Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã chuyển đơn của con trai bà Nguyễn Phương Hằng tố giác ông Huỳnh Uy Dũng đến Công an TPHCM để giải quyết theo thẩm quyền.
Theo thông tin từ báo Công an TP.HCM, ngày 18/7, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã chuyển đơn của ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai bà Nguyễn Phương Hằng) có nội dung tố giác ông Huỳnh Uy Dũng (là chồng bà Nguyễn Phương Hằng) đến Cơ quan CSĐT Công an TPHCM để giải quyết theo thẩm quyền.
Vài tháng trở lại đây, ông Tuấn đã có đơn gửi đến các cơ quan chức năng kiến nghị khởi tố đối với ông Dũng có vai trò đồng phạm với bà Hằng. Ông Tuấn cho rằng, ông Dũng là người có vai trò cầm đầu, tổ chức cùng thực hiện hành vi, có dấu hiệu đồng phạm giúp sức về vật chất, tinh thần với bà Hằng xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Ông Tuấn cũng cho rằng 3 trợ lý hỗ trợ, giúp bà Hằng đã bị khởi tố và ông Dũng có dấu hiệu đồng phạm.
Tháng 5/2023 vừa qua, TAND TPHCM đã thông tin về lịch xét xử bị can Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của bị can Hằng), Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty CP Đại Nam), Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam), Đặng Anh Quân (TS Luật, giảng viên Trường Đại học Luật TPHCM) cùng về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
TAND TPHCM cho biết, trên mạng xã hội truyền thông và báo chí xuất hiện thông tin lịch xét xử bị can Nguyễn Phương Hằng cùng 4 đồng phạm vào ngày 01/6/2023. TAND TPHCM dự kiến kế hoạch xét xử từ ngày 1 đến ngày 5/6, quyết định xét xử chưa được tống đạt cho bị cáo và người tham gia tố tụng.
Do thời gian dự kiến xét xử trùng với kế hoạch xét xử của nhiều vụ án đã lên lịch trước đó; ngoài ra vụ án có nhiều luật sư tham gia chưa được tiếp cận hồ sơ nên kế hoạch dự kiến xét xử có thay đổi. TAND TPHCM sẽ có kế hoạch xét xử chính thức và tống đạt quyết định xét xử theo đúng quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự.
Liên quan đến kiến nghị khởi tố ông Huỳnh Uy Dũng của con trai bà Phương Hằng, dẫn tin từ báo Kinh tế đô thị, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, dưới góc độ pháp lý, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền trình báo tố giác tội phạm khi có căn cứ cho rằng có tổ chức, cá nhân khác đã có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự.
Hành vi này xâm phạm đến trật tự công cộng, đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân hoặc chính bản thân người tố giác bị xâm phạm thì người đó có quyền trình báo tố giác tội phạm bằng hình thức gửi đơn thư. Theo đó, đơn thư tố giác tội phạm sẽ được gửi tới Cơ quan Cảnh sát điều tra nơi sự việc đó xảy ra.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi trong sự việc nêu trên có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ thụ lý tin báo vào sổ thụ lý tin báo và thông báo cho VKSND cùng cấp, đồng thời ra quyết định thụ lý tin báo, ra quyết định phân công điều tra viên và tiến hành điều tra, xác minh theo quy định pháp luật. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn xác minh tin báo tố giác tội phạm và có thể kéo dài, diễn ra trong 4 tháng.
Như vậy, sau khi nhận được đơn tố giác của ông Nguyễn Quang Tuấn, cơ quan tố tụng sẽ tiến hành giải quyết tố giác theo trình tự, thời gian quy định nêu trên. Sau khi có kết luận điều tra, xác minh đơn tố giác thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự đối với người bị tố giác.
Phân tích về tính đồng phạm, luật sư Diệp Năng Bình cho biết thêm, theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
Về mặt khách quan, đồng phạm là phải có từ hai người trở lên tham gia cùng một tội phạm. Nếu thiếu yếu tố này thì không có đồng phạm, nếu chỉ có một người phạm tội thì không thể là đồng phạm. Về mặt chủ quan, những người đồng phạm thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Với hành vi được ông Tuấn nêu trong đơn tố cáo như: “Những lời nói rất thật; thách thức người khác sao kê; cho sử dụng trường đua, hô hào, vỗ tay khi xem đua chó có đặt tên người bị xúc phạm…” và các clip thể hiện trong trường hợp này có thể được xem là hành vi giúp sức, cổ vũ tinh thần và có thể được coi là đồng phạm. Nhưng, kết quả như thế nào còn phải tùy thuộc vào cơ quan điều tra.