Chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà đúng cách nhất

Chăm sóc con 29/07/2018 13:15

Điều quan trọng nhất khi chăm sóc trẻ bị sốt là mẹ cần đảm bảo bé uống nước đầy đủ để bé không bị mất nước. Đồng thời phải thường xuyên theo dõi tình trạng để hạ sốt kịp thời.

MỤC LỤC

1. Trẻ bao nhiêu độ gọi là sốt?

2. Dấu hiệu trẻ bị sốt

3. Nguyên nhân trẻ bị sốt

4. Chăm sóc trẻ bị sốt

Sốt là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến bố mẹ phải đưa bé đi bác sĩ. Hầu hết các trường hợp sốt đều lành tính nếu được điều trị kịp thời.

Trong thực tế, sốt là phản ứng cơ thể bé tự vệ giúp tăng cường hệ miễn dịch để chống lại các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, sốt cũng khiến cho bé khó chịu, mệt mỏi, biếng ăn và mất nước nước. Ngoài ra, các trường hợp sốt cao có thể dẫn tới co giật gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy bố mẹ cần nằm lòng dấu hiệu, nguyên nhân, cách chăm sóc trẻ bị sốt để đảm bảo sức khỏe cho bé.

1. Trẻ bao nhiêu độ gọi là sốt?

Thông thường, nhiệt độ trung bình của cơ thể bé là 37 độ C. Trong ngày thân nhiệt của bé có thể tăng dần từ 36,3 độ C vào buổi sáng đến 37,6 độ C vào chiều tối. Nhiệt độ cơ thể bé có thể thay đổi do các nhân tố bên ngoài như môi trường nóng bức, bé mặc nhiều quần áo ấm, bé vừa tập thể dục xong. Để biết bé có bị sốt không thì bố mẹ cần sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ cho bé.

Chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà đúng cách nhất - Ảnh 1
Để xác định bé bị sốt mẹ cần đo nhiệt độ cho bé. (Ảnh minh họa)

Theo hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa thì bé được gọi là sốt khi:

- Nhiệt độ đo được ở hậu môn cao hơn 38 độ C.

- Nhiệt độ đo được ở miệng cao hơn 37,8 độ C.

- Nhiệt độ đo được ở nách cao hơn 37 độ C.

- Nhiệt độ đo được ở tai cao hơn 37,8 độ C.

Mẹ lưu ý với bé sơ sinh mẹ nên sử dụng nhiệt kế điện tử để đo nhiệt độ ở nách là chính xác nhất. Đối với bé từ 3-5 tháng tuổi mẹ có thể đo nhiệt độ ở nách hoặc tai. Đối với bé lớn hơn thì đo nhiệt độ ở nách sẽ chính xác hơn.

2. Dấu hiệu trẻ bị sốt

Sốt có thể diễn biến xấu rất nhanh vì vậy bố mẹ cần sớm phát hiện bệnh để chữa trị kịp thời cho bé. Để chăm sóc trẻ bị sốt, mẹ cần biết các dấu hiệu trẻ bị sốt sau:

- Nhiệt độ đo được ở nách cao hơn 37 độ C.

- Bé mệt mỏi, ngủ li bì.

- Bé biếng ăn, ăn không ngon miệng.

- Bé quấy khóc, dễ nổi cáu.

- Bé thở gấp.

3. Nguyên nhân trẻ bị sốt

Do hệ thống miễn dịch của bé còn yếu nên có thể bị nhiễm các bệnh khác nhau gây ra sốt. Sau đây là những nguyên nhân phổ biến khiến bé bị sốt:

- Sốt do nhiễm siêu vi: Đây là nguyên nhân gây sốt phổ biến nhất ở trẻ em. Bé thường khỏi bệnh sau 7 ngày. Sốt siêu vi có nhiều loại khác nhau nhưng nguy hiểm nhất là sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, sởi, thủy đậu.

