Tôi chưa đầy ba mươi tuổi. Hình dung một cuộc sống bên nhau chỉ vì bổn phận, như là chỉ vì con… mà thấy đường dài hun hút…

05:11 15/07/2019

Chồng tôi rất chi li chuyện tiền bạc. Cũng may là tôi có công ăn việc làm như ý, tiền bạc rủng rỉnh, ngoài lương góp chung tôi vẫn có khoản riêng cho mình. Vậy nên sự chi li của chồng khiến tôi bực mình nhưng không đến nỗi thành chuyện.

Thậm chí, sau hai năm chung sống, tôi còn biết cách biến hóa những tính toán tiền bạc của chồng thành đề tài hài hước để góp phần tán gẫu với hội bà tám ở công ty. Ờ, dĩ nhiên người đàn ông chừng mực là lý tưởng nhất nhưng của hiếm đó đâu dễ ai có được. Vậy nên nếu phải chọn lựa giữa hoang phí và kỹ càng thì kỹ càng vẫn hơn. 

Cũng nên nói thêm, không biết hội bà tám chỗ khác thế nào, chứ ở công ty tôi thì hội bà tám chính là nơi giúp người ta giải tỏa và học hỏi. Như tôi đây, những bữa cơm văn phòng, từng thành viên lần lượt “kể tội” chồng, giúp tôi nhận ra chẳng có ông nào hoàn hảo. Nên mình cứ thương chồng mình thôi, cả điều hay và dở, như cuốn sách nào đó có định nghĩa về yêu mà tôi ngẫm thấy rất có lý “yêu là thương cả điểm yếu của người mình yêu”.          

Ảnh minh họa: Internet

Tôi bầu bảy tháng thì em gái về thành phố vào đại học. Đưa em đi sắm sửa chuẩn bị cho cuộc sống ký túc xá, sách vở áo quần giày dép và cái điện thoại, tôi dặn dò “cuối tuần về chị ăn cơm, nếu anh có hỏi mua sắm thứ này thứ kia tốn kém ra sao thì nhớ nói là tiền ba má cho nghe chưa”. Dặn dò em mà tôi đỏ mặt, cứ như là tôi đang tự tố cáo chồng mình. May mà em gái tinh ý, chỉ nheo mắt cười cười thôi chứ không thắc mắc gì.

*

Dặn dò em vậy mà tôi vẫn lo, đâu dễ nói dối trơn tru, lỡ em hớ hênh gì đó thì rất phiền. Vậy nên cuối tuần tôi kéo em ra quán, lấy cớ bầu bì làm biếng nấu nướng. Cũng may sinh viên mới từ quê lên rất thích được biết này biết kia nên quán xá em càng vui, tôi đỡ mất công phân bua. Thật lòng thì sau mỗi lần đi ăn ngoài cùng em, khi về nhà, nhìn mặt chồng, thấy giận đời gì đâu. Nếu anh đừng có cái tính dễ ghét đó thì đây chính là dịp bày tỏ trách nhiệm làm anh làm chị, ba má em út đều vui mà vợ chồng cũng được đẹp mặt với mọi người. Trọn vẹn. Còn đằng này… cứ như chính tôi làm điều sai trái.

Đến ngày tôi nằm ổ, má tôi từ quê lên chăm sóc. Trước đó, tôi đã hăm he dọa chồng, coi chừng, má mà giận dỗi bỏ về quê thì người phải khổ là anh. Chồng nở nụ cười của kẻ biết chuyện. 

Ảnh minh họa: Internet

Trong thời gian chờ em bé ra đời, chồng đưa má đi thăm thú nơi này chốn kia vào ban ngày, buổi tối thì mua vé cho má đi coi cải lương, kịch nói… Chồng nói nhỏ vào tai tôi rằng, tìm hiểu trên mạng nên đã biết là thuê người chăm sóc bà đẻ mười lăm triệu một tháng, vậy nên để anh mua tặng má sợi dây chuyền ngọc trai.

