Đứng từ xa nhìn con mà tôi không cầm được nước mắt. Không ngờ đứa con 4 tuổi của tôi phải chịu đựng đau khổ như vậy.
Tuy tôi không sống cùng với bố mẹ chồng, nhưng nhà tôi và nhà mẹ chồng rất gần nhau. Từ ngày về đây làm dâu, tôi luôn biết điều, sống hiếu thảo. Có gì ngon, tôi đều để phần và mang đến biếu bố mẹ chồng bồi bổ. Thi thoảng chồng tôi đi công tác về, mua được ít đặc sản địa phương, tôi cũng mang biếu mẹ chồng phần hơn.
Thời gian gần đây, tôi bận đi làm, không thể về sớm đón con. Mẹ chồng tôi lại tiện đón con trai của nhà em chồng, nên tôi có nhờ mẹ đón cả con tôi luôn. Bởi 2 đứa nhỏ học cùng trường. Tôi cũng không nhờ mẹ chồng không công. Từ ngày bà đón cháu, mỗi tháng tôi gửi bà 1 triệu đồng. Tôi làm thế để cảm thấy thoải mái. Tính tôi không thích nhờ vả người khác.
Trường học cách nhà tôi gần 1km. Mẹ chồng già rồi không đi được xe máy nên đành phải đi bộ đón các cháu. Gửi con cho mẹ chồng, tôi cũng thấy an tâm. Dù sao đây cũng là cháu nội của bà, bà cũng phải có trách nhiệm.
Thời gian đầu tôi không thấy có gì bất thường. Nhưng dạo gần đây, mỗi lần đón con từ nhà mẹ chồng, tôi lại thấy con bé kêu đau. Tay con có nhiều vết bầm, vết cào cấu xước xác. Cứ nghĩ con bị các bạn ở lớp bắt nạt, tôi gọi cho cô chủ nhiệm thì nhận được câu trả lời rằng: "Các bé ở lớp rất ngoan. Không có chuyện đánh nhau. Không tin chị có thể theo dõi camera của lớp học". Tôi cũng có xem camera. Quả thật, con tôi không hề đánh nhau với các bạn trong lớp.
Tôi đem chuyện này kể với mẹ chồng, mong bà đón cháu sẽ để ý hơn. Tuy nhiên mẹ chồng tôi tỉnh bơ, còn bĩu môi: "Ôi dào, có 3 cái nốt thâm tím. Có khi nó nô với các bạn trong lớp rồi gây ra mà không nhớ ấy. Chứ lúc tao đón, tao chẳng thấy gì bất thường".
Những vết tím, xước ở tay con tôi ngày càng nhiều. Vết này vừa mờ đi, lại xuất hiện vết bầm dập mới...
Thế rồi tôi quyết định 1 hôm xin nghỉ làm sớm để đón con. Tôi muốn tìm hiểu xem những vết thương ở tay con tôi từ đâu ra. Chuyện này tôi không nói với mẹ chồng. Tôi vẫn để bà đón cháu bình thường. 1 phần vì sợ bà nghĩ ngợi, phần khác tôi muốn âm thầm điều tra.
Thế rồi đúng đến 5h, cổng trường mầm non bắt đầu có nhiều phụ huynh đến đón con, cháu của mình. Tôi nhanh chóng nhận ra mẹ chồng cũng xếp hàng trong số đó. Bé nhà tôi ùa ra, lễ phép chào bà. Song vẫn phải đứng đợi bà đón em trai. Nhìn con mồ hôi nhễ nhại mà thấy thương. Chắc nóng lắm nhưng không biết kêu bà quạt mát cho.
3 bà cháu lững thững về. Tôi đi từ xa để theo dõi. Lúc này tôi mới nhận ra sự bất thường. Con nhà em chồng tuy rằng là em, nhưng xét về tuổi nó lớn hơn con bé nhà tôi. Thằng bé đó háu chiến, vừa đi vừa bắt nạt chị. Con tôi đã khệ nệ khoác balo của mình, nhưng vẫn phải xách cả của nó nữa. Đã thế, thằng bé kia vừa đi vừa chòng ghẹo con tôi, hết đấm, cấu rồi lại cắn..
Nhưng bực hơn cả là thái độ của người bà. Mẹ chồng tôi kệ, vẫn cứ đi như bình thường. Khi con tôi phát cáu, khóc toáng lên và đánh lại thằng bé kia thì mẹ chồng tôi lại bênh cháu trai. Bà véo vào tay con tôi rồi quát: "Chị phải nhường em chứ. Khóc lóc cái gì. Có đi nhanh không để tao còn về nấu cơm".
Chứng kiến cảnh đó mà tôi sốc, phẫn nộ vô cùng. Tôi phi xe lên trước mặt mẹ chồng và 2 đứa nhỏ. Trông thấy tôi, con gái mừng rỡ, lau vội hàng nước mắt, liên tục vỗ tay rồi reo lên "mẹ, mẹ...".
Tôi chất vấn sao mẹ chồng lại đối xử với các cháu như vậy, thì bà cãi trắng chẳng làm gì cả. Trẻ con đánh nhau là chuyện bình thường. Song khi tôi giơ vết đỏ tấy ở tay con tôi lên thì bà trở mặt nói: "Tao dạy thế mà nó còn chẳng nghe ấy. Con chị bướng lắm. Không dạy đi mai mốt nó hư. Mà cháu trai sau còn nhờ vả, chứ cháu gái thì lớn nó đi lấy chồng...".
Tôi hằm hằm bế con lên xe, phi thẳng về nhà và không nói với mẹ chồng câu nào nữa. Bởi lúc đó tâm trạng tôi rất bực bội. Nếu còn tranh cãi tiếp, tôi sợ mình sẽ hành động không hay.
Tôi về đem chuyện này kể với chồng. Anh cũng bực lắm, nói rằng cháu nào chả là cháu, sao mẹ lại thiên vị thế. Nhưng rồi anh lại khuyên tôi nên bỏ qua chuyện này, vì dù sao đó cũng là bà của đám nhỏ và là mẹ chồng tôi, chúng tôi vẫn phải nhờ vả nhiều.
Tôi giận mẹ chồng giận lây sang cả chồng. Mẹ anh sai rành rành vậy mà anh vẫn nói đỡ được!