Ngân kể, những lời nói vô tình đó của Trung đã đẩy mọi nhẫn nhịn trong cô lên tới đỉnh điểm. Không thể nào chấp nhận được sự vô tâm của anh, Ngân đỏ mặt nhìn thẳng mặt chồng, lớn tiếng...
Ngẫm câu "Ghét của nào trời trao của ấy" thật đúng với hoàn của Ngân. Thời con gái chưa lấy chồng, mỗi lần nghe bạn bè đồng nghiệp than thở khổ vì lấy phải chồng gia trưởng, vô tâm, Ngân lại ngán ngẩm lắc đầu bảo sau này lấy ai cô cũng phải tìm hiểu cho thật kỹ để tránh. Vậy nhưng nói trước bước chẳng qua, lựa lên lựa xuống cuối cùng cô lại lấy ngay được anh chồng gia trưởng không ai bằng.
Ngân kể, ngày yêu, Trung luôn tỏ ra tâm lý, quan tâm bạn gái hết mực. Mỗi lần tới chỗ bạn gái chơi là xắn tay vào dọn dẹp, nấu nướng cho Ngân. Rồi ngày lễ, kỷ niệm chưa bao giờ Trung quên tặng hoa, quà cho cô. 3 năm hẹn hò, Trung thể hiện cho Ngân thấy anh thật sự đúng là chuẩn mẫu đàn ông cô đang tìm. Vậy mà sau khi kết hôn, Trung như biến thành con người khác khiến Ngân sốc hết lần này tới lần khác.
Chẳng là lúc yêu, Ngân đã mặc cả với Trung là sau cưới, hai người sẽ mua nhà ở riêng. Trung đã đồng ý, vậy mà kết hôn rồi, anh quay ngoắt 180 độ. Ngân nhắc chuyện ở riêng, Trung quát: "Em buồn cười, sao cứ động mở miệng là lại đòi ra ở riêng. Nhà bố mẹ rộng rãi như thế này, việc gì phải đi đâu sống cho khổ. Chẳng chỗ nào tốt bằng sống cùng với bố mẹ".
Ngân tâm sự, nghe chồng nói mà cô "ngã ngửa" cảm giác như bị anh lừa. Càng về sau, cô càng thêm thất vọng về thái độ và cách sống của chồng. Chuyện nhà cửa bếp núc, một mình Ngân lo liệu. Trung hết giờ làm là vác vợt ra sân chơi đánh tenis tới nửa đêm mới về. Lúc chưa có con cũng như lúc làm bố rồi anh vẫn không thay đổi. Con ốm con đau, nhiều khi Trung còn không biết.
Vợ mà than thở thì anh cau mày: "Chuyện con cái nhà cửa là của đàn bà. Đẻ ra được, chăm được. Việc của anh là lo kinh tế. Hàng tháng đưa đủ tiền cho em ăn tiêu không phải suy nghĩ, em còn đòi hỏi gì nữa".
Nghe chồng nói, Ngân hẫng hụt thất vọng vô cùng nhưng nói nhiều vợ chồng lại cãi vã to tiếng mà Trung thì vẫn đâu đóng đấy chẳng chịu thay đổi. Nhiều khi cô thở dài nghĩ, thôi thì đã đâm lao phải theo lao, trời không chịu đất, đất đành chịu trời. Vì con, cô đành gắng nhẫn nhịn.
Song cuối tuần vừa rồi, bố Ngân bị cảm giữa đêm phải vào viện cấp cứu. Cũng may không sao, sáng ra mẹ Ngân mới gọi điện thông báo cho con gái con rể. Nghe tin, Ngân cuống cuồng cho con ăn rồi giục chồng thu xếp chở về thăm bố xem tình hình cụ thể thế nào. Ai ngờ trái ngược lại vẻ sốt sắng, cuống quýt của vợ, Trung thờ ơ như không lại còn bảo: "Sáng anh hẹn bạn đánh mấy ván tennis, đặt sân rồi. Không bỏ được. Để chiều anh về rồi sang thăm bố".
Nhìn chồng, Ngân tức lộn ruột. Bực mình, cô nói lại: "Anh buồn cười, bố vợ ốm mà anh cứ coi như không là sao. Chẳng lẽ mấy ván tennis của anh nó quan trọng tới thế".
Ai ngờ, cô vừa dứt câu, Trung đã trợn mắt quát vợ: "Cô làm cái gì mà cứ cuống lên. Ông ốm tí chứ đã 'đi' ngay đâu. Tôi đã nói chiều về thăm là chiều về".
Ngân kể, những lời nói vô tình đó của Trung đã đẩy mọi nhẫn nhịn trong cô lên tới đỉnh điểm. Không thể nào chấp nhận được sự vô tâm của anh, Ngân đỏ mặt nhìn thẳng mặt chồng, lớn tiếng: "Được, anh thích cứ đi mà đánh tenis với bạn, khỏi phải qua thăm bố tôi làm gì nữa. Nhà tôi không cần thứ con rể bạc tình bạc nghĩa như anh.
Tôi lấy chồng là mong có người cùng tôi san sẻ những đắng cay ngọt bùi trong cuộc sống, cùng tôi chăm lo cho bố mẹ hai bên chứ không phải cưới 1 'ông giời'. Anh sống sao sẽ hưởng vậy, sau này đừng có trách tôi sống lỗi đó".
Sau màn vùng lên, Ngân bế con ra ngõ bắt taxi đi thẳng về thăm bố, mặc Trung đứng ú ớ không cất lên lời vì sốc trước thái độ của vợ. Song Ngân về ngoại được 1 lúc thì anh cũng lò dò xách giỏ hoa quả tới thăm bố vợ. Ngân nhìn vậy cũng không nói gì.
Hôm ấy cô ở lại chăm bố, Trung về nhà đưa con lớn đi học. Tới đêm anh mới nhắn tin xin lỗi với vợ. Ngân kể, đấy là lần đầu tiên Trung biết nhận mình sai. Sau chuyện lần đó, anh cũng bắt đầu thay đổi, không gia trưởng, vô tâm như trước nữa.