Quanh tôi, nhiều lắm những người đàn bà đang góp vào một nửa của cuộc hôn nhân muộn phiền, loay hoay cố gắng, nửa cam chịu nửa uất ức, tự hỏi vì sao mình cam chịu.
Trong cơ quan, chúng tôi có một “nhóm” thân thiết trên hệ thống trao đổi thông tin. Từ công việc cho tới các sự kiện kỷ niệm, sinh nhật này nọ, rồi cả những buồn vui cuộc sống cũng được “phang” lên đó. Cuối tuần rồi, Ngà đăng ảnh chụp màn hình các tin nhắn qua lại của vợ chồng cô ấy. Không cần nhiều lời giải thích, chỉ đọc thoáng qua nội dung đủ hiểu: vợ chồng Ngà đang “có vấn đề”.
Không còn ai ở độ tuổi “trẻ trâu” để thúc nhau “ly hôn đi, ngay và luôn”, chê trách “chồng Ngà tệ quá” hay sợ thiên hạ xầm xì. Cánh >đàn bà trên dưới 40 tuổi lặng đi một chút, rồi dè dặt buông vài câu an ủi. Chắc do ông xã của Ngà công việc đang căng thẳng, mệt mỏi nên nặng lời thế thôi, đừng để ý. Vợ chồng lúc này lúc khác, phải biết bỏ qua mới sống đời với nhau được. Mai ghé tớ ăn trưa nhé, tớ đi du lịch về, có phần cho Ngà mấy miếng mặt nạ dưỡng da loại tốt nè…
Tuyệt không thấy xúi bẩy hay bàn ra, càng chẳng có những thì thầm sau lưng kiểu Ngà phải như thế nào thì chồng mới có khẩu khí gây hấn và nhuốm mùi coi thường vợ như vậy chứ. Chỉ là nhờ chồng xốt cà giùm chảo cá đã chiên sẵn cho con ăn, vì Ngà bận họp công đoàn về trễ, mà chồng Ngà thẳng thừng: “Tự về mà làm, thứ đàn bà chỉ giỏi việc bao đồng ngoài đường, chứ ở nhà thì vô tích sự”.
Ngà bảo, bạn đã bật khóc trước sự cay nghiệt ấy. Cũng như nhiều năm sau này, Ngà vẫn âm thầm rơi nước mắt khi chồng ngày càng hờ hững, mặc kệ mẹ con Ngà tự xoay xở với nhau. Anh không đưa đón con, chẳng phụ đỡ bao nhiêu về kinh tế, dù làm ra tiền, luôn đòi hỏi phải cơm nóng canh sốt lẫn đáp ứng “chuyện ấy” khi cần. Còn lại chỉ là một bức tường lạnh lẽo - không trò chuyện, chẳng mấy khi quan tâm nhau, ngay cả một chút tôn trọng vợ cũng họa hoằn…
Chồng như vậy, còn gì để Ngà phải nuối tiếc mà chẳng dám dứt một lần? Đằng nào thì cũng chẳng giúp gì được cho Ngà lẫn hai đứa trẻ còn ở độ tuổi tiểu học. Thà đau một lần rồi thôi, Ngà đâu phụ thuộc kinh tế hay sợ hãi điều chi mà không thể quyết? Trả lời cho thắc mắc đó, Ngà chỉ cười buồn. Bây giờ lớn, chính xác là… già như vầy rồi, thay đổi liệu có mang lại điều gì tốt đẹp hơn hay lại tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, rồi lại ngồi đó mà thầm ước, giá như mình cứ cố chấp nhận cuộc hôn nhân đang “yên ổn” đó. Dù chỉ còn cái vỏ để che đi sự mục ruỗng, cũng là một mái nhà cho con cái lớn lên, đủ cha mẹ, không bị sốc tâm lý hay mang cảm giác đổ vỡ, chia cắt khi bước ra đời. Cuộc sống đã quá nhiều bất trắc, khốn khổ rồi, sao còn phải cố tạo thêm biến cố.
Ngà có thử dốc sức thay đổi mối quan hệ đã quá ơ hờ này chưa ư? Nhiều lắm, nhưng khi lòng người cạn kiệt thì cái gì cũng bế tắc cả. Một bàn tay vỗ chẳng nên kêu. Thế đề nghị “dứt điểm” thì sao? Chồng chửi “khùng”, đang yên đang lành lại muốn… kiếm chuyện. Mà chồng cũng chẳng có lỗi lầm gì - không ngoại tình hay bạo hành, chỉ là tồn tại bên nhau như chiếc bóng trầm cảm. Chẳng lẽ mình phải đi tìm kiếm niềm vui “cải thiện” như ai đó đã làm?
Tôi giật mình trước lý lẽ của Ngà. Phải chăng đấy cũng là suy nghĩ của tôi lẫn nhiều chị em ở độ tuổi chín muồi khác, cả về “thâm niên” hôn nhân lẫn thanh xuân đã ở bên kia con dốc? Đành nhìn vào các điểm tốt của chồng để mà an phận, tự ru ngủ mình với lý lẽ “biết chấp nhận sẽ dễ sống hơn” hoặc “ai cũng có mặt này mặt khác, mình có hoàn hảo đâu mà đòi hỏi hay yêu cầu cao”. Rồi cứ thế mà trải đời với sự tẻ nhạt, ngày càng giống ở trọ chung với người đàn ông mình gọi là chồng. Giống như một người đứng giữa ngã ba, phân vân chọn hướng nào cũng thấy dở, chẳng có gì bảo đảm là phía trước không hụt bước. Mà giậm chân tại chỗ thì thấy không cam lòng, luôn muộn phiền và tự chán ghét bản thân.
Cái tâm lý sợ thay đổi, chẳng dám bước qua sự bình ổn giả tạo, không còn thời gian lẫn cơ hội đó dường như là căn bệnh lây lan không thuốc chữa, mà chỉ có dăm ba phụ nữ đủ mạnh mẽ, cá tính và thần kinh thép mới dám bước qua. Làm lại từ đầu ư? Xin thưa là quá ngán ngẩm, ê chề rồi. Vả lại, chắc gì có ai muốn dấn thân vào canh bạc với người đàn bà một lửa hai lửa, cùng khẩu hiệu “mua một tặng một” (hoặc hơn) con. Sống một mình với bọn nhóc, tự gánh vác mọi thứ khi trong nhà không có bóng đàn ông quả là một viễn cảnh không mấy hấp dẫn, chẳng đủ để chị em mạnh dạn làm mới đời mình, dẫu chỉ là để “sống cho ra cái hồn người”, không phải thắc thỏm chờ cửa mỗi khuya, muốn đi đâu cũng phải nhẹ giọng xin phép rồi đợi phê duyệt, tự lăn xả ra kiếm tiền để guồng gia đình có thể “chạy” một cách trơn tru…
Quanh tôi, nhiều lắm những người đàn bà đang góp vào một nửa của cuộc hôn nhân muộn phiền, loay hoay cố gắng, nửa cam chịu nửa uất ức, tự hỏi vì sao mình cam chịu.