Khi nhận được kết quả, chị Trân cùng mọi người trong gia đình đều vô cùng lo lắng. Người cao tuổi trong gia đình chị đều có bệnh nền, người bị tiểu đường type 2, người cao huyết áp, người lại bệnh tim, làm sao bây giờ...
Trong lúc ngồi đợi xe chở từ bệnh viện về thành phố, chị Đỗ Trần Hoài Trân (SN 1988, Q. Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ, cả nhà chị có tất cả 20 người thì đều mắc bệnh >Covid-19 mà không biết lây nhiễm từ đâu.
"Mẹ mình là tiểu thương ngoài chợ, vợ chồng mình làm việc tại cửa hàng sơn của gia đình, khi dịch bùng lên là đóng cửa hàng, không đi đâu cả. Lúc đầu là cả gia đình bên nhà cô mình có biểu hiện sốt nhưng vẫn chưa nghĩ đến chuyện mắc >Covid-19. Phải đến khi mẹ mình đi bán hàng ngoài chợ, được test nhanh cho kết quả dương tính. Lúc này cả nhà mới giật mình đi ra chợ test hết, kết quả là bị hết luôn", chị Trân nhớ lại.
Khi nhận được kết quả, chị Trân cùng mọi người trong gia đình đều vô cùng lo lắng. Gia đình chị, người cao tuổi đều có bệnh nền như bố bị tiểu đường type 2, mẹ mắc bệnh cao huyết áp nhiều năm nay, cô và bác cũng mắc bệnh tim hiểm nghèo; trẻ nhỏ thì có đứa mới 5 tuổi, 7 tuổi... Số người có bệnh nền cũng đến 10 người, trẻ nhỏ cũng đến 7 đứa. Làm sao bây giờ? Mọi thứ trong đầu chị bỗng rối tung như mớ bòng bong.
"Mình phải khỏe để chăm sóc cho cả gia đình"
Sau 2 đêm liền lo lắng đến không thể ngủ, nghĩ cảnh gia đình mà nước mắt cứ chực ứa ra, chị Trân nhanh chóng vực lại tinh thần. Là người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng đáng lo ngoài ho, sốt nhẹ, chị nghĩ: "Lúc này, mình không có thời gian để sợ hay buồn nữa, mình phải bình tĩnh. Lúc này, mình mà suy sụp thì gia đình còn biết trông cậy vào ai, nhất là mình còn các con nhỏ. Mình phải khỏe để chăm sóc cho cả gia đình", chị Trân tự trấn an chính mình.
Thế là cả gia đình bao gồm 20 con người cùng ăn uống, sinh hoạt trong căn nhà 2 tầng được một tay chị chăm sóc trong những ngày đầu tiên mắc bệnh, trong lúc đợi được cứu tại bệnh viện cũng như được đưa vào khu cách ly.
Xác định mắc bệnh Covid-19, các thành viên trong nhà đều ở yên tại chỗ, không đi ra ngoài, chỗ của người nào ở yên chỗ của người nấy. Chị Trân khẩn trương vừa chăm sóc chính mình vừa lo cho các thành viên khác trong nhà.
Cố gắng ăn uống và nghỉ ngơi thật tốt
Chị Trân kể, trong thời gian đợi nhân viên y tế xuống, chị cố gắng ăn uống và nghỉ ngơi thật tốt, cùng khuyên các thành viên trong gia đình làm như vậy. Nếu mọi người sốt thì chị cho uống hạ sốt, cứ 4 giờ uống hạ sốt một lần, riêng người lớn tuổi có bệnh nền thì đều được bổ sung thêm thuốc bổ gan để an toàn hơn. Để cơ thể luôn được sạch sẽ, chị lau người cho mình và mọi người bằng nước ấm để hạ sốt nhanh, tránh mất sức nhiều. Tất cả cũng được nấu nước nóng để tắm nước nóng nhằm dưỡng sức tốt hơn.
"Nhà mình may mắn được mấy thanh niên 17, 18 tuổi thì mắc bệnh nhưng không có triệu chứng, chỉ sốt nhẹ, uống hạ sốt là xong. Nhưng 2 con mình, đứa nhỏ 5 tuổi không triệu chứng gì hết thì đứa lớn 7 tuổi lại sốt ho, ho đến tức ngực luôn. Chồng mình thì ho dữ dội, ho nhiều đến nỗi đờm có máu nhưng cho uống thuốc ho 1 tuần là cũng hết", chị Trân kể.
Ngoài ra, chị cũng tham khảo thêm các bác sĩ tư vấn qua mạng nên có bổ sung thêm vitamin C, thường xuyên sử dụng nước muối súc miệng cho chính bản thân và nhắc nhở các thành viên trong gia đình.