- Sốt do nhiễm trùng: Bé có thể bị sốt khi bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính như viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng, viêm tai giữa, viêm amidan. Ngoài ra nhiễm trùng đường tiêu hóa như tả, kiết lị, thương hàn… cũng có thể gây sốt. Đặc biệt sốt có thể là dấu hiệu của một số bệnh nhiễm trùng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, viêm màng não mô cầu. Vì vậy khi bé bị sốt, bố mẹ không nên chủ quan.

- Sốt do tiêm chủng: Một số bé có thể bị sốt sau khi tiêm phòng.

Chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà đúng cách nhất - Ảnh 2
Mọc răng cũng là nguyên nhân gây sốt ở trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa)

- Sốt do mọc răng: Mọc răng cũng có thể khiến bé bị sốt. Dấu hiệu mọc răng bao gồm chảy rãi, hay cắn, lợi sưng đỏ.

- Sốt do mặc nhiều quần áo: Do bé còn nhỏ nên cơ thể chưa điều hòa thân nhiệt tốt như người lớn. Vì vậy khi bố mẹ mặc quá nhiều quần áo cho bé cũng có thể khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao.

4. Chăm sóc trẻ bị sốt

Khi bé bị sốt, đầu tiên bố mẹ cần xác định đúng nguyên nhân gây bệnh để chữa trị đúng cách. Trong những trường hợp cần thiết nên đưa bé đi khám bác sĩ để được khám chữa cụ thể. Ngoài ra, các bậc phụ huynh có thể chăm sóc bé bị sốt tại nhà theo các phương pháp sau:

- Uống nhiều chất lỏng: Khi bé bị sốt, cơ thể bị mất nước vì vậy mẹ cần cho bé uống nhiều chất lỏng nhiều hơn bình thường để bù nước. Với bé đang bú mẹ thì mẹ nên tăng cữ bú để đảm bảo bé không bị mất nước.

Chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà đúng cách nhất - Ảnh 3
Mẹ nên cho bé uống thuốc theo kê đơn bác sĩ. (Ảnh minh họa)

- Uống thuốc hạ sốt: Khi bé sốt trên 38 độ C, mẹ có thể cho bé uống thuốc hạ sốt. Mẹ nên cho bé uống thuốc theo đơn của bác sĩ và tuân thủ đúng liều lượng, thời gian sử dụng thuốc.

- Chườm ấm: Chườm ấm là một trong những cách hiệu quả để giúp hạ sốt nhanh chóng. Mẹ chuẩn bị một chậu nước ấm và 5 chiếc khăn mềm. Sau đó mẹ nhúng khăn vào chậu nước và vắt nhẹ. Sau đó mẹ kẹp 2 chiếc vào bẹn, 2 chiếc vào nách và 1 chiếc lau khắp cơ thể bé. Sau 1 đến 2 phút lại nhúng khăn vào chậu và lau cho bé. Khi nước lạnh thì mẹ cần thêm nước nóng để đảm bảo độ ấm của nước. Mẹ lau cho bé khoảng 10 đến 15 phút. Sau đó mẹ lau khô người và mặc quần áo thoáng mát cho bé. Lưu ý khi lau người nhiệt độ trong phòng không nên quá lạnh vì có thể khiến bé bị nhiễm lạnh.

- Cho bé ăn thực phẩm mềm, giàu dinh dưỡng: Thực đơn cho bé bị sốt cần phong phú, đa dạng cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Mẹ cho bé ăn các loại thức ăn giàu đạm, vitamin và khoáng chất. Mẹ nên nấu dạng lỏng, mềm như cháo, súp, canh, ninh nhừ để bé dễ ăn. Khi được cung cấp đủ năng lượng, cơ thể bé sẽ chống lại tác nhân gây bệnh tốt hơn.

- Tăng cường rau, củ, quả: Các loại rau xanh, trái cây có nhiều vitamin giúp tăng cường hệ miễn dịch cho bé giúp bé nhanh khỏi bệnh.

Hiểu đúng việc tiêm nhắc các loại vắc-xin cho trẻ

Tiêm nhắc vắc-xin sẽ giúp hệ miễn dịch tái sản xuất lượng kháng thể mà trước đó đã được tạo ra sau đợt chủng ngừa cơ bản đầu tiên cho trẻ.

TIN MỚI NHẤT