Thói quen uống khoảng 500-700 ml rượu mỗi ngày, khiến một bệnh nhân nam tại Vĩnh Phúc ngộ độc methanol, rơi vào hôn mê và có thể phải sống đời sống thực vật một thời gian dài.
Theo nguồn tin từ phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), bệnh nhân là nam, 70 tuổi, trú tại Vĩnh Phúc vừa qua đã nhập viện trong tình trạng sốt cao, cơ thể nhiều vùng loét sâu, vết rộng nhất khoảng 12 cm, nhiều mủ viêm quanh vết loét.
Tiếp nhận bệnh nhân, đội ngũ y bác sĩ khoa Cấp cứu đã lập tức đưa vào kiểm tra máu và dịch hút phế quản, kết quả cho thấy rằng bệnh nhân nhiễm nhiều loại vi khuẩn đa kháng thuốc.
Cách đây 3 tháng, người đàn ông này mua rượu uống và bất ngờ rơi vào hôn mê, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Tại đây, ông được chẩn đoán ngộ độc >methanol, tổn thương não nặng, xuất huyết não rải rác dẫn đến hôn mê không hồi phục ý thức, phải sống phụ thuộc, thở qua lỗ mở khí quản.
Do thói quen uống 500-700 ml rượu mỗi ngày, khiến bệnh tình của bệnh nhân ngày càng trở nặng, xuất hiện hiện tượng teo cơ, cứng khớp, hôn mê kéo dài, tổn thương não, hệ tiêu hóa nặng. Men gan của bệnh nhân cũng tăng gấp 4-5 lần so với bình thường, các chất protein, albumin, canxi, magie, kali trong máu giảm sút nghiêm trọng.
Sau quá trình giải độc methanol tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bệnh nhân được cho phép đưa về bệnh viện tuyến tỉnh để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân tiếp tục gặp sốt cao không rõ nguyên nhân và được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 2/4 vừa qua.
Tại đây, bác sĩ Nguyễn Đức Minh, khoa Cấp cứu đã chỉ định bệnh nhân dùng 2 loại kháng sinh kết hợp >chăm sóc da vùng loét, đường thở, hút đờm và nuôi dưỡng tĩnh mạch.
Tình hình hiện tại của bệnh nhân đã dần ổn định nhưng khả năng hồi phục ý thức rất thấp, nguy cơ sống thực vật cao.
Methanol còn được gọi là carbinol, methyl alcohol, alcohol gỗ, methyl hydrate, methyl hydroxide, methyl alcohol,... Methanol tức rượu methyl là một chất cồn, có công thức hóa học là CH3OH, là loại rượu đơn giản nhất, nhẹ, không màu, dễ bay hơi, dễ cháy, dễ tan trong nước. Rượu methanol là một chất lỏng với mùi đặc trưng, hơi ngọt hơn ethanol (rượu uống).
Methanol là một chất có độc tính thấp. Tuy nhiên, sau khi được đưa vào cơ thể, methanol sẽ bị oxy hóa tạo thành formaldehyde. Chất này sau đó tiếp tục bị oxy hóa tạo thành acid formic - acid kiến, thành phần chính của nọc kiến. Chính acid formic được xem là thủ phạm gây độc trong các trường hợp >ngộ độc rượu methanol. Cuối cùng, acid formic được chuyển hóa thành CO2 và nước. Hai chất này được đào thải qua phổi và thận.
Sự chuyển hóa methanol và tích tụ acid formic trong võng mạc gây tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác, dẫn đến mù lòa. Acid formic còn gây tổn thương não bộ, có thể dẫn đến tử vong.
Methanol gây ngộ độc rượu, tùy từng mức độ có thể nguy hiểm cho >sức khỏe, thậm chí là tử vong. Vì vậy, để có một sức khỏe tốt, mỗi người nên hạn chế sử dụng rượu bia. Khi có các triệu chứng ngộ độc rượu, cần đưa nạn nhân tới bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.