Tôi ly hôn được 5 năm rồi. Để được quyền nuôi con, tôi chấp nhận ra đi tay trắng. Nhiều người nói tôi ngu ngốc, một người phụ nữ không có bạc tiền mà đòi nuôi con có phải là tự tìm đường chết? Phụ nữ ly hôn có nhất định phải tự làm khổ mình thế không?
Nhưng biết làm sao được, con chính là tài sản quý giá nhất, là sinh mệnh của tôi. Tôi có thể bỏ chồng, bỏ bạc tiền từng làm ra cùng chồng, nhưng không thể bỏ con. Dù tôi có nghèo thì cũng cố gắng nuôi con bằng đồng tiền xương máu mình kiếm ra, nỗ lực cho con ăn no mặc sạch. Vì nếu con sống trong ngôi nhà đủ đầy vật chất mà chịu khổ chịu tủi thì có người mẹ nào chịu được?
Phụ nữ >ly hôn xem con là tất cả. Tôi không tái hôn, con chính là tình yêu duy nhất của tôi. Thật may, con trai của tôi rất hiểu chuyện, thằng bé cũng rất kiên cường và mạnh mẽ. Từ ngày ly hôn, tôi đã nói với con từ nay sẽ không còn cha bên cạnh, nhưng con vẫn sẽ có mẹ, có ông bà, bạn bè. Con trai rất yêu mẹ, cũng chưa từng vì lời nói của người khác mà buồn phiền.
Tôi vẫn để con gặp cha thường xuyên, vì sao thì đó cũng là máu thịt của con, anh ta cũng yêu con dù đã có một gia đình khác. Chồng cũ tôi có một con riêng của vợ là con trai, và một con gái mới sinh. Anh ta sau đó cũng không còn nhiều thời gian cho con trai tôi. Những ngày tháng sau đó, con tôi cũng hiểu rằng cha đã không còn là của riêng nó, giờ nó chỉ còn có mẹ là duy nhất. Đến giờ, dù gặp hay không gặp cha, thằng bé cũng không để tâm nhiều nữa.
Khi còn ở với chồng, tôi không tự kiếm được tiền nhiều. Đến lúc ly hôn, tôi cũng không có điều kiện để nuôi con bằng chồng. Nhưng tôi có chứng cứ chồng ngoại tình, càng kiên trì không từ bỏ nuôi con, nên cuối cùng chồng tôi đành nhượng bộ. Dù vậy, tôi biết anh vẫn có suy nghĩ khi con tôi lớn, thằng bé sẽ trở về nhận gia sản gia đình chồng. Gia đình chồng tôi cũng nghĩ dù tôi nuôi con thì đó vẫn là con cháu của họ. Huống hồ, tôi cũng không cần trợ cấp gì từ họ.
Nhưng con tôi càng lớn càng hiểu chuyện. Có một lần chồng tôi nói với thằng bé: “Sau này, con lớn rồi thì về nhà với ông bà nội và ba nhé?”. Con trai tôi dứt khoát trả lời: “Không ạ, mẹ nuôi con lớn thì con sẽ chỉ ở với mẹ”. Chồng cũ tôi lại nói: “Nhưng con vẫn là con trai của ba”. Con tôi đáp: “Nhưng ba không nuôi con. Ba còn có con của ba, còn mẹ thì chỉ có con”.
Chồng cũ tôi lại nói tiếp: “Nhưng chỉ có con là con trai ruột của ba. Gia sản của ba sau này đều sẽ để lại cho con”. Con trai tôi trả lời: “Con lớn lên có thể tự kiếm tiền, con không cần tiền của ba”.
Từ hôm đó, con trai tôi cũng không còn muốn gặp cha nữa. Dù anh ta có mua bao thứ đồ đắt tiền, con cũng không nhận. Con cho rằng những thứ đó chỉ là để buộc con sau này trở về nhà nội ở. Con tôi không muốn thế, con cũng không chấp nhận được việc cha từng tổn thương mẹ.
Chồng tôi giờ đã hối hận. Vì con trai tôi thật sự đã không chịu nhận anh ta là cha, trong lòng con chắc đã tổn thương nhiều.
Tôi nghĩ, với phụ nữ một khi đã ly hôn thì phải dứt khoát buông bỏ, nhưng những gì thuộc về quyền lợi, con cái thì nhất định không được từ bỏ. Cuộc sống sau ly hôn chắc chắn sẽ vất vả hơn nhưng con vẫn còn mẹ, mẹ vẫn còn con. Nếu vì sợ khổ cực mà từ bỏ con thì cả đời con cũng không còn cần mình nữa. Con vì tổn thương mà sinh oán trách, bản thân con cũng đau khổ.
Phụ nữ ly hôn nhiều người thật sự sẽ phải hối hận cả đời, chỉ vì muốn giữ nhiều thứ khác mà từ bỏ con, tàn nhẫn với mong muốn và cảm xúc của con. Với phụ nữ, ly hôn không phải là nỗi đau lớn nhất, không được ở cạnh con cả đời mới là nỗi ân hận và dằn vặt khôn nguôi nhất.