Tôi nghe chồng tính toán ra vẻ sòng phẳng mà không biết nên buồn hay vui, rồi tôi quyết định là mình nên vui, bởi dù sao thì chồng cũng chịu tự tay tặng quà cho má. Hình dung khi trở về quê, má khoe với lối xóm “con rể tặng đó”… mà mắt tôi cay. Trở thành người phụ nữ của gia đình, mỗi chặng đường tôi vỡ ra thêm một chút, như là tới chặng này mới hiểu ra còn có những thầm kín phía sau niềm vui.

Nhưng bù lại, từ khi em bé khóc oe oe, ngoài giờ đi làm thì chồng luôn có mặt tại nhà, sẵn sàng xăn tay áo làm mọi chuyện. Nhìn theo anh bưng thau nước vừa tắm em bé đi xuống bếp cùng với đống khăn lông tã lót, má tôi thốt lời khen “người đâu mà tốt tính ghê”. Tôi nhẹ nhõm cả người. Cầu mong suốt những ngày có má ở đây chồng hãy cứ dễ thương như vậy.

Thế rồi, sau hai tuần kể từ khi em bé cất tiếng khóc, mọi xúm xít lăng xăng ban đầu lắng xuống, bạn bè đến thăm cũng đã thưa thớt, cuộc sống có em bé và má dần đi vào nền nếp. Bỗng má nhớ ra mình còn có một đứa con đang ở thành phố.

Ờ, tiện có má nấu nướng thì kêu em về đây ăn cơm luôn cho vui. Mấy khi có má ở đây chăm sóc cả hai chị em cùng lúc - má nói với tôi và tay má bốc điện thoại gọi cho em luôn.

Ảnh minh họa: Internet

Em gái cẩn thận nhắn tin hỏi tôi: “Má kêu em tới ăn cơm. Được không?”. Tôi đọc đi đọc lại dòng tin nhắn ngắn ngủi, vừa buồn vừa mừng vì em gái thông hiểu, hình dung em hít hà nhớ mùi cơm má nấu, tôi nhắn trả lời: “Thỉnh thoảng cuối tuần thì chắc là không sao”. 

*

Lần đầu tiên thì đúng là không sao, lần thứ hai cũng không sao, nhưng tới lần thứ ba thì chồng hỏi ra vẻ bâng quơ “dạo này không đi học hay sao mà ghé chơi hoài?”. Em gái đỏ mặt lấy cớ bận học suốt cả tháng không lai vãng. Tôi phải điện thoại năn nỉ em: “Ai cũng có mặt hay mặt dở, mai này em sẽ hiểu. Như em đó, làm má buồn thì có hay không? Em không đến chơi là má buồn lắm đó”.

Em gái đến, nhưng lần nào cũng đem theo món gì đó, khi thì khúc chả lụa, khi là chục trứng gà nói là đi dạy kèm được chủ nhà cho… Nhìn đứa em ruột thịt tìm cách “chi trả” cho bữa ăn ngay tại nhà mình, tôi ngậm ngùi mà chẳng biết làm sao. Chỉ mong em nhìn thấy mặt khác đáng khen của chồng mình để mà thông cảm, như má tôi luôn nhìn thấy anh về nhà ngay khi hết giờ làm việc, và khi em bé trong cơn ho có anh bế con vỗ về suốt đêm …

Ảnh minh họa: Internet

Chợt tôi giật mình. So sánh anh với những ông chồng la cà nhậu nhẹt sau giờ làm việc để thấy anh tốt. So sánh anh với những ông chồng vụng về không biết bế con để thấy anh hơn người? Trong khi đó là trách nhiệm đương nhiên.

Có phải là tôi cố an ủi mình thôi?

*

“Yêu là thương cả điểm yếu của người mình yêu” tôi vẫn thấy câu này có lý, nhưng nếu ngược lại thì sao? Nếu mình không thương được điểm yếu đó nữa, không chịu nổi nữa…

Tôi chưa đầy ba mươi tuổi. Hình dung một cuộc sống bên nhau chỉ vì bổn phận, như là chỉ vì con… mà thấy đường dài hun hút… 

Theo Nguyên Hương/Phunuonline
Tags