"Quan trọng là phải ăn uống được. Mắc bệnh Covid-19 thì nói chung mình và mọi người đều chán ăn lắm, không muốn ăn gì cả vì chẳng thấy có mùi vị gì nữa nhưng phải ăn thì mới có sức. Ăn cơm, ăn cháo... gì cũng được để cơ thể không bị suy nhược", chị kể.
Ngoài ra, chị cũng nấu nước chanh sả gừng mật ong cho các thành viên trong gia đình uống nhưng chú ý liều lượng thật ít, canh giờ cho từng người uống mỗi lần một chút chứ không lạm dụng để cổ họng dễ chịu hơn và tăng cường đề kháng, không uống hỗn hợp vào buổi tối. Chị cũng thay đổi bằng nước cam, thuốc bổ để bồi bổ, tăng cường >sức khỏe cho mọi người chứ không lạm dụng bất cứ một loại đồ uống theo trào lưu nào cả.
Đặc biệt, chị Trân luôn tuân theo hướng dẫn của các bác sĩ, luôn để cửa nhà thông thoáng chứ cũng không đóng cửa kín mít khi cả nhà cùng mắc bệnh. Bỏ qua tâm lý sợ hàng xóm cách ly, ghê sợ, chị luôn bật quạt, mở mọi cửa trong nhà theo khuyến cáo của chuyên gia cũng như Bộ Y tế. Chị cũng giữ thói quen vệ sinh nhà ở sạch sẽ, dùng cồn lau nền nhà. "Khi đi vào khu vực cách ly theo dõi, mình cũng đem theo hai chai cồn to để lau phòng chỗ cách ly mỗi ngày 2 lần".
Người có bệnh nền lại thêm khủng hoảng tâm lý, ăn uống khó khăn dễ bị suy hô hấp cần đặc biệt chú ý
"Người khỏe trong gia đình cố gắng chăm sóc theo dõi người yếu thật sát sao" là phương châm của chị Trân khi cả gia đình cùng mắc bệnh Covid-19. Trong số các thành viên trong nhà, mẹ chị Trân là người đáng lo ngại nhất.
Trong khi mọi người cùng an ủi, động viên nhau cố gắng, đặc biệt không thể bỏ qua công sức của một người đang chăm sóc cho cả nhà, mẹ chị Trân lại rơi vào tâm lý lo sợ, hoảng loạn, sợ chết hơn bất cứ ai vì có bệnh nền. Lại thêm không ăn uống được, nằm đợi chờ nhiều ngày ở khu cách ly, mẹ chị bị suy hô hấp, tụt oxy vô cùng nguy hiểm, SpO2 xuống dưới 95%. Chị phải gọi bác sĩ cho thở oxy và tìm bệnh viện chuyển vào gấp.
"Mẹ nhanh chóng được chuyển vào Bệnh viện quận Tân Bình để truyền dịch, chích thuốc. Tính từ lúc chiều được vào viện đến lúc tối mình gọi điện nói chuyện, mẹ đã ổn thấy rõ. Mấy ngày như vậy dưới sự giúp đỡ của các y bác sĩ, mẹ mình đã khỏe lại, không cần thở oxy nữa", chị Trân kể.
Đến ngày hôm nay thì chị Trân cũng thở phào nhẹ nhõm khi cả gia đình 20 người đều được xét nghiệm âm tính 3 lần. Hơn 10 người bên gia đình nhà cô của chị đã được về trước mấy ngày. Còn chị, giờ chị đang đợi xe chở 2 vợ chồng về nhà với niềm vui phơi phới dù gia đình chị sẽ tiếp tục cách ly tại nhà thêm 14 ngày nữa theo đúng quy định.
Hỏi chị có lời nào muốn nói đến mọi người không, chị cười nói: "Nói chung mình thấy Covid-19 là căn bệnh thật sự đáng sợ, không thể chủ quan được nhưng nếu chẳng may mắc phải thì mọi người phải thật bình tĩnh. Nếu không có triệu chứng thì cứ ăn, ngủ, sinh hoạt, tập thể dục bình thường, uống nước cam... như bình thường không có gì phải sợ. Mình thấy càng lo lắng, suy nghĩ, tâm lý càng bị ảnh hưởng thì càng suy sụp, bệnh càng nặng thêm như trường hợp của mẹ mình chính là ví dụ".
Đặc biệt, chị muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình cũng như gia đình mình tới các bác sĩ, nhân viên y tế - những thiên thần đang ngày đêm phải gồng mình chống dịch. "Nếu không có những bác sĩ, nhân viên y tế ấy thì không biết sẽ ra sao nữa. Các bệnh viện ở Sài Gòn hiện nay đều quá tải, mọi người hãy cố gắng thực hiện đúng theo yêu cầu của lãnh đạo để luôn khỏe mạnh, hãy tự lo cho chính mình để không trở thành gánh nặng cho các bác sĩ nhé!", chị Trân nói.