số trẻ xuất hiện cơn co giật khi sốt cao. Cũng theo các bác sĩ thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho cúm A phát triển, vì vậy cha mẹ cần lưu ý khi trẻ bị sốt cao.
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus, có khả năng lây nhiễm cao và tốc độ lây lan nhanh trong cộng đồng. Trẻ nhỏ dễ bị nhiễm bệnh do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện.
Bệnh thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa, thường vào mùa đông xuân với các chủng phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9 gây nên.
Trẻ bị cúm A có lây không?
Bệnh cúm A rất dễ lây lan. Nghiên cứu cho thấy các chủng virus cúm A có thể tồn tại khá lâu ở môi trường bên ngoài cơ thể. Chúng có thể tồn tại đến 48 giờ ở các bề mặt ở nhiệt độ thường, ít nhất 35 ngày trong môi trường 4 độ C và vài năm ở trạng thái đóng băng. Hơn nữa, khi gặp điều kiện thuận lợi, virus cúm A có thể biến đổi kháng nguyên tạo nên chủng cúm A mới.
Cúm A lây lan chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, họng hay các giọt bắn có chứa virus khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện,… Ngoài ra, trẻ có thể mắc bệnh khi tiếp xúc với các bề mặt có chứa virus gây bệnh. Vì vậy, bệnh có tốc độ lây lan cực nhanh, có thể tạo bùng phát thành dịch.
Các đối tượng dễ mắc bệnh cúm A
- Trẻ em dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 2 tuổi.
- Trẻ thường xuyên đến các khu vực đông người, có chứa mầm bệnh như trường mầm non, nhà trẻ,…
- Trẻ mắc các bệnh lý mãn tính như bệnh về đường hô hấp, tim mạch, thần kinh, thận, béo phì…
- Trẻ mắc bệnh bẩm sinh.
- Trẻ có hệ miễn dịch suy giảm.
- Trẻ chưa tiêm phòng vaccine ngừa cúm.
Trẻ con bị cúm A có nguy hiểm không?
Bệnh cúm A không chỉ là một bệnh lý có khả năng lây lan và diễn tiến nhanh chóng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho trẻ. Đặc biệt, cúm A có thể gây tử vong trực tiếp ở trẻ. Một số trường hợp, virus cúm A không gây tổn thương nghiêm trọng nhưng nó tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn khác xâm nhập.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính hàng năm có khoảng 5 – 10 % người lớn và 20 – 30% trẻ em trên toàn thế giới mắc bệnh cúm A hoặc cúm B. Trung bình mỗi đợt dịch cúm có khoảng 3 – 5 triệu ca có chuyển biến nặng cần được hỗ trợ tích cực từ y tế và 290 – 650 ngàn trường hợp tử vong.
Biến chứng cúm A ở trẻ
Thông thường cúm A ở trẻ xảy ra ở thể nhẹ, có thể được chữa khỏi thông qua các biện pháp điều trị phù hợp tại nhà. Tuy nhiên, có khoảng 10% bệnh có diễn tiến nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, điển hình như:
- Viêm phổi
- Viêm tai giữa
- Viêm cơ tim
- Viêm não
- Hen phế quản kịch phát
- Tử vong
Do đó, trẻ bị cúm A cần được phát hiện sớm, theo dõi cẩn thận các biểu hiện và tình hình sức khỏe nhằm đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có bất thường.
Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.