Bệnh cúm gia cầm lây sang người nguy hiểm thế nào?

Tin y tế 22/10/2022 18:27

Sau 8 năm, Việt Nam tái xuất trường hợp mắc cúm gia cầm A/H5. Vậy bệnh cúm gia cầm lây sang người nguy hiểm thế nào?

Cúm A/H5 nguy hiểm thế nào?

Theo các chuyên gia y tế, bệnh cúm gia cầm lây sang người A/H5 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus cúm A/H5 gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh cho người.

Nếu chẳng may bị nhiễm cúm A/H5, người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu giống như cúm thường như:

- Ho

- Tiêu chảy

- Khó thở

- Sốt trên 38 độ C

- Đau đầu

- Đau cơ

- Khó chịu

- Sổ mũi

- Viêm họng

Bệnh cúm gia cầm lây sang người nguy hiểm thế nào? - Ảnh 1

Cúm gia cầm A/H5 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ảnh minh họa

 

Cần lưu ý, nếu sau khi ăn thịt gia cầm, nhất là gia cầm bệnh mà xuất hiện các triệu chứng trên, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám.

Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, người bị cúm A/H5 có thể gặp phải một số biến chứng nguy hiểm như:

- Nhiễm trùng huyết (một phản ứng viêm có thể gây tử vong đối với vi khuẩn và vi trùng khác)

- Viêm phổi

- Suy nội tạng

- Suy hô hấp cấp tính

Cách phòng ngừa cúm A/H5

Để phòng ngừa cúm A/H5, ngành y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Trước đó, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã có báo cáo về ca mắc cúm A/H5 trên địa bàn tỉnh. Đó là một bệnh nhi nữ (4 tuổi, địa chỉ tại Khu 10 xã Đông Thành, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ). 

Được biết, ngày 5/10, bệnh nhi xuất hiện ho, sốt, gia đình tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ. 

Ngày 7/10, bệnh nhi xuất hiện mệt mỏi, da vàng, mắt vàng, nôn nhiều, gia đình đưa bệnh nhi đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba khám và được chẩn đoán: Suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân. Bệnh nhi được chuyển tuyến lên BV Sản Nhi Phú Thọ. 

Tại đây, trẻ được thăm khám khám và cũng được chẩn đoán: Suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân. 

Ngày 8/10, bệnh nhi được chuyển đến BV Nhi TƯ. Đến ngày 10/10/2022, trẻ được Bệnh viện Nhi TƯ xét nghiệm xác định typ Cúm A/H5. 

Ngày 17/10/2022, Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ khẳng định dương tính với virus cúm A/H5. 

Hiện bệnh nhân đang trong tình trạng suy hô hấp, đặt nội khí quản, đang nằm điều trị tại Khoa điều trị tích cực nội (BV Nhi TƯ) với chẩn đoán suy gan cấp, thận cấp/Sốc nhiễm khuẩn/Suy đa tạng/Cúm A/H5.

3 nguyên nhân gây nên hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ nhỏ, bố mẹ đừng mắc sai lầm khi con ngủ

Liên tiếp hai trẻ 3 tháng tuổi và 6 tháng tuổi ở Hà Nội vừa tử vong khi ngủ do bị hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ. Bác sĩ Bệnh viện Nhi TƯ đã chỉ ra về nguyên nhân về hội chứng này.

TIN MỚI NHẤT