Dù có thể kiếm tiền và tự hưởng thụ cuộc sống theo cách mình muốn, nhưng tôi cũng giống như bao đàn bà khác, cần sự chia sẻ của chồng. Vậy mà, anh và tôi như hai mảnh ghép xa lạ đặt cạnh nhau.
Tôi quyết định >ly hôn chồng sau gần 7 năm chung sống. Chồng tôi bị sốc và mọi người đều bất ngờ. Bởi nhìn vẻ bề ngoài, gia đình tôi gần như hoàn hảo. Chồng tôi đẹp trai, công việc tốt, thu nhập cao, không gái gú, không cờ bạc, không rượu chè. Chúng tôi có đủ xe cộ, nhà cửa và hai đứa con đủ nếp đủ tẻ.
Nhưng không ai hiểu, sau từng ấy năm chung sống với anh, tôi gần như kiệt quệ về tinh thần bởi anh rất vô tâm. Đàn bà có thể tự mình kiếm tiền, tự mình hưởng thụ nhưng luôn muốn có một người chồng quan tâm ở bên cạnh. Tôi không có điều đó, anh và tôi như hai mảnh ghép xa lạ dính vào nhau.
Anh luôn thờ ơ trước mọi cảm xúc của vợ. Tôi có buồn, vui, đau khổ hay hạnh phúc đều không phải là nỗi bận tâm của anh. Mở miệng ra tâm sự với chồng khi có chút buồn phiền hay mệt mỏi, anh luôn hờ hững đáp: “Thế à”, rồi thôi.
Điều tôi cần là một lời động viên, an ủi, vỗ về quan tâm từ chồng. Hiếm khi nào anh hỏi han tôi cảm thấy như thế nào. Khi con còn nhỏ, tôi hốc hác tiều tụy, mọi người ai cũng nhận ra riêng anh thì không. Thậm chí, bà thím ở dưới quê lên chơi hỏi: “Sao dạo này vợ mày gầy thế”, anh trả lời đại: “Gầy đâu mà gầy thím, cháu thấy vẫn béo mẫm đó chứ” trong khi tôi sút hơn 5 ký do trận sốt siêu vi.
Thật tình, có nhiều chuyện, tôi muốn chia sẻ với chồng nhưng thái độ của anh làm tôi mất hứng. Càng ngày, anh và tôi cứ xa dần nhau ra. Tôi ganh tỵ đến phát khóc khi nghe cô đồng nghiệp kể về cách chồng cô ấy quan tâm đến vợ. Chỉ cần nét mặt của vợ thay đổi, chồng đã biết vợ gặp chuyện gì. Tôi thèm được quan tâm như thế chứ không phải cứ cuối tháng, đưa về một xấp tiền là đủ.
Đối với chồng tôi, vợ luôn xếp sau đồng nghiệp và bạn bè. Anh sẵn sàng đi thâu đêm suốt sáng, đi cùng trời cuối đất với họ nhưng luôn từ chối việc đi siêu thị cùng vợ. Nếu anh đang đi với vợ, bạn bè gọi, anh cũng bỏ tôi một mình để đến với họ.
Khi tôi nhờ anh dắt xe ra cổng để đi làm vì chân đau, anh luôn càu nhàu. Nhưng bạn bè nhờ vả điều gì thì sẵn sàng làm bất chấp cả giờ giấc. Có lần, đồng nghiệp nhờ anh sửa giùm luận văn, anh thức trắng mấy đêm liền không hề kêu ca. Còn vợ nhờ, anh luôn từ chối thẳng thừng: “Tự mà làm đi”.
Sống với anh, tôi chẳng biết đến ngày lễ hay kỉ niệm là gì. Anh chẳng bận tâm đến vợ khi vô tư mua hoa tặng đồng nghiệp ở cơ quan. Anh không hiểu tôi cũng là phụ nữ, muốn được chăm sóc yêu thương. Không cần quà cáp vật chất nhưng một lời chúc thì vẫn muốn được nghe.
Càng sống với anh tôi mới thấy anh ích kỷ, chỉ biết đến bản thân mình. Tôi đau ốm phải nhập viện, anh vẫn không nghỉ làm vì sợ không đạt chiến sĩ thi đua. Anh cáu khi về nhà mà chưa có cơm nước sẵn sàng, không cần biết vợ đang mệt hay bệnh. Dường như, đối với chồng, tôi là một cỗ máy phục vụ tận tụy không được phép đau ốm.
Nhiều người bảo tôi “sướng quá hóa rồ” nhưng thực tế, sống với một người >chồng vô tâm, tôi cô đơn đến cùng cực. Khi mang tiếng là có chồng nhưng vẫn phải lầm lũi đối chọi với tất cả. Cảm giác ức chế đó khiến tôi muốn giải thoát cho chính mình.