Mới đây cặp đôi Song Hye Kyo và Song Joong Ki của xứ sở Kim Chi ly hôn đã gây chấn động giới hâm mộ, biểu tượng về tình yêu ngôn tình bỗng chốc sụp đổ. Trả lời báo giới, Song Hye Kyo cho biết: “Lý do dẫn đến quyết định không thể tránh khỏi trên là vì sự khác biệt trong tính cách và cả hai bên đều đã không thể dung hòa”.
Theo các chuyên gia tâm lý, trong tình yêu hôn nhân, ai cũng mong người khác sẽ mãi gắn bó chung thủy với mình. Thế nhưng trên thực tế không phải ai cả cuộc đời cũng chỉ yêu trọn vẹn chung thủy một người. Ngay cả khi được gắn kết nhau bởi hôn nhân và những đứa con thì nhiều cặp đôi vẫn phải đưa nhau ra tòa. Và dưới đây là những nguyên nhân dẫn đến ly hôn được các chuyên gia đúc kết.
Đánh mất bản thân
Khi bạn đánh mất hết sở thích cá nhân, sự nghiệp riêng, không hề có chính kiến và sống hoàn toàn phụ thuộc vào bạn đời, bạn đã tự đánh mất mình và rất có thể không lâu sau đó cuộc hôn nhân của bạn cũng sẽ đổ vỡ vì đối tác quá chán bạn.
Ít dành thời gian cho nhau
Công việc bận rộn, thời gian ở trên công ty, dành cho đồng nghiệp còn nhiều hơn ở nhà với gia đình. Đó là bức tranh chung của nhiều gia đình trẻ hiện nay. Đã có rất nhiều cặp đôi giận dỗi nhau chỉ vì đối phương thường xuyên đi làm về trễ, không quan tâm đến con cái, hiếm khi ăn cơm tối cùng gia đình… Khi thời gian được sử dụng một cách không cân bằng, công việc kiểm soát cuộc sống của bạn, khiến tình cảm vợ chồng lạnh nhạt, thiếu sự quan tâm và cuộc sống hôn nhân dễ bị rạn nứt.
Bị vỡ mộng
Khả năng thích nghi với những thay đổi trong đời sống hôn nhân thường phụ thuộc vào những kỳ vọng thực tế về vợ/chồng và mối quan hệ hôn nhân. Bạn có thể bị “vỡ mộng” nếu đặt ra nhiều kỳ vọng lãng mạn hoặc không thực tế khác về cuộc sống hôn nhân. Theo thời gian, những kỳ vọng chưa được đáp ứng có thể tạo ra sự bất mãn, thất vọng và chán nản về đối phương và cuộc hôn nhân hiện tại.
Tính cách đối lập
Xung khắc về tính cách có thể làm cho một cặp vợ chồng khó đạt được tiếng nói chung trong các vấn đề liên quan đến tình dục, cảm xúc, dạy con cái… Thường xuyên cãi vã khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ lâu dài.
Nhầm lẫn về đối tượng chia sẻ
Có bao giờ bạn yêu thích những mối quan hệ bạn bè, công việc hơn hôn nhân? Bạn cần sự chia sẻ và lời khuyên từ họ hơn người bạn đời của mình? Đây cũng chính là một trong những dấu hiệu sớm của các cuộc hôn nhân đổ vỡ.
Sai lầm trong quan điểm chấp nhận tất cả
Nếu một nét cá tính nào đó của người yêu làm bạn cảm thấy khó chịu (như tính bủn xỉn, ở bẩn chẳng hạn) nhưng bạn vẫn lựa chọn người ấy vì những ưu điểm khác thì khi ký vào bản đăng ký kết hôn, bạn đã đặt bút ký vào đơn ly hôn rồi đó.
Nên nhớ, khi yêu người ta thường bỏ qua những lỗi thường bị coi là "nhỏ nhặt", những điều không hài lòng nho nhỏ bị nhấn chìm bởi những cảm giác ngọt ngào của tình cảm yêu đương. Nhưng dần dà, trong cuộc sống gia đình, những điều khó chịu ngày càng "trồi" lên dẫn đến bất hòa, xung đột, thậm chí rạn nứt, tan vỡ hôn nhân.
Có nhiều nguyên nhân khiến hôn nhân đổ vỡ, ở mỗi gia đình và với mỗi cặp vợ chồng thì những nguyên nhân ấy là khác nhau. Cho dù là nguyên nhân nào thì các bạn hãy cân nhắc và suy nghĩ thật kỹ để cùng đưa ra quyết định. Khi thật sự cảm thấy mối quan hệ của mình có vấn đề, hãy tìm gặp một chuyên gia tâm lý có thể là không chuyên để cùng chia sẻ và hỗ trợ bạn trong những lúc như vậy.
Mâu thuẫn về tiền bạc
Cuộc sống vật chất khó khăn, tiền bạc thiếu trước hụt... là nguyên nhân tan vỡ của không ít gia đình, có thể khiến cho một tình yêu rất đẹp đẽ, mãnh liệt cũng không chống cự nổi. Những mối lo cơm áo gạo tiền khiến con người ta dễ bực bội, nổi cáu dẫn đến xích mích gây gổ nói chi đến chuyện quan tâm, chăm sóc nhau.
Ngoại tình
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng không chung thủy trong hôn nhân như khó hòa hợp trong cách sống, chuyện chăn gối hay đơn giản là do cơn “say nắng” bất ngờ của người bạn đời… Ngoại tình thường xảy ra khi mối quan hệ của hai người đã có sẵn khúc mắc nào đó. Ngoại tình thường đi kèm với ghen tuông tùy mức độ. Hai vấn đề này là một trong những nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhiều nhất.
Bạo lực gia đình
Hành vi bạo lực của đối phương không chỉ gây nên những nỗi đau về thể xác mà còn là sự đe dọa về mặt tinh thần với người kia. Lần đầu bị bạo lực, vợ/chồng có thể tha thứ, nhưng hành vi “đáng xấu hổ” này cứ tiếp diễn sẽ để lại hậu quả là mối quan hệ hôn nhân bị đổ vỡ.