Trẻ nhỏ thường hay quấy và không nghe lời để cho trẻ chơi ngoan bố mẹ thường để cho bé chơi điện thoại. Nhưng lại rất coi nhẹ các tác hại mà điện thoại gây ra cho trẻ.
- Tưởng chỉ bị đau chân bình thường, ai ngờ bé 10 tháng tuổi mắc phải căn bệnh lạ ở trẻ em
- Lở miệng ở trẻ nhỏ
Nuông chiều con cháu hoặc để cho “rãnh nợ” nhiều bậc phụ huynh đang dùng điện thoại thông minh và tivi như một công cụ dụ ngọt. Hậu quả nhãn tiền của việc lạm dụng trên đã khiến nhiều trẻ bị Hội chứng TIC co cơ mặt, giật mắt, méo miệng…
Người lớn làm hại con trẻ
Gần đây trang cá nhân Facebook của một người mẹ trẻ Phan Hồng Th. ngụ tại Kiên Giang đã thu hút rất nhiều người truy cập bởi những thông tin cảnh báo khiến các bậc phụ huynh “giật mình”. Người mẹ trẻ chia sẻ, chị đã cho cậu con trai S.B. (4 tuổi) xem điện thoại và tivi nhiều năm qua mỗi khi con “quậy” để bé không làm phiền mình và mọi người.
Gần đây, cậu bé có những biểu hiện bất thường như nháy mắt liên tục, nhíu mũi thường xuyên, cơ mặt giật mỗi khi xem tivi hoặc điện thoại. “Lúc đầu mình cứ nghĩ con đùa dai nên mình la, thậm chí đánh con vì sợ con thành thói quen xấu khó bỏ. Nhưng càng là mắng thì những biểu hiện đó của bé càng tồi tệ hơn”. Đưa con đến bệnh viện kiểm tra, người mẹ trẻ đã ân hận khi bác sĩ cho biết bé bị Hội chứng TIC do thường xuyên bị căng thẳng từ việc xem điện thoại, tivi quá nhiều.
Mở rộng tìm hiểu thông tin về hội chứng trên, những hậu quả nhãn tiền khi cho trẻ chơi điện thoại, xem tivi đang được bác sĩ ghi nhận ngày càng nhiều. Chỉ tính riêng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 5 đến 7 ca liên quan tới Hội chứng TIC. Chưa có con số thống kê chi tiết, nhưng bác sĩ khẳng định trong những năm gần đây, hàng loạt trẻ mắc hội chứng này đã phải can thiệp chuyên môn.
Trường hợp điển hình nhất là bé gái B.T.H. (10 tuổi) bị cận thị bẩm sinh, khoảng 3 tháng qua phụ huynh cũng ghi nhận những bất thường của bé như máy giật ở mắt, dù đã làm nhiều cách nhưng không hết giật. Đến bác sĩ khám mắt thì không ghi nhận bệnh lý liên quan, khi vào Bệnh viện Nhi Đồng kiểm tra, cha mẹ của bé mới hay con bị hội chứng TIC do “nghiện” điện thoại bởi chính sự thờ ơ của mình.
Phải “cai nghiện” ngay cho trẻ
Phân tích chuyên môn của BS Nguyễn Quang Vinh, khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 chỉ ra: Hội chứng TIC là một dạng rối loạn về chức năng, biểu hiện ở dạng giật cơ nhưng trẻ không kiểm soát được. Nếu co giật do bệnh lý là toàn khối cơ tham gia thì giật cơ ở Hội chứng TIC chỉ có một nhóm cơ, như cơ mắt, cơ miệng, cơ vai, cơ bụng tham gia.
Hội chứng TIC không di truyền, không gây nguy hiểm cho bệnh nhi. Nhóm trẻ từ 4 – 10 tuổi thường dễ mắc, tỷ lệ bé trai mắc nhiều hơn bé gái. Hội chứng này được phân ra làm 3 nhóm gồm: vận động, âm thanh, hoặc hỗn hợp giữa âm thanh và vận động. Một vài trường hợp TIC liên quan tới thực thể như bệnh nhi bị viêm kết mạc, viêm xoang, do đau thần kinh ở mặt hoặc tổn thương màng não (u màng não). Để tránh bỏ sót bệnh, bác sĩ các khoa tai mũi họng, răng hàm mặt…nên thăm khám, loại trừ tổn thương.
