Dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, số ca mắc mới có xu hướng giảm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn chưa thể công bố hết dịch.
Theo Bộ Y tế, số ca >Covid-19 mắc mới có xu hướng giảm, trung bình khoảng 500 ca/ngày. Thậm chí, ngày 24/10 chỉ ghi nhận 158 ca, là số ca mắc thấp nhất trong vòng hơn 1,5 năm qua (kể từ tháng 4/2021).
Số ca Covid-19 tử vong cũng rải rác và chủ yếu ở các bệnh nhân lớn tuổi có bệnh nền nặng. Mặc dịch giảm sâu nhưng Việt Nam chưa công bố hết dịch.
Số ca mắc Covid-19 thời gian gần đây có xu hướng giảm (Ảnh minh họa)
Lý do chưa thể công bố kết thúc >dịch Covid-19
Trước tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, mới đây nhất PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam chia sẻ với báo chí cho rằng, chưa nên công bố hết dịch.
PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích, hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn đánh giá Covid-19 là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp. Trên thế giới, dịch bệnh này vẫn rất phức tạp, khó lường và có thể xuất hiện biến chủng khó dự báo.
Thứ hai, trường hợp xảy ra tình huống xuất hiện biến chủng nCoV mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc giảm miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên. Lúc này, dịch có nguy cơ bùng phát, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Thứ ba, hiện nay chúng ta ghi nhận số ca mắc, ca nặng giảm mạnh nhưng điều này là do hiệu lực của vắc xin Covid-19. Sau 4 - 6 tháng, vắc xin giảm hiệu lực lúc này Covid-19 vẫn là một nỗi lo hiện hữu.
Tương tự, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Y tế Dự phòng cho rằng, nếu tuyên bố hết đại dịch Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn.
GS.TS Phan Trọng Lân đánh giá, khi công bố hết dịch việc huy động chính quyền các cấp, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân tham gia phòng chống dịch sẽ không còn được quan tâm đúng mức.
Như vậy, người dân có thể có tâm lý chủ quan, lơ là. Việc kích hoạt áp dụng trở lại các biện pháp hành chính, xã hội khi cần sẽ bị động. Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, virus SARS-CoV-2 liên tục có sự biến đổi với các biến thể mới,…
“Nới lỏng nhưng không buông lỏng”
PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, Việt Nam cần đánh giá nguy cơ, tình hình dịch và nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó.
Bởi vì khi không đánh giá đúng nguy cơ, đáp ứng không tới sẽ không kiểm soát được dịch bệnh. Ngược lại, đánh giá nguy cơ thái quá dẫn tới đáp ứng thái quá gây ra tốn kém, ảnh hưởng kinh tế, an sinh xã hội của người dân.
TS Trần Đắc Phu nhận định, số ca Covid-19 được Bộ Y tế công bố hàng ngày hiện nay giảm khá mạnh nhưng có thể không phải con số thực tế.
Người dân đã không "coi trọng" việc mắc Covid-19 nên không khai báo, hoặc khi mắc Covid-19 với triệu chứng nhẹ cũng chỉ coi là "cảm cúm" nên không để ý.
"Chúng ta đã đề ra các biện pháp phòng dịch Covid-19 nới lỏng hơn trước rất nhiều. Cụ thể như thông điệp 2K + được thay thế thông điệp 5K trước đây. Những sự thay đổi này phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Quan điểm chống dịch hiện nay là nới lỏng nhưng không buông lỏng. Đồng thời không quên việc phòng chống các dịch bệnh khác", PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, chia sẻ, dù chưa thể công bố hết dịch nhưng cũng cần điều chỉnh hướng chống dịch, phù hợp với tình hình hiện tại.
“Áp dụng các biện pháp phòng ngừa với bệnh lây theo đường hô hấp, không thể lơ là. Người mắc bệnh vẫn phải điều trị, cách ly, mang khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người… Đặc biệt, vẫn phải tập trung bảo vệ người nguy cơ cao”, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nhấn mạnh.
Nhận định về xu hướng dịch thời gian sắp tới, TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng Covid-19 vẫn tồn tại trong nhiều năm, chúng ta tăng cường giám sát các biến chủng mới của virus.
“Ngoài Covid-19, các dịch khác như cúm, sốt xuất huyết… vẫn phải chú trọng phòng ngừa, để tránh nguy cơ “dịch chồng dịch” gây khó khăn cho ngành y tế”, TS Nguyễn Việt Hùng nói thêm.