Khi ngồi đây viết những dòng này, em chỉ muốn nói với anh rằng: Em không muốn trở thành một người mẹ đơn thân, em và con cần anh...
Em chưa bao giờ nghĩ mình là mẹ đơn thân, cho đến khi con sốt cao, cả đêm quấy khóc liên miên, anh không lo cho con, cũng không phụ em chăm con mà chỉ quay sang gắt gỏng: “Dỗ con mà cũng không xong. Ngủ cũng không được yên nữa”. Như giọt nước tràn ly, em vừa khóc vừa hỏi anh: “Chẳng phải nó cũng là con của anh sao?”. Đó là lần đầu tiên em nghĩ đến chuyện li dị.
Từ lúc con xuất hiện, dù chỉ là một hạt mầm nhỏ xíu trong bụng, em và anh đã vui mừng như thế nào nhỉ? Anh bỏ hút thuốc. Em bỏ uống cà phê. Chúng ta cùng thay đổi chế độ ăn và thói quen sinh hoạt của mình vì biết rằng điều đó tốt cho con. Anh còn sốt sắng lên mạng tìm hiểu về cách chăm sóc trẻ sơ sinh và hào hứng tìm cho con một cái tên thật ý nghĩa. Nhưng sự hào hứng ấy kéo dài được bao lâu?
Anh nói công việc dạo gần đây nhiều quá, anh phải tập trung lo kiếm tiền, vì chỉ còn vài tháng nữa thôi, gia đình mình sẽ có thêm thành viên mới. Anh về nhà trễ hơn, anh tăng ca thường xuyên vào ngày nghỉ cuối tuần, anh miệt mài với những cuộc nhậu có khi kéo dài tới tận 2 giờ sáng. Em lặng lẽ đi khám thai một mình, tự chăm sóc mình. Khi con ngày một lớn, những bước đi trở nên nặng nề, giấc ngủ của em cũng chập chờn hơn, em cũng chỉ biết chia sẻ những điều đó trên facebook với bạn bè.
Khi ngày dự sinh cận kề, mọi thứ vẫn không hề như em tưởng tượng. Không có cảnh anh áp tai vào bụng em nghe ngóng từng cử động của con hay trò chuyện với con. Không có cảnh người chồng nấu cho vợ những món ăn bổ dưỡng như trong phim hay mấy clip cảm động về gia đình mà em vẫn xem ở trên mạng. Không có cảnh chồng chở vợ đi siêu âm nghe tim thai, ngắm con qua màn hình đen trắng, nhìn cánh tay nhỏ xíu của con huơ huơ lên trong bụng mẹ. Những khi em hào hứng chia sẻ về những cú đạp nhẹ đầu tiên của con, những lần con nấc cụt rất buồn cười, anh hờ hững nghe rồi lại say mê quay đi coi bóng đá. Cảm xúc của em dường như chẳng có nghĩa lý gì đối với anh.
Gần hai năm nay, kể từ ngày con chào đời, anh chưa một lần thức đêm cùng em để thay tã cho con, pha sữa cho con; anh cũng chưa một lần hỏi xem em có mệt không, vết mổ của em còn đau không, con hôm nay có ngoan không, con đã biết làm những trò gì rồi?… Từ ngày em sinh con, anh ngày càng bận rộn với dự án mới, tất bật với những cuộc nhậu giao lưu tới khuya cùng đồng nghiệp mới. Có hôm anh nhậu về khuya, con bị sốt, em đành ẵm con đi cấp cứu một mình. Lúc ngồi chờ ở hành lang bệnh viện, nghe tiếng con khóc trong phòng khám, em đã rất hận anh.
Có một lần, em tình cờ nghe anh nói chuyện qua điện thoại với bạn: “Giờ về nhà nhìn thấy vợ con tao ngán lắm, tao chỉ muốn ra ngoài đi nhậu thôi!”. Em chết sững vài giây, chưa kịp hiểu em và con đã làm gì sai mà khiến anh cảm thấy chán. Sinh con chẳng phải là lựa chọn ban đầu của hai đứa mình hay sao? Không biết từ bao giờ, em và con đã trở thành nỗi phiền phức của anh, chỉ toàn đem lại cho anh sự chán chường và mệt mỏi. Không biết từ bao giờ, em có cảm giác em đang nuôi con một mình. Bạn bè tới nhà chơi vào những ngày cuối tuần lần nào cũng chỉ thấy em lủi thủi chăm con, ai cũng hỏi anh đang ở đâu, khi em nói em cũng không rõ anh đang ở đâu thì bạn bè em ai cũng tưởng cuộc >hôn nhân của chúng mình đang rạn nứt.
Đã có lần em thoáng >hối hận vì quyết định kết hôn với anh và sinh con. Vì những đêm dài chỉ mình em thiếu ngủ. Vì vài phút em nhờ anh để mắt đến con nhưng đều bị anh gay gắt từ chối. Vì những lần em đưa con đi khám bệnh một mình, những cơn sốt của con và cơn ho dài của em chỉ có hai mẹ con em cùng chiến đấu. Anh đã ở đâu trong lúc em và con cần? Anh đã ở đâu suốt hai năm qua, hai năm đầu đời vô cùng quan trọng với con? Những cái hôn vội vàng anh đặt lên trán con vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng trước khi đi làm đã là quá đủ?
Em đã từng trách móc anh, giận anh, và hận anh. Khi ngồi đây viết những dòng này, em chỉ muốn nói với anh rằng: Em không muốn trở thành một người mẹ đơn thân, em và con cần anh. Anh có thể bớt chút thời gian tăng ca, bớt chút thời gian ăn nhậu cùng đồng nghiệp để ôm con, chơi với con, tắm cho con, mặc cho cái tã và bộ quần áo được không? Em thèm được nhìn thấy cảnh anh chăm sóc con với tất cả >tình yêu thương của một người bố hơn hết thảy mọi thứ trên đời này. Em hi vọng rằng, khi con bập bẹ tập nói, anh cũng dành chút thời gian để lắng nghe. Đừng để mọi thứ đã trôi qua rồi, đến khi ngoảnh đầu tìm lại thì cũng không còn kịp nữa, anh à!