Người ta bảo, dưới mỗi căn nhà đều có một người đàn bà đang khóc. Khóc cho những vụn vặt, sự vô tâm hờ hững của chính người đàn ông của mình. Có người đàn bà nào mạnh mẽ tới mức sống với “một khúc gỗ” mà có thể an yên?
Anh có một cửa hàng buôn bán đồ trang trí nội thất. Công việc cũng bận bịu nhưng không đến nỗi đầu tắt mặt tối. Vợ anh là giáo viên một trường cấp ba. Công việc ở trường, cộng thêm hai đứa con nhỏ khiến chị lúc nào cũng mệt nhoài nhưng hễ mở miệng nhờ chồng chị luôn luôn nhận được một câu: “Anh bận quá!”
Là vợ, chị hiểu anh hơn ai hết. Buổi sáng chưa mở cửa hàng, anh bận cà phê với bạn. Đám đàn ông tụm lại với nhau ở quán cà phê đầu đường ngồi hút thuốc ngắm phố xá vừa nói với nhau những câu chuyện thời sự nóng hổi. Ở đâu giết người, ở đâu trộm cắp, những sự việc nóng hổi được share trên mạng họ biết hết. Họ bày tỏ sự quan tâm với một thái độ vô cùng phấn khích. Thế nhưng, chồng chị không biết lúc anh đang bàn về chính trị thì vợ anh đang loay hoay lo cho hai đứa con ăn sáng, chuẩn bị đèo chúng đến trường để không muộn học. Nhiều lúc chị không có thời gian ăn sáng, chưa kịp chải mái tóc rối bù cho kịp giờ dạy.
Anh bận lắm. Những buổi chiều, anh hẹn hò với chiến hữu “chén tạc chén thù” ở quán nướng gần bờ kè. Với những câu chuyện trên trời dưới đất ấy trên bàn nhậu, họ có thể ngồi lai rai, nhậu cho đến nửa đêm. Thậm chí hứng lên còn rủ nhau đi hát karaoke, massage giải mỏi.
Chị buồn chồng lắm. Hình như anh không quan tâm, cũng không hề biết những vất vả, mệt nhọc lo toan mà chị phải gánh. Hai đứa con nhỏ xíu, quần quật với con cũng đủ mệt. Đêm đêm con ngủ chị mới có thời gian soạn giáo án, chuẩn bị bài giảng ngày mai. Ban đêm anh về, thấy chị ngồi đó chấm bài cũng hiếm khi hỏi, anh chui vào giường ngủ say sưa.
Buôn bán ở cửa hàng, một tháng anh đem về cho chị gấp nhiều lần số tiền chị đi dạy. Vài ba lần, chị thấy anh nói có vẻ rất tự hào: “Không có tôi thì ba mẹ con nó làm sao mà sống nổi. Một tay tôi lo hết chứ ai…”.
Chị buồn, biết bao lần khóc lóc, nói chuyện nghiêm túc anh vẫn không hề thay đổi. Một lần anh nói với chị: “Tôi lo cho cuộc sống ba mẹ con cô như vậy chưa đủ sao? Sung sướng như vậy cô không thấy thỏa mãn sao?”.
Sự vô tâm, lạnh nhạt của một con người đã thấm vào máu thì không cách nào thay đổi được. Từ buồn chán, chị học cách chấp nhận. Chồng đi mặc chồng, đi sớm về trễ chị cũng không hỏi. Cứ để anh tự do thâu đêm với những cuộc vui bất tận. Dần dần, hai người không khác gì những kẻ ở trọ chung một nhà.
Dạo này chị thấy đau thường xuyên vùng bụng. Một vài lần đầu chị thấy cơn đau chỉ nhói lên rồi thôi nhưng càng ngày những cơn đau xuất hiện nhiều lần, rồi kéo dài ra. Nhưng công việc bận bịu quá, không có thời gian nên chị cứ nấn ná chưa đi khám được. Một lần đang dạy, cơn đau lại bùng lên đau nhói, chị xỉu ngay trong lớp học và được đưa đi cấp cứu.
Chị tỉnh dậy trong bệnh viện và biết mình bị sỏi mật. Chồng chị ngồi bên, đôi mắt anh ta nhìn chị lo lắng. Lần đầu tiên sau cái lần sinh con bây giờ chị mới thấy ánh mắt anh nhìn mình như vậy. Khi chị vào phòng mổ, bác sĩ đã gặp người nhà và bảo sao không đưa vợ đi sớm hơn. Bệnh này để đến như vậy thì những cơn đau phải xuất hiện từ rất lâu rồi.
Sau khi bác sĩ rời đi, ngồi bên vợ anh mới thấy mình quá vô tâm. Vợ đau, vợ bệnh mà anh vẫn cứ triền miên trong những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng. May thay là người ta đưa chị đi cấp cứu kịp nếu không thì… Nghĩ đến đó, anh rùng mình.
Sau khi vợ xuất viện về nhà anh thay đổi hẳn. Cũng nhậu nhưng ít hơn trước và bắt đầu quan tâm lại vợ con. Những bữa cơm giản dị đã có mặt chồng, những chuyện vụn vặt thường ngày đã có chồng ghé vai gánh vác bớt.
Đàn ông không phải không thể nhiệt tâm với vợ mà chỉ là họ không muốn. Trải qua biến cố họ mới nhận ra sự tảo tần, chịu đựng của vợ. Đàn ông nếu có tâm sẽ không bao giờ để người đàn bà của mình phải rơi nước mắt.