"... Năm sau con chắc chắn sẽ về, mẹ ạ, cho dù lý do có là gì đi nữa, thì con cũng vẫn sẽ về, để đừng ai hát nữa “con gái là con người ta…” khi bố mẹ già mỏi mắt chờ trông con trước ngõ..."

05:18 03/02/2019

Con gái lấy chồng xa, đây đã là cái Tết thứ hai con ở nhà chồng. Năm ngoái con còn là dâu mới, mẹ chồng lấy cớ cháu dâu cần đi thăm, chào hỏi đủ lệ cô dì chú bác họ hàng, cảm ơn mọi người đã đến chúc phúc cho ngày cưới, nên bảo “vợ chồng con thu xếp năm nay ăn Tết ở nhà, vì nhiều việc đấy”.

Con bùi ngùi gọi cho bố mẹ, nói năm nay bên nhà chồng con nhiều việc quá, con không thể về. Gác máy rồi như vẫn nghe tiếng thở dài nén ưu phiền của bố mẹ.

Tết đầu ở nhà chồng, mồng Một ông bà gia tiên, mồng Hai họ hàng nội ngoại, mồng Ba chúc Tết gia đình bạn bè của bố mẹ chồng, mồng Bốn mời cơm khách ở nhà, mồng Năm cùng cả nhà đi lễ cầu bình an thuận hoà khi gia đình đón thêm thành viên là dâu mới.

Ảnh minh họa: Internet

Cả mấy ngày Tết, con cứ quay như chong chóng với cỗ bàn. Sáng nào cũng từ sớm đã mắt nhắm mắt mở xuống bếp nấu nước nổi lửa nấu cơm, bưng bê phục vụ bàn ăn và dọn dẹp rửa bát tối mắt cho đến khi ngẩng đầu lên trong nhà đã không còn một vị khách.

Chồng con rất thương con nhưng không dám mở lời nói điều gì với cha mẹ. Anh cứ động viên vợ coi như là “thử thách” khi mới về nhà chồng. Cô bác họ hàng bình phẩm khen dâu mới ngoan ngoãn đảm đang, mẹ chồng con nở mày rạng rỡ. Con chạnh lòng nghĩ không biết giờ này bố mẹ ở xa trăm dặm, có đang tươi cười vui vẻ như bên nhà chồng con lúc này được không. Cây đào trước sân đã nở hoa chưa, bố có giữ thói quen cúng lễ đêm 30 xong sẽ xuất hành ra chùa, hái lộc như khi con gái còn ở nhà? Mẹ sẽ vào bếp bày biện mâm cỗ tất niên để cả nhà cùng ăn đón giao thừa, hay buông màn ngủ sớm vì cảnh nhà đìu hiu, vắng vẻ?

Ảnh minh họa: Internet

Năm nay,

Con sinh cháu, đứa đầu lòng nên ông bà nội rất yêu chiều, cả ngày quấn quít. Biết vợ chồng con có ý định năm trước đã ăn Tết nhà nội, năm nay sẽ về với nhà ngoại từ sớm rồi mùng 3 Tết quay ra nhà nội thì mẹ chồng lại tỏ ý không vui.

Bà nói “mồng một Tết nội, mồng hai Tết ngoại, ý là ăn Tết phải nghĩ đến nhà nội trước”. Chồng con bảo vậy sẽ ở nhà nội đến mồng 3 về nhà ngoại, thì bà vẫn không ưng. Bà bảo năm nay thằng cu còn nhỏ quá, đường xá xa xôi như vậy sợ nó ốm, nên theo bà nên ở nhà. “Ý mẹ quyết vậy, các con tính sao thì tuỳ”, mẹ chồng nói thế, con nào dám cãi. Chồng con thương vợ mà cũng không nói thêm vào được một câu.

Con gái, cũng một công bố mẹ sinh thành, dưỡng dục, cơm thóc gạo tiền vun đắp trồng người ngang ngửa với người ta, nhưng gả con đi lấy chồng, cứ như là mất con vậy. Con gọi điện, nói với mẹ Tết này con lại không thể về, mẹ chỉ nhẹ nhàng: “Thôi con ạ, con gái là con người ta, con dâu mới thật mẹ cha mua về, con cứ lo tươm tất cái Tết nhà chồng, còn bố mẹ khi nào con về thăm cũng được” lại khiến con ứa nước mắt.

Ảnh minh họa: Internet

Nếu con có con gái, chắc chắn sẽ không dạy nó điều mẹ vừa dạy cho con. Bỗng thấm thía tại sao ngày nay nhiều cô gái trẻ chấp nhận sống và làm mẹ đơn thân, vì họ không chịu được sự ích kỷ, lề thói cũ của những suy nghĩ nhân danh “bên nội, bên chồng”.

Xuân đã chùng chình qua ngõ, trong lòng con lại nhớ, lại thương bố mẹ nhiều hơn. Bố mẹ đã gói bánh chưng chưa, đã mua đủ các loại hoa ngũ sắc bày cắm cho phòng khách hay chưa? Năm nào nhà mình cũng có một bình hoa đẹp rạng rỡ như thế khi con còn ở nhà với bố mẹ.

Năm sau con chắc chắn sẽ về, mẹ ạ, cho dù lý do có là gì đi nữa, thì con cũng vẫn sẽ về, để đừng ai hát nữa “con gái là con người ta…” khi bố mẹ già mỏi mắt chờ trông con trước ngõ.

Theo Mỹ Hạnh/Dân Trí