Khởi phát Hội chứng TIC có liên quan nhiều đến sự căng thẳng. Vì vậy, phụ huynh hoặc thầy cô giáo nếu không biết về hội chứng này sẽ nghĩ trẻ đang cố tình “gây hấn” dẫn đến những nhắc nhở, răn đe thậm chí là đánh đòn con trẻ. Cách xử lý trên chẳng những không mang lại tác dụng mà còn khiến trẻ thêm căng thẳng, biểu hiện của hội chứng càng gia tăng.
Hội chứng TIC ngày càng xuất hiện nhiều ở nhóm trẻ “nghiện” xem tivi, chơi smartphone. Theo BS Quang Vinh, smartphone thường có màn hình nhỏ, khi chơi game hay xem hoạt hình, mắt của trẻ phải điều tiết quá độ, nhãn cầu đong đưa liên tục, cơ mắt, cơ mặt, cổ, vai hoạt động không ngừng nghỉ dẫn tới cơ bị mỏi mệt. Các tần số của hình ảnh hiện thị trên màn ảnh cộng hưởng với hoạt động của não có thể là nguyên nhân khởi phát, hoặc tái phát hội chứng TIC ở trẻ.
Hiện chưa có nghiên cứu nào chỉ ra những nguy hiểm của Hội chứng TIC đến sinh mạng của trẻ, nhưng nếu không chữa trị sớm thì tình trạng co cơ mặt, giật mắt, miệng liên tục sẽ trở thành tật xấu ở trẻ. Với những bệnh nhi mắc Hội chứng TIC nặng, các bác sĩ sẽ buộc phải sử dụng đến thuốc an thần, việc điều trị bằng thuốc nếu kéo dài có thể dẫn đến những ức chế thần kinh ảnh hưởng tới trí não.
Để tránh nguy cơ mắc Hội chứng TIC cho trẻ, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng không nên đưa trẻ vào những môi trường tạo sự căng thẳng như chơi game, xem phim trên điện thoại hoặc tivi quá nhiều. Những trẻ không may đã mắc hội chứng này, phụ huynh phải thực hiện ngay các biện pháp để “cai nghiện” tivi, điện thoại cho trẻ. Phụ huynh, thầy cô phải hạn chế đến mức tối đa tất cả những căng thẳng liên quan khác có thể tác động đến trẻ, cần tạo cho trẻ môi trường sống thân thiện, gần gũi với thiên nhiên.
Các cách giúp cai nghiện điện thoại cho trẻ:
Cha mẹ cần làm gương trước con cái
Muốn bé hạn chế dùng điện thoại và máy tính bảng thì trước tiên bạn cần phải làm gương đã. Hãy hứa với bản thân chỉ sử dụng chúng khi có công việc hoặc khi đã ngồi vào bàn làm việc. Khi cả gia đình sinh hoạt cùng nhau như ăn cơm hay xem ti vi, cha mẹ hãy cùng bàn luận và hỏi han đến con. Nếu có thời gian rảnh, bạn hãy dắt con đi chơi ở ngoài hoặc cùng con chơi các trò rèn luyện trí tuệ và khả năng sáng tạo.
Quản lý giờ giấc con sử dụng điện thoại
Để cai nghiện điện thoại cho trẻ, bạn không nhất thiết phải cắt đứt ngay việc cho bé đụng tới chúng. Bạn có thể cho trẻ mượn để chơi game chừng 15 phút rồi lấy lại, không cho trẻ cầm điện thoại vào phòng riêng để qua đêm, tắt wifi khi đi ngủ để trẻ có lén lấy điện thoại cũng không có mạng để truy cập.
Cho con tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa
Ngoài những giờ học, cha mẹ nên đưa con đi chơi ngoài trời vào mỗi dịp cuối tuần, hoặc cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa, từ thiện ở trường, lớp cùng bạn bè. Việc này sẽ giúp ích không nhỏ trong việc cai nghiện điện thoại cho trẻ. Bé giao tiếp và chơi đùa cùng bạn bè sẽ quên dần việc phải sử dụng các thiết bị công nghệ, cảm thấy mình thoải mái và có ích hơn trong xã